Thu hút vốn bền vững từ chuẩn hóa thông tin chứng khoán

Đáp ứng tiêu chuẩn công bố thông tin: chỉ hơn 50%

Cuộc chiến thông tin giữa nhà đầu tư và những cổ đông lớn luôn là chủ đề nóng trong thời gian qua. Không ít trường hợp “ngã ngửa” vì xuất hiện thông tin bất ngờ kiểu lãnh đạo cấp cao bán cổ phiếu mà không thông báo, hay những tin đồn tràn lan trên mạng xã hội.

Trong bối cảnh này, “khoảng cách truyền thông” giữa doanh nghiệp và thị trường vẫn đang đươc các doanh nghiệp nỗ lực thu hẹp thông qua hoạt động công bố thông tin với nhà đầu tư, hay còn gọi là quan hệ nhà đầu tư – IR.

Theo báo cáo khảo sát về hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2023 của Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE) và Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FILI) thực hiện, có khoảng 364 công ty niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, chiếm tỷ lệ khoảng 50%, giảm nhẹ so với tỷ lệ 52% của kỳ khảo sát liền trước.

Tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin đã chững lại so với hai năm trước. Nguồn: Báo cáo khảo sát IR 2023 (Fili, Vietstock).

Như vậy tỷ lệ này đã có xu hướng chững lại trong năm qua. Dù vậy, trong giai đoạn ba năm gần đây (2021-2023), tỷ lệ này vẫn duy trì ở vùng cao (trên mức 50%) so với những năm trước đó.

“Đây cũng là giai đoạn hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và hoạt động công bố thông tin nói riêng có những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng như thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến cố lớn”, báo cáo lý giải.

Số liệu khảo sát năm 2022 cho thấy doanh nghiệp thường chưa đáp ứng được quy định về công bố thông tin liên quan đến đại hội đồng cổ đông thường niên, còn trong năm 2023 thì các lỗi liên quan đến báo cáo tài chính lại áp đảo. Trong kỳ có tới 161 doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm về công bố thông tin.

Đáng chú ý hơn là hai ngành xếp “chót bảng” về số lượng doanh nghiệp không đạt chuẩn công bố thông tin là nhóm xây dựng (tỷ lệ không đạt chuẩn 60%), bất động sản (46%).

Ngược lại, điểm tích cực là có đến 99% doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí “vi phạm giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ”, cho thấy các cổ đông nội bộ ngày càng có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định về giao dịch cổ phiếu.

Nguồn: báo cáo khảo sát hoạt động IR 2023 (Fili, Vietstock).

Nỗ lực minh bạch thông tin để nâng hạng thị trường

Minh bạch thông tin được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như hướng đến mục tiêu chung là nâng hạng thị trường chứng khoán, theo chia sẻ của các các chuyên gia tại hội thảo “IR và câu chuyện nâng hạng thị trường”, được tổ chức bên lề sự kiện Vinh danh các doanh nghiệp niêm yết trong hoạt động IR mới đây, do Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống cùng Cổng thông tin tài chính Vietstock, đồng tổ chức.

Ông Matthew Smith, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, dẫn lại một khảo sát với nhà đầu tư, chỉ ra sự khác biệt giữa công ty có hiệu quả hoạt động IR khác nhau. Với công ty được đánh giá là có IR tốt, có khoảng 56% nhà đầu tư chấp nhận trả mức giá cao hơn ít nhất 15% so với công ty tương tự nhưng có hoạt động IR kém.

Minh bạch thông tin cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp, bao gồm tăng uy tín của ban lãnh đạo, cải thiện khả năng tiếp cận vốn mới, thu hút nhà đầu tư dài hạn và được nhiều nhà phân tích chú ý hơn.

Ông Matthew Smith cho rằng trong bối cảnh thị trường đi xuống doanh nghiệp càng phải tăng cường hoạt động IR. Ảnh: DNCC.

Ông Matthew Smith bình luận thêm rằng xu hướng thị trường hiện thay đổi đáng kể so với trước đây, khi chi phí vốn đã tăng lên đáng kể. Mặt khác, khi thị trường giảm và hoạt động kinh doanh khó khăn hơn thì doanh nghiệp cũng nên chủ động chia sẻ thông tin với thị trường.

