Tình hình tài chính của Barca tệ như thế nào?

Ngày 13/8, La Liga mùa giải 2021/22 sẽ khởi tranh. Tới nay, Lionel Messi vẫn là cầu thủ tự do, dù các cuộc đàm phán giữa anh và Barcelona đang diễn ra ổn thỏa.

Đội chủ sân Camp Nou thuyết phục thành công Leo giảm 50% lương (có thể lên tới 68% trong năm đầu tiên). Dù Messi có đồng ý đặt bút ký vào hợp đồng mới, Barca chưa thể đăng ký cầu thủ. Mọi thứ còn tệ hơn khi truyền thông Tây Ban Nha tiết lộ CLB có thể kiện các cầu thủ trong đội hình nếu họ từ chối giảm lương.

Quỹ lương mất cân đối

Mundo Deportivo tiết lộ ban lãnh đạo Barca lên kế hoạch kiện các ngôi sao nếu họ từ chối giảm lương. Ngoại trừ Messi, chỉ có vài trụ cột như Gerard Pique, Sergio Busquets hay Sergi Roberto đồng ý giảm 50% mức lương để giúp đỡ CLB.

Nhiều cầu thủ Barca không đồng ý việc giảm lương. Ảnh: Reuters.

Luis Garcia, luật sư đến từ văn phòng luật Balcells (Barcelona), nhận xét rằng các quy định hiện hành cũng như quan điểm của tòa án thường có xu thế ủng hộ người lao động hơn là đơn vị sử dụng lao động.

Barca vì thế không có nhiều cửa thắng nếu kiện cầu thủ. "Đó giống như một lời đe dọa", Garcia phân tích trên El Mundo. "Barca không có nhiều cửa thắng, và họ cũng gặp rất nhiều rắc rối nếu tung hê mọi chuyện ra tòa án".

Vào năm ngoái, Barca từng áp dụng luật lao động Tây Ban Nha để yêu cầu các cầu thủ giảm 70% trong hai đợt.

Luật lao động ở Tây Ban Nha cho phép các công ty áp dụng ERTES - biện pháp tạm thời sa thải nhân viên hoặc giảm 70% lương trong trường hợp khẩn cấp, như đại dịch hay thiên tai.

Tuy nhiên, sau một năm, tình thế đã thay đổi. Barca là CLB duy nhất ở châu Âu muốn kiện cầu thủ của mình vì họ không giảm lương trong hợp đồng đã ký.

Thông điệp của Mundo Deportivo giống như một lời đe dọa mà ban lãnh đạo Barca gửi đến các cầu thủ. Sau những bê bối từ cựu Chủ tịch Josep Bartomeu, không ai còn bất ngờ với cách các đời lãnh đạo Barca dùng truyền thông để thực hiện ý đồ của mình.

Barca đang mắc kẹt trong vấn đề quỹ lương. Dù Messi trở thành cầu thủ tiên phong trong việc giảm lương, phần còn lại của đội bóng không phải ai cũng nghĩ như Leo.

Trong năm 2020, Barca đang là đội có quỹ lương cao nhất trong số các CLB hàng đầu châu Âu với 443 triệu euro (số liệu từ Deloitte). Trong số các đội có quỹ lương lớn nhất châu Âu, Man City xếp thứ hai với 401 triệu euro. Real Madrid xếp thứ 3 với 378 triệu euro.

Thực tế, Barca nỗ lực giảm lương cầu thủ trong một năm qua. Họ đạt được những thành công nhất định. Không đội bóng nào trong số các CLB hàng đầu châu Âu cắt giảm quỹ lương nhiều như Barca.

Năm 2019, quỹ lương của Barca là 501 triệu euro. Cựu Chủ tịch Bartomeu thành công trong việc cắt giảm 33% quỹ lương Barca.

Điều đó có thể lý giải phần nào việc nhiều cầu thủ khác của Barca như Jordi Alba hay Samuel Umtiti từ chối giảm lương. Họ hy sinh không ít thu nhập trong mùa giải trước.

Chủ tịch La Liga, Javier Tebas thừa nhận Barca gặp vấn đề về quỹ lương và phải nhanh chóng giải quyết nó trước mùa giải mới. Cộng với sự có mặt của Sergio Aguero, Eric Garcia và Memphis Depay theo dạng chuyển nhượng tự do vào hè này, Barca cần cắt giảm thêm ít nhất 200 triệu euro tiền lương.

Tebas đặt ra tỷ lệ 1:4 cho Barca ở phiên chợ hè 2021. Tức là nếu Barca bán một cầu thủ trị giá 100 triệu euro, họ chỉ có thể tiêu 25 triệu euro. Nếu họ chi 10 triệu euro trả lương cho cầu thủ mới, họ sẽ phải cắt giảm 40 triệu euro tiền lương từ những cầu thủ khác.

Đây là nhiệm vụ khó khăn với CLB này. Quy định mức trần lương và chi tiêu của La Liga được đánh giá chặt chẽ hơn cả Luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA. Một CLB không thể chi tiêu hay trả lương quá tỷ lệ 60% số tiền họ kiếm được trong một mùa giải.

Chỉ số turnover (vòng quay tài sản), một trong những chỉ số quan trọng trong hoạt động tài chính của Barca liên tục xấu đi trong 3 năm qua. Tỷ lệ này tăng từ 52% trong năm 2018 lên đến 62% vào năm 2020.

Barca là đội có doanh thu cao nhất bóng đá thế giới sau khi mùa giải 2019/20 kết thúc (715 triệu euro). Nhưng quỹ lương phình to khiến CLB dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính.

