Thêm động lực doanh nghiệp bứt phá

Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê ghi nhận, trong 6 tháng năm 2023, cả nước có 75,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%; 8,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Báo cáo cũng ghi nhận, trong tháng 6, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Những chỉ báo này đang phản ánh rõ nét doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi cần thêm các động lực bứt phá.

* Đối mặt khó khăn

Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định, đại dịch COVID-19 qua đi, nhưng hệ lụy vẫn còn dai dẳng và kéo theo cơn bão lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất khẩu phụ thuộc vào tổng cầu thế giới, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu. Trong khi đó, cộng đồng doanh nhân luôn năng động, linh hoạt, chủ động vượt khó, không khoanh tay đứng nhìn, chủ động sản xuất, kinh doanh, tạo nên thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm qua. Song, khu vực doanh nghiệp còn nhỏ và yếu, khả năng chống chịu trước các khó khăn không bền lâu.

Toàn nền kinh tế có trên 850 nghìn doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô vốn và lao động nhỏ bé. Cơ cấu doanh nghiệp theo các ngành kinh tế chưa hợp lý, với trên 1/3 số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và có động cơ khác. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế.

Doanh nghiệp dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài và các bất cập từ nội tại của nền kinh tế. Bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang trong tình cảnh kinh doanh đầy khó khăn.

Làm sạch sản phẩm tổ yến tại nhà máy của Công ty Yến sào Khánh Hòa. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2023 của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, thực tế triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen; trong đó, khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thủy sản.

“Các nước ASEAN và ngành nông nghiệp các nước trên thế giới rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực. Trước đây, người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra tình trạng đó vì ngành nông nghiệp đã đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn bà con các kỹ thuật. An ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn thế giới. Xác định những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều từ sự suy giảm thị trường, tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào và thời tiết diễn biến bất thường, El Nino khiến nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định rõ nhiều giải pháp trọng tâm; trong đó, tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp ngành nông nghiệp, ông Paul - Antoine Croize, Phó Chủ tịch Tiểu ban Kinh doanh Thực phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay, Việt Nam có nhiều tiềm năng, điều kiện thuận lợi để xuất khẩu nông sản vào châu Âu. Nông sản Việt Nam rất đa dạng, giá cả phải chăng như cà phê, lúa gạo, hoa quả nhiệt đới… Tuy nhiên, do sản xuất với giá thành thấp, thách thức lớn nhất của nông sản Việt Nam là chưa được người tiêu dùng châu Âu biết đến nhiều. Bởi, hơn 80% sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu không mang thương hiệu hoặc dán nhãn thương hiệu Việt Nam. Vì vậy, lợi nhuận thu được của các nhà sản xuất chưa cao.

Chẳng hạn, sản phẩm hạt tiêu (hồ tiêu) của Việt Nam hiện đã đạt chất lượng tốt với sản lượng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, xét về giá thành sản phẩm trên một kg, hạt tiêu Việt Nam chỉ xếp thứ 8. Loại nông sản thế mạnh này rõ ràng đã bị mất giá trị nhiều lần so với các đối thủ cạnh tranh đã xây dựng được thương hiệu.

Các hệ thống phân phối ở châu Âu luôn ưu tiên bán sản phẩm theo nhu cầu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng trả giá cao để mua hàng nếu gắn liền với sản phẩm đó là một câu chuyện, tích chuyện. Đầu năm 2023, một hệ thống phân phối lớn toàn cầu đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với hệ thống bán lẻ ở Pháp. Qua các buổi làm việc, xúc tiến, kết nối, các doanh nghiệp bán lẻ sẵn sàng đưa sản phẩm nông sản Việt vào các hệ thống nếu đủ tài liệu liên quan đến marketing. Vì lẽ đó, để tiếp cận thị trường, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư nhiều cho marketing, tiếp thị để thấu hiểu được nhu cầu tiêu dùng ở thị trường đích, ông Paul nhấn mạnh.

Không chỉ ở ngành nông nghiệp, lĩnh vực dệt may, vốn là ngành thâm dụng nhiều lao động nhất trong nhóm các ngành kinh tế cũng gặp cảnh tương tự, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm chia sẻ, khoảng 86% sản phẩm của ngành dệt may phục vụ xuất khẩu nên bất kỳ biến động nào của nền kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng đến ngành này. Hiện nay, suy thoái kinh tế đang làm giảm đơn hàng của doanh nghiệp do lượng tồn kho lớn, người dân các nước hạn chế chi tiêu. Khó khăn của ngành dệt may bắt đầu từ cuối quý III năm ngoái và kéo dài cho đến hiện nay. Đây cũng là giai đoạn khó khăn chưa từng có trong tiền lệ đối với ngành dệt may. Thậm chí, còn có thể kéo dài sang quý III và nhanh nhất sang quý IV/2023 mới dần phục hồi.

Các doanh nghiệp dệt may phải tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng và đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân như nhận đơn hàng giá thấp hoặc sản xuất kinh doanh những mặt hàng vốn không phải thế mạnh.

* Những điểm sáng hy vọng

Nông dân huyện Đồng Phú (Bình Phước) thu hoạch hạt tiêu bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Giữa những khó khăn chung của khu vực doanh nghiệp, vẫn có không ít điểm sáng và nhiều ngành, lĩnh vực đạt tăng trưởng khả quan.

Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã ghi nhận góc nhìn của nhiều doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Theo đó, dù họ khá thận trọng đưa ra những đánh giá về triển vọng tăng trưởng trong năm nay song 62,5% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch dự kiến mở rộng quy mô kinh doanh, 37,5% doanh nghiệp muốn giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại. Đây là tín hiệu cho thấy những quyết tâm phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Thêm vào đó, 72,7% doanh nghiệp tỏ ra kỳ vọng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của công ty và việc nắm bắt xu hướng thị trường sẽ là động lực lớn giúp doanh nghiệp vươn lên trong năm nay, là kim chỉ nam dẫn đường giúp doanh nghiệp đúng hướng.

Có 63,6% doanh nghiệp đánh giá rằng, ngành công nghệ thông tin và viễn thông sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có nhiều đột phá trong 2-3 năm tiếp theo; đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tập trung cho mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy tiến trình số hóa, tăng cường áp dụng công nghệ. Tiếp sau đó là ngành du lịch, với nhiều cơ hội và chỉ số tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm cùng kỳ của 2 năm trước. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế thể hiện chiến lược đúng đắn của chính sách kích cầu du lịch và sự chủ động làm mới sản phẩm đã đem lại hiệu quả tích cực.

Để có thể vượt qua giai đoạn thách thức nhất từ nay tới cuối năm 2023, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho biết, các doanh nghiệp FAST500 sẽ ưu tiên vào 5 chiến lược chủ đạo. Theo đó, 78% doanh nghiệp sẽ tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự; 59,4% doanh nghiệp tập trung tăng cường hệ thống quản trị rủi ro; 50% doanh nghiệp sẽ phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới; 43,8% doanh nghiệp triển khai ứng dụng chuyển đổi số và 43,8% tập trung vào tái cấu trúc doanh nghiệp

Song song với những nỗ lực của doanh nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh. Riêng chính sách tiền tệ, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức từ 0,5-1,5%; giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng dư nợ tín dụng, khả năng tiếp cận tín dụng; cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp, gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội… cùng đó ban hành chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng; đồng thời, quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Thủ tướng kêu gọi và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tăng cường tiết kiệm chi phí, đổi mới quản trị doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển sản phẩm có chất lượng theo hướng sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường trong nước, quốc tế./.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN