Thụy Sĩ duy trì chính sách cởi mở đối với đầu tư nước ngoài

Quy định kỹ càng để bảo vệ an ninh quốc gia

Hiện tại, chưa có luật áp dụng chung về sàng lọc đầu tư nước ngoài, song ụy Sĩ có các luật ngành quy định hoặc hạn chế đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản, viễn thông, năng lượng hạt nhân, phát thanh và truyền hình và hàng không. Chẳng hạn, đối với đầu tư nước ngoài vào bất động sản, Nhà nước có tính đến các yếu tố chung về tình hình thị trường bất động sản tại một địa điểm nhất định, cũng như mục đích và hoàn cảnh của việc mua bất động sản. Khi cấp phép và giám sát một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) sẽ tính đến sự tham gia “đủ điều kiện” của nước ngoài khi cấp giấy phép hoạt động...

Một góc Thụy Sĩ. Nguồn: ITN

Theo Luật Cạnh tranh của Thụy Sĩ, việc sáp nhập các doanh nghiệp độc lập hoặc mua lại quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với một doanh nghiệp phải chịu sự kiểm soát của Ủy ban Cạnh tranh Thụy Sĩ nếu đạt đến các ngưỡng nhất định.

Ở Thụy Sĩ, khái niệm an ninh quốc gia không được luật pháp định nghĩa. Hiến pháp nước này và các luật chuyên ngành thường sử dụng thuật ngữ “an ninh nội bộ và bên ngoài”. Điều này bao gồm việc bảo vệ chống lại các mối đe dọa do khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, dịch vụ tình báo nước ngoài và tội phạm có tổ chức, cũng như bất kỳ hành động hoặc nỗ lực nào khác gây nguy hiểm nghiêm trọng cho mối quan hệ hiện tại của Thụy Sĩ với các quốc gia khác, hoặc nhằm mục đích phá hoại trật tự Hiến pháp hoặc hòa bình. Việc bảo vệ chống lại những mối đe dọa này trùng hợp với khái niệm an ninh quốc gia.

Theo pháp luật Thụy Sĩ, thuật ngữ “trật tự công cộng” bao gồm tất cả các quy tắc không thể thiếu cho sự tồn tại có trật tự của các cá nhân, trong khi thuật ngữ “an ninh công cộng” có nghĩa là sự bất khả xâm phạm của pháp luật, lợi ích hợp pháp của cá nhân (tính mạng, sức khỏe, tự do, tài sản…) và các tổ chức của Nhà nước.

Cập nhật chính sách

Năm 2018, Quốc hội Thụy Sĩ đã chỉ đạo Hội đồng Liên bang tạo cơ sở pháp lý cho việc sàng lọc các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đến tháng 5.2022, Hội đồng Liên bang trình bày dự thảo sơ bộ của Luật Sàng lọc đầu tư nước ngoài (FISA). Sau khi nhận một số ý kiến lo ngại về khả năng có thể gây khó khăn cho đầu tư của nước ngoài vào nước này, cho đến nay dự thảo vẫn đang được sửa đổi với mục đích làm cho nó trở nên thân thiện hơn với các nhà đầu tư. Dự thảo sửa đổi sẽ được trình lên Quốc hội trong thời gian tới để tranh luận và có thể được thông qua.

Mục đích của FISA là ngăn chặn các mối đe dọa đối với trật tự và an ninh công cộng bắt nguồn từ việc các nhà đầu tư nước ngoài mua lại các công ty trong nước. Hội đồng Liên bang cho rằng, các mối lo ngại chính đến từ các nhà đầu tư dưới sự kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của một nhà nước nước ngoài. Theo đó, các khoản đầu tư của các nhà đầu tư đó vào một số lĩnh vực kinh tế quan trọng, chẳng hạn như lĩnh vực vũ khí, điện hoặc viễn thông, phải được thông báo và phê duyệt.

Một số luật điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài tại Thụy Sĩ

Tuy chưa có luật nào quy định việc sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài nói chung, song Thụy Sĩ có một số luật quy định về đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực cụ thể, như Luật Liên bang về việc mua lại bất động sản của người ở nước ngoài (được gọi là “Lex Koller”); Luật Ngân hàng liên bang (hay còn gọi là Luật Ngân hàng Thụy Sĩ) và Luật Liên bang về các tổ chức tài chính (FinIA); Luật Viễn thông liên bang; Luật Năng lượng hạt nhân liên bang; Luật Liên bang về phát thanh và truyền hình; Luật Hàng không liên bang.

Trong khi đó, Luật Liên bang Thụy Sĩ Về cartel và các biện pháp hạn chế cạnh tranh khác quy định việc sáp nhập các doanh nghiệp hoặc thay đổi quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với một doanh nghiệp. Và Luật Cạnh tranh điều chỉnh các giao dịch từ nội địa đến nội địa cũng như từ quốc tế đến nội địa.

Chẳng hạn, đối với bất động sản, Luật Lex Koller cấm các công dân không phải là người Thụy Sĩ mua bất động sản hoặc nắm quyền kiểm soát bất động sản ở nước này, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Trong khi đó, các ngân hàng yêu cầu phải có giấy phép từ FINMA để bắt đầu hoạt động ở Thụy Sĩ. Điều này cũng được áp dụng đối với các ngân hàng nước ngoài thành lập chi nhánh Thụy Sĩ hoặc chỉ định đại diện thường trực tại Thụy Sĩ. Việc thiết lập ảnh hưởng kiểm soát của nước ngoài tại các ngân hàng Thụy Sĩ cũng phải tuân theo quy định của Luật Ngân hàng Thụy Sĩ. FINMA cũng có thể yêu cầu sử dụng tên công ty không biểu thị hoặc gợi ý đặc tính Thụy Sĩ của ngân hàng…

Trong khi đó, Luật Viễn Thông hạn chế quyền tiếp cận thị trường viễn thông của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Cơ quan có thẩm quyền của Thụy Sĩ có thể cấm các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sử dụng tần số vô tuyến... trừ khi các quyền đối ứng cũng được quốc gia cư trú của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cấp. Hay, nước này có thể từ chối cấp giấy phép thông tin vô tuyến cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, trừ khi quyền “có đi, có lại” cũng được quốc gia cư trú của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cấp…

Ngọc Minh