Trong năm 2020, Barca và Man Utd là hai CLB có doanh thu giảm sâu nhất trong thế giới bóng đá. Doanh thu của Barca giảm 126 triệu euro (15%) so với cùng kỳ năm trước. Man Utd giảm 131 triệu euro. Để so sánh, đại kình địch Real của Barca chỉ giảm 45 triệu euro (6%) doanh thu.

Tuy nhiên, Real vẫn gặp vấn đề tài chính do quỹ lương cao và đang nợ nhiều khoản cải tạo sân Bernabeu.

Dự báo từ Financial Times cho biết Barca có thể giảm 267 triệu euro doanh thu trong năm 2021. Điều này xuất phát từ doanh thu trực tiếp của các trận đấu tại Camp Nou giảm.

Bên cạnh đó, việc Barca liên tục bị loại sớm khỏi Champions League những mùa giải cũng khiến doanh thu của họ sụt.

Barca không vượt qua tứ kết Champions League kể từ năm 2015. Việc không đi sâu ở giải đấu này khiến Barca không nhận nhiều tiền thưởng lẫn tiền bản quyền truyền hình từ UEFA.

Ở khía cạnh khác, hợp đồng tài trợ áo đấu của Barca với Rakuten đã giảm từ 55 triệu euro/mùa xuống còn 30 triệu euro/mùa trong lần ký mới.

Messi chưa thể ký hợp đồng mới với Barca. Ảnh: Reuters.

Lối thoát nào cho Barca

Barca chịu khoản lỗ 173 triệu euro trong năm 2020 (không bao gồm các khoản lãi và bán cầu thủ).

Trong 3 năm qua, Barca lỗ tổng cộng 432 triệu euro. Trong số các CLB muốn thành lập Super League, có 3 đội lỗ nhiều hơn Barca trong năm 2020 là Man City (182 triệu euro), AC Milan (202 triệu euro) và Juventus (234 triệu euro).

Tuy nhiên, tất cả CLB này đều được chủ sở hữu của họ hỗ trợ bằng việc bơm tiền trực tiếp. Cơ chế của Barca không cho phép việc một ông chủ bơm tiền vào đội bóng.

Điều này dẫn đến việc sau khi kế hoạch Super League thất bại, tân Chủ tịch Joan Laporta trông chờ vào khoản vay 525 triệu euro từ ngân hàng Goldman Sachs.

Tập đoàn tài chính từ Mỹ chính là đơn vị dự tính bảo trợ cho kế hoạch Super League, với khoản đầu tư 6 tỷ USD. Hơn nửa tỷ euro từ Goldman Sachs có thể giúp Laporta trả lương cho Messi đồng thời tái cấu trúc các khoản nợ trong thời gian ngắn hạn. Khoản vay kể trên có thời hạn 15 năm với mức lãi suất khoản 3% một năm.

Tuy nhiên, khi mùa giải mới của La Liga sẽ bắt đầu vào ngày 13/8, khoản vay của Goldman Sachs giống như "nước xa không cứu được lửa gần". Barca đang nợ tổng cộng 1,2 tỷ euro. Trong khoản nợ đó, có 731 triệu euro thuộc về các khoản nợ ngắn hạn, mà Barca phải trả trong 12 tháng tới.

Các cầu thủ Barca phải giảm lương. Ban lãnh đạo đội bóng phải nhanh chóng thanh lý được cầu thủ.

Phương án đẩy Griezmann sang Atletico của Barca đang rơi vào ngõ cụt khi cầu thủ không chịu giảm lương tại CLB mới. Chân sút người Pháp đang nhận lương khoảng 30 triệu euro (trước thuế), cao thứ hai ở Barca sau Messi.

HLV Diego Simeone trong bài phát biểu vào ngày 25/7 đã úp mở về khả năng Griezmann ở lại Barca. Griezmann được cho đồng ý cắt giảm lương để ở lại Barca.

Bên cạnh Griezmann, đội chủ sân Camp Nou đang gặp khó trong việc thanh lý Philippe Coutinho (lương 20 triệu euro/năm), Ousmane Dembele (13 triệu euro/năm) hay Samuel Umtiti (12 triệu euro/năm). Giá trị của các cầu thủ kể trên đang xuống thấp trên thị trường chuyển nhượng.

Pjanic, người nhận hơn 12 triệu euro/năm tại Barca từ chối rời Camp Nou dù CLB ngỏ ý thanh lý hợp đồng với anh. Tiền vệ người Bosnia & Herzegovina khó tìm được CLB nào khác trả mức lương cao như vậy, khi phong độ đã sa sút trong mùa qua.

Barca đã tính đến việc bán hoặc cầm cố tài sản của CLB. Họ có vài hạng mục bất động sản giá trị cao như Học viện bóng đá, Trung tâm phát triển và bán hàng, hãng phim,... Đây đều là các hạng mục thiết yếu với sự phát triển dài hạn của đội bóng.

Tuy nhiên, trong quá khứ, Florentino Perez từng bán sân tập của Real với giá 480 triệu euro cho chính quyền thành phố Madrid. Nếu cuộc khủng hoảng tài chính của Barca không được giải quyết sớm, mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Highlights Barca 3-1 Girona Trong trận giao hữu rạng sáng 25/7 (giờ Hà Nội), đội bóng xứ Catalunya thắng 3-1. Tân binh Memphis Depay ghi bàn ấn định tỷ số trên chấm 11 m.

Hồng An