“IR trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì lúc này nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn vì có nhiều lựa chọn tài sản mang lại lợi suất cao hơn. Doanh nghiệp phải chia sẻ những điểm hấp dẫn của bản thân để thu hút nhà đầu tư. Đó là vai trò của đội ngũ IR, giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ hơn”, ông Matthew Smith cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty quản lý Quỹ đầu tư Chứng Khoán Vietcombank, nói đứng ở góc nhìn của bên mua, quỹ sẽ trả mức giá thấp so với nội tại của doanh nghiệp bởi coi việc thiếu hụt thông tin là rủi ro.

Một điểm tích cực là trong các năm gần đây, nhiều doanh nghiệp tổ chức đội ngũ IR chuyên nghiệp, giúp nhà đầu tư tiếp cận thông tin dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo ông Linh, điều cần chú ý là doanh nghiệp cần đối xử công bằng và nhất quán, không phân biệt giữa cổ đông cá nhân hay tổ chức, cổ đông lớn hay nhỏ. Mặt khác, các quỹ cũng kỳ vọng lãnh đạo cấp cao sẽ dành thời gian nhiều hơn để chia sẻ về triển vọng thị trường và chiến lược.

Ở góc độ khác, danh sách đạt chuẩn công bố thông tin trong 13 năm qua không có doanh nghiệp nào duy trì sự xuất hiện liên tục. “Điều này thể hiện một thực tế khốc liệt là việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin của cơ quan chức năng là không hề dễ dàng. Đây thực sự là một thử thách ngay cả đối với những doanh nghiệp lớn và đầu ngành”, báo cáo khảo sát IR trên đánh giá.

Bà Lê Hồng Liên, Giám đốc cao cấp IR, Techcombank, cho rằng hoạt động IR của doanh nghiệp có tốt hay không chủ yếu đến từ ý chí của ban lãnh đạo, đóng góp đến hơn một nửa hiệu quả của IR tại doanh nghiệp đó.

“Nâng hạng là câu chuyện dài hơi của thị trường chứng khoán. Hy vọng các doanh nghiệp niêm yết sẽ nhìn thấy lợi ích dài hơi, tập trung đầu tư thêm cho việc phát triển bền vững của doanh nghiệp”, bà Liên chia sẻ.

Còn ông Mathew Smith lưu ý rằng trên thị trường hiện nay, nhà đầu tư có rất nhiều lựa chọn khác nhau, do đó bộ phận IR của doanh nghiệp nên tích cực chia sẻ thông tin, tình hình kinh doanh và chiến lược để thu hút sự quan tâm. “IR là không nên được nhìn nhận là một sự kiện chỉ diễn ra một lần, mà là một quá trình liên tục và không có điểm dừng”, ông nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát đạt chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nằm trong chương trình thường niên IR Awards, do Vietstock và Fili đồng tổ chức. Năm 2023 là năm thứ 13 chương trình được thực hiện.Chương trình khảo sát 731 doanh nghiệp niêm yết trong vòng 12 tháng (từ ngày 1-5-2022 đến 30-4-2023), đánh giá hoạt động IR thông qua hệ thống thang điểm từ 33 định chế tài chính hàng đầu, cùng sự bình chọn từ cộng đồng nhà đầu tư.Các hạng mục được vinh danh bao gồm Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất, Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2023 chia theo quy mô vốn hóa.Cụ thể, kết quả top 3 doanh nghiệp Vốn hóa lớn được nhà đầu tư yêu thích gồm CTG, FPT, MBB; top 3 vốn hóa vừa là CTR, DGW, FPT; top 3 Vốn hóa nhỏ là AAT, AAV, NHH). Còn các doanh nghiệp được định chế tài chính đánh giá cao bao gồm top 3 vốn hóa lớn là VHM, FPT, TCB; top 3 vốn hóa vừa là DGW, FRT, PVT; top 3 vốn hóa nhỏ là AAV, NHH, PHC.Báo cáo khảo sát đánh giá đây là những doanh nghiệp niêm yết tuân thủ hoạt động công bố thông tin, có quản trị chiến lược, truyền thông tài chính minh bạch, đạt được hiệu quả giao tiếp giữa doanh nghiệp, cộng đồng tài chính cùng các thành phần khác, góp phần đưa chứng khoán công ty đạt được mức định giá hợp lý, giá trị doanh nghiệp được tối ưu.

Dũng Nguyễn