Thị trường carbon: Thăng trầm và kỳ vọng!

Ảnh minh họa. (Nguồn: Carboncredits)

Thị trường carbon là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon. Trên thị trường carbon, có hai loại hàng hóa chính là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Khủng hoảng niềm tin

Các quốc gia trên thế giới hiện nay phần lớn đều cam kết thực hiện tiến trình cắt giảm khí nhà kính, nhằm đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải. Tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại.

Các công ty hoặc cá nhân có thể thông qua thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính bằng cách mua thêm hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, năm 2023 đánh dấu một thời điểm quan trọng trong hành trình đầy biến động của thị trường tín dụng carbon. Điều gì sẽ xảy ra trong năm 2024 khi giá carbon và thị trường carbon tự nguyện (VCM) đối mặt với sự sụt giảm lớn trong năm vừa qua?

Từng được ca ngợi là nền tảng cho hành động vì khí hậu của đa dạng đối tượng trên toàn cầu, VCM hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng niềm tin, cũng như sự sụt giảm đáng kể về cả giá cả và nhu cầu.

Tín dụng VCM đã tăng 86% vào năm 2021 so với năm 2019. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi hàng loạt cam kết và những dự báo lạc quan về quy mô tiềm năng của thị trường.

Chẳng hạn, cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời sử dụng tín dụng carbon để giải quyết lượng phát thải không thể tránh khỏi. Hay Pacific Gas and Electric (PG&E) - Công ty tiện ích lớn nhất của Mỹ đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 đồng thời giảm lượng phát thải Phạm vi 1 và 2 xuống 50% so với mức năm 2015 vào năm 2030.

Tuy nhiên, sự sụt giảm rõ rệt trong tốc độ tăng trưởng VCM, tiếp tục kéo dài sang năm 2023. Nhiều yếu tố khác nhau đang chi phối, trong đó, sự phức tạp ngày càng tăng của cơ chế thị trường và vai trò của tín dụng carbon trong các chiến lược bền vững đã góp phần đáng kể vào sự suy giảm này.

Một số tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như Shell, Nestlé, EasyJet và Fortescue Metals Group gần đây đã rút lui khỏi các chương trình bù đắp carbon. Việc rút lui này một phần xuất phát từ sự hoài nghi ngày càng tăng về tính hiệu quả của các dự án, cùng với những lo ngại về lợi ích khí hậu thực tế của chúng và những cáo buộc về hành vi “tẩy xanh” của một số doanh nghiệp, tổ chức - xây dựng hình ảnh “xanh” bằng cách cố tình lừa dối.

Thực tế là, nhu cầu bù đắp đã giảm đáng kể, với ước tính cho thấy mức giảm khoảng 25% vào cuối năm 2023, so với mức năm 2021. Sự suy giảm nhu cầu tác động mạnh mẽ đến giá carbon. Trong khoảng thời gian này, Xpansiv CBL - sàn giao dịch carbon giao ngay lớn nhất thế giới, đã chứng kiến giá bù đắp carbon giảm hơn 80% trong khoảng 18-20 tháng.

Việc giảm giá mạnh đang phản ánh những thách thức lớn hơn mà VCM phải đối mặt, bao gồm các câu hỏi về tác động môi trường thực tế của các khoản tín dụng và tính liêm chính trong các dự án bù đắp lượng khí thải.

Hơn nữa, kết quả không như mong đợi của VCM tại COP27, vẫn tiếp diễn tại COP28 (12/2023), càng làm dấy lên nghi ngờ về cách thức bù đắp phù hợp, cũng như các kế hoạch phát thải ròng bằng không của các tổ chức và doanh nghiệp.

Giám đốc điều hành Mark Kenber của Tổ chức Sáng kiến minh bạch VCM (VCMI) đánh giá, mặc dù có nhiều bước phát triển đáng khích lệ về thị trường carbon tại COP28, nhưng các thỏa thuận vẫn hầu như “không đạt mục tiêu”.

Trong bối cảnh này, tương lai thị trường carbon đang ở thời điểm quan trọng, đối mặt với thách thức lấy lại uy tín và chức năng trong sự giám sát ngày càng gia tăng và những thay đổi về quy định. Cách các thị trường này phát triển như thế nào tác động đáng kể đến các chiến lược khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên, không phải tất cả tin tức về thị trường carbon đều xấu. Những ngày cuối năm, sàn giao dịch giao ngay Xpansiv CBL vẫn đạt kỷ lục về khối lượng giao dịch hàng ngày là 2,13 triệu tấn tín dụng carbon, báo hiệu sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp. Sự gia tăng hoạt động mua hàng cuối năm phù hợp với mục tiêu đề ra tại COP28 - phản ánh sự quan tâm của doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính tối đa mà một đơn vị phát thải được phép thải ra môi trường trong một khoảng thời gian nhất định.

Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (tCO2e). Đây là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Chìa khóa chuyển đổi xanh thành công

Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chiến lược quan trọng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó có lộ trình phát triển công cụ định giá carbon, nhất là thị trường carbon tuân thủ.

Dù đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon trên VCM thế giới gần 20 năm trước. Tới nay, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và là một trong bốn nước có dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch đăng ký nhiều nhất.

Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon. Về lộ trình thành lập thị trường carbon, Chính phủ dự kiến chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 2023-2024: thiết lập cơ sở pháp lý ban đầu để xây dựng đề án; Giai đoạn 2025-2027: thời gian giao dịch thí điểm trên thị trường carbon; Đến năm 2028, vận hành chính thức thị trường carbon và kết nối với các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong khu vực và trên thế giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thách thức đặt ra xuyên suốt cả ba giai đoạn nêu trên là nhận thức của các doanh nghiệp, các tổ chức tham gia thị trường và của toàn xã hội.

Các tổ chức quốc tế cho rằng, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt từ khu vực công, tuy nhiên cần chú trọng thúc đẩy cách tiếp cận nhiều bên, tăng cường hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực, các cấp, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện phát triển cung, cầu trong thị trường carbon. Tổ chức OECD đánh giá cao những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt ấn tượng với cam kết phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP26 và cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển thị trường carbon năng động, chất lượng, hiệu quả.

Để đạt được các mục tiêu khí hậu theo cam kết của Việt Nam với quốc tế, cần có nguồn vốn lớn. Thị trường tín chỉ carbon chính là một nguồn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước xanh hóa thành công, vừa giảm phát thải khí nhà kính, vừa tạo động lực và lợi nhuận cho doanh nghiệp và quốc gia. Việt Nam đã sẵn sàng cho các bước đi tiếp theo...

Minh Anh