Tiếng vọng của đại ngàn

Chiêng và những nhạc cụ được làm bằng tre, nứa thể hiện nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của đồng bào Ê-đê. Ngày nay, tuy tần suất sử dụng những loại nhạc cụ này không còn thường xuyên như trước, nhưng vào mỗi kỳ lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Ê-đê, chúng ta lại được nghe những thanh âm quen thuộc đó.

Đội văn nghệ của đồng bào Ê-đê ở thôn Soi Mít (xã Khánh Hiệp) biểu diễn tiết mục hòa tấu chiêng trong một hoạt động văn hóa.

1. Đồng bào Ê-đê ở Khánh Hòa sinh sống chủ yếu tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) và một số xã ở phía tây bắc huyện Khánh Vĩnh. Cũng như những dân tộc thiểu số khác ở miền núi rừng Tây Nguyên, đồng bào Ê-đê ở Khánh Hòa vốn xem những bộ chiêng là vật thiêng của gia đình nên thường giữ gìn, bảo quản cẩn thận. Những bộ chiêng không chỉ thể hiện sự giàu có, mà đó như sợi dây kết nối để mong thần linh bảo vệ gia đình. Chiêng được đồng bào sử dụng trong nhiều hoạt động của gia đình, buôn làng. Từ lễ cúng bến nước, lễ cưới, lễ tang, lễ mừng được mùa, lễ cầu mưa, lễ bỏ mả…, đồng bào đều sử dụng những bộ chiêng tấu lên thanh âm vang vọng núi rừng. Nghe tiếng chiêng của đồng bào Ê-đê, chúng ta cảm nhận được âm thanh chắc, khỏe; tiết tấu dồn dập, sôi nổi.

Theo ông Y Hy - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Tây, bộ chiêng của người Ê-đê thường có 10 chiếc, được chia làm 3 nhóm: Nhóm chiêng bằng nhỏ có 6 chiếc đảm trách phần giai điệu; nhóm 3 chiếc chiêng có núm với kích thước khác nhau đảm trách phần tiết tấu; nhóm chiêng bằng lớn nhất giữ nhịp cho cả dàn chiêng. Ngoài ra, trong khi hòa tấu dàn chiêng, đồng bào còn sử dụng 1 trống lớn để cùng với chiêng bằng lớn giữ nhịp. Người Ê-đê quan niệm chiêng bằng lớn là chiêng ông, chiêng núm lớn là chiêng mẹ, chiêng núm nhỡ là chiêng cha, chiêng núm nhỏ là chiêng cậu, những chiếc chiêng bằng nhỏ lần lượt là thứ tự những người con trong gia đình, còn trống lớn là người bà. Những buổi hòa tấu chiêng thường được diễn ra ở nhà dài, tư thế người đánh chiêng có thể đứng hoặc ngồi, nhưng thứ tự dàn chiêng phải được sắp xếp lần lượt như trên. Và cứ thế, tiếng chiêng ngân vang khắp buôn làng, núi rừng.

Nghệ nhân người Ê-đê thổi kèn đing năm.

2. Thế giới âm nhạc của đồng bào Ê-đê bên cạnh dàn chiêng bằng đồng còn có kho tàng nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa hết sức phong phú, đa dạng. Độc đáo nhất là hệ thống nhạc cụ bộ hơi được đồng bào gọi là “đing”, gồm có: Đing năm, đing buốt (còn gọi là đing kliă), đing tút, đing ring… Bên cạnh đó, còn có những nhạc cụ thuộc bộ dây, bộ gõ như: Brố, đàn goong, ching kram, đàn T’rưng… Nghệ nhân Y Oanh (thôn Soi Mít, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, đời sống của người Ê-đê có sự gắn bó với thiên nhiên, vậy nên những cây tre, nứa, lồ ô được đồng bào sử dụng để làm nhà, các vật dụng lao động và cả trong âm nhạc. Những nhạc cụ dân tộc độc đáo từ tre, nứa đã góp phần vào bản hòa âm của núi rừng, sự phong phú, đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Mỗi loại nhạc cụ thường được đồng bào sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, cây kèn đing năm dùng để đệm khi hát aray; đing tút có âm thanh trầm lắng như lời tự sự vỗ về trái tim; đàn goong được dùng để tự sự trong những đêm trăng thanh.

Nhạc cụ của người Ê-đê rất phong phú, đa dạng và có khả năng biểu đạt cảm xúc cao, nhất là với dàn chiêng. Để giữ gìn những thanh âm đại ngàn của đồng bào Ê-đê, thời gian qua, một số địa phương đã thành lập những đội văn nghệ để diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc vào mỗi dịp lễ, Tết. UBND tỉnh cũng ban hành các quyết định về: Dự án Kiểm kê di sản văn hóa truyền thống điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Ê-đê, T'rin trên địa bàn tỉnh; Dự án Sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của 3 dân tộc thiểu số Raglai, Ê-đê, T'rin; kế hoạch triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch… Thông qua đó, chúng ta đã giữ gìn, phát huy được giá trị của các loại nhạc cụ truyền thống, trong đó có nhạc cụ của đồng bào Ê-đê; phong trào tập luyện, biểu diễn các nhạc cụ Ê-đê cũng đem đến nhiều tín hiệu tích cực. Một số cá nhân như ông Y Hy đã bỏ công sức để thực hiện việc sưu tầm, trưng bày các loại nhạc cụ dân tộc của đồng bào mình để thế hệ trẻ và những ai quan tâm được biết đến tiếng của núi rừng đại ngàn.

GIANG ĐÌNH