Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thị trường mới

Doanh nghiệp Thủ đô giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu. Ảnh: VH

Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương à Nội, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu của TP Hà Nội đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 54,4 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm trước như máy móc thiết bị phụ tùng đạt 2,068 tỷ USD, tăng 2,7%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,84 tỷ USD, tăng 17,2%; xăng dầu đạt 1,392 tỷ USD, tăng 1,5%; hàng nông sản đạt 1,075 tỷ USD, tăng 23%...

Doanh nghiệp Hà Nội đã khẳng định sự tăng trưởng lớn mạnh thông qua việc giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu, giảm dần sự lệ thuộc vào DN FDI khi kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 đạt 9,5 tỷ USD , chiếm tỷ trọng 57%, tăng 3,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43%, giảm 9,6%.

Theo đó, các DN nỗ lực thực hiện những cách thức xuất khẩu mới như xúc tiến thương mại trực tuyến, xuất khẩu thông qua các sàn ương mại điện tử lớn hoặc tập đoàn bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, MM Mega Market...Đồng thời, đẩy mạnh kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU...

Hoạt động xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… đang là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp tăng cường triển khai bởi hình thức này giúp đơn vị tiết kiệm chi phí, thời gian chuyển hàng, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với xuất khẩu theo cách truyền thống.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, để hỗ trợ các DN, Sở Công Thương Hà Nội đã thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời tình hình thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, các quy định, văn bản chỉ đạo, điều hành mới liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu… để DN nắm bắt.

“TP Hà Nội cũng hỗ trợ các DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu” – bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN khai thác các thị trường mới trên cơ sở tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA. Đồng thời, hỗ trợ DN hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cập nhật thường xuyên, kịp thời những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới để phổ biến đến các DN trên địa bàn Hà Nội.

Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, để hoạt động xuất khẩu tăng trưởng bền vững, ngành Công Thương sẽ chú trọng hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm làng nghề được xuất khẩu trực tiếp. Đồng thời, lựa chọn phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4 - 5% so với năm 2023. Các đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý IV/2023 là một trong những yếu tố để các DN xuất khẩu tin tưởng bức tranh thị trường 2024 sẽ khởi sắc hơn năm 2023.

Khánh Phong