Trường Đại học Việt Nhật có ngành chỉ tuyển được 2,7% chỉ tiêu

Trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội (VJU) bắt đầu tổ chức đào tạo bậc đại học hệ chính quy từ năm 2020. Hiện tại, nhà trường đang đào tạo 2 chương trình cử nhân 4 năm là: Nhật Bản học và Khoa học và Kỹ thuật máy tính; 4 chương trình kỹ sư 4,5 năm là: Kỹ thuật cơ điện tử (Cơ điện tử thông minh và Sản xuất theo phương thức Nhật Bản), Công nghệ thực phẩm và Sức khỏe, Nông nghiệp thông minh và bền vững, Kỹ thuật xây dựng.

Bên cạnh đó, nhà trường còn có 8 chương trình sau đại học bao gồm: Biến đổi khí hậu và phát triển, Chính sách công, Công nghệ Nano, Khu vực học (định hướng Việt Nam học/ Nhật Bản học), Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật môi trường, Lãnh đạo toàn cầu và Quản trị kinh doanh.

Tỷ lệ ảo cao khiến nhà trường gặp khó khăn trong công tác ển sinh

Theo đề án tuyển sinh năm 2022 có tổng hợp chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học 2 năm gần nhất cho thấy, năm 2020 nhà trường chỉ tuyển sinh 1 ngành duy nhất là Nhật Bản học. Trong khi chỉ tiêu của trường được phê duyệt là 50 nhưng có 58 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 8 chỉ tiêu, tương đương vượt 16%).

Năm 2021, nhà trường tuyển sinh và đào tạo 2 ngành: Khoa học và Kỹ thuật máy tính; Nhật Bản học.

Trong đó, ngành Nhật Bản học nhà trường tiếp tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Cụ thể, Trường Đại học Việt Nhật được phê duyệt 50 chỉ tiêu cho ngành Nhật Bản học nhưng có 52 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 2 chỉ tiêu, tương đương vượt 4%).

Trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

Năm 2022, nhà trường tuyển sinh và đào tạo 4 ngành bao gồm: Khoa học và Kỹ thuật máy tính; Kỹ thuật xây dựng; Nông nghiệp thông minh và bền vững; Nhật Bản học.

Đáng chú ý, ngành Nhật Bản học chỉ tiêu của trường là 55 nhưng có tới 82 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 27 chỉ tiêu, tương đương vượt 49%).

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Việt Nhật thừa nhận nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu ngành Nhật Bản học. Nguyên nhân được thầy Oanh lý giải:

“Nhà trường đào tạo ngành Nhật Bản học theo định hướng đương đại - Nhật Bản học cho thế kỷ 21. Sinh viên tốt nghiệp không chỉ sử dụng tốt tiếng Nhật giao tiếp mà còn có thể làm việc trong các lĩnh vực chuyên môn như: Kinh tế, Luật, quản lý, giảng dạy… bằng tiếng Nhật.

Nhật Bản học là chương trình đào tạo có chất lượng tốt nhất và cũng được sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất của Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên với việc chú trọng chất lượng đào tạo, giai đoạn đầu bắt đầu vận hành chúng tôi không đặt chỉ tiêu cao với ngành này. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ các bạn học sinh, sinh viên có nhu cầu học tập ngành này khá cao, vì vậy chúng tôi đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong 2 năm gần đây.

Mặt khác trong suốt quá trình vận hành chương trình đào tạo Nhật Bản học nói riêng và các chương trình đại học, sau đại học nói chung, VJU luôn có điều kiện đảm bảo chất lượng cao hơn đáng kể so với tiêu chuẩn Việt Nam với sự tham gia của nhiều giảng viên đến từ các trường đại học Nhật Bản bên cạnh các giảng viên người Việt, người Nhật của VJU. Vì vậy đứng trước biến động khó lường của nhu cầu tuyển sinh, VJU đã gọi nhập học nhiều hơn chỉ tiêu công bố đối với chương trình đào tạo Nhật Bản học để đảm bảo số lượng sinh viên nhập học cũng như theo học toàn khóa.

Thực tế cho thấy tỷ lệ nhập học biến động mạnh mỗi năm và tỉ lệ sinh viên bảo lưu, thôi học (chủ yếu để đi du học Nhật) là khá cao. VJU khẳng định luôn luôn đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng cao hơn đáng kể so với số lượng sinh viên tại bất cứ thời điểm nào”.

Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học của Trường Đại học Việt Nhật năm 2021. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng theo thầy Oanh, Trường Đại học Việt Nhật thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản có sự hợp tác chặt chẽ với các đại học Nhật Bản vì vậy nhà trường còn có các giảng viên Nhật Bản được phái cử sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy sinh viên. Chương trình đào tạo ngành Nhật Bản học là chương trình đào tạo nổi bật của trường vì vừa đào tạo các chuyên gia am hiểu về Nhật Bản học nhưng vẫn hiểu được các vấn đề của Việt Nam. Do vậy, chương trình được Chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản hết sức coi trọng.

Chương trình có Đại học Waseda là một trong những đại học tư hàng đầu Nhật Bản điều phối, phái cử giảng viên giảng dạy nên về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng hiện tại có thể đảm bảo cho quy mô tuyển sinh tới hơn 200 sinh viên/khóa.

“Theo báo cáo tuyển sinh hàng năm, số lượng sinh viên có vượt chỉ tiêu, nhưng trong quá trình đào tạo, nhiều sinh viên chỉ đăng ký mà không theo học dẫn đến số lượng sinh viên ảo khá nhiều. Do vậy, khi gọi nhập học, trường gọi số lượng cao hơn chỉ tiêu. Về vấn đề này cũng là tình trạng gặp phải ở nhiều trường đại học. Trường Đại học Việt Nhật đã khắc phục công tác dự báo tuyển sinh, nên vào năm 2023 với số lượng nhập học ngành Nhật Bản học chỉ lấy 82,5% chỉ tiêu, góp phần ổn định chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra. Thực tế do số lượng sinh viên của trường còn ít, nên số lượng sinh viên vượt chỉ tiêu không nhiều về con số tuyệt đối nhưng khi chuyển sang % thì có vẻ đáng kể”, Phó hiệu trưởng thường trực nhà trường thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Việt Nhật. (Ảnh: website nhà trường)

Có ngành chỉ tuyển được 2,7% chỉ tiêu

Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Việt Nhật năm 2021, 2022, một số ngành nhà trường tuyển được rất ít sinh viên. Đáng chú ý, có ngành chỉ tuyển được 2,7% chỉ tiêu.

Cụ thể, năm 2021, ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính chỉ tiêu tất cả các phương thức xét tuyển của trường là 50 nhưng chỉ có 43 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 7 chỉ tiêu, đạt 86%).

Năm 2022, ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính chỉ tiêu của trường ở tất cả các phương thức là 80 nhưng chỉ có 78 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 2 chỉ tiêu, đạt 97,5%).

Ngành Kỹ thuật xây dựng chỉ tiêu của trường là 75 nhưng chỉ có 2 sinh viên trúng tuyển nhập học (thiếu 73 chỉ tiêu, chỉ đạt 2,7% chỉ tiêu).

Ngành Nông nghiệp thông minh và bền vững chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 2 sinh viên nào trúng tuyển nhập học (thiếu 48 chỉ tiêu, chỉ đạt 4% chỉ tiêu).

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh cho hay công tác tuyển sinh hai ngành Kỹ thuật xây dựng và Nông nghiệp thông minh và bền vững của trường gặp phải một số khó khăn dẫn đến tỷ lệ thí sinh nhập học chưa cao. Thầy Oanh cũng cho rằng để đưa ra nhận xét xu hướng tuyển sinh của một trường đại học thì khoảng thời gian từ năm 2020 đến nay chưa đủ để đưa ra nhận xét toàn diện vì chưa hết một khóa đào tạo.

Tuy nhiên, là trường đại học được ra đời và ủng hộ từ cam kết của hai Chính phủ, từ các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản, VJU cam kết về mặt chất lượng đào tạo để có thể cung cấp được nguồn lực lao động chất lượng cao cho thị trường lao động Việt Nam, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến và khoa học xã hội liên ngành hướng tới phát triển bền vững.

“VJU là một đơn vị còn trẻ khi mới bắt đầu tuyển sinh đại học vào năm 2020 với chỉ tiêu quy mô ban đầu chỉ có 50 sinh viên ngành Nhật Bản học. Các ngành của trường được quy hoạch theo định hướng phát huy được thế mạnh của Nhật Bản về công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, khoa học xã hội liên ngành hướng tới sự phát triển bền vững.

Trong đó, hai ngành Kỹ thuật xây dựng và Nông nghiệp thông minh và bền vững được đối tác Nhật Bản là Trường Đại học Tokyo đặc biệt coi trọng, không chỉ vì nhu cầu rất cao về lao động tại Nhật Bản mà còn vì ý nghĩa quan trọng với sự phát triển bền vững của Việt Nam, một đất nước nông nghiệp đang phát triển và nhu cầu lớn về tái thiết trong xây dựng cơ bản và hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường đại học khác đào tạo hai lĩnh vực này, công tác tuyển sinh đang gặp phải các khó khăn do sự ngần ngại của thí sinh và phụ huynh đối với các nghề nghiệp mang tính kỹ thuật, học khó, làm việc vất vả ”, thầy Oanh bày tỏ.

Chỉ tiêu tuyển sinh và số sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2022 của Trường Đại học Việt Nhật. (Ảnh chụp màn hình)

Cũng theo Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Việt Nhật, nhận thức được nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực đối với các ngành này trong hiện tại (đặc biệt là ngành nông nghiệp) và tương lai, để giữ vững trách nhiệm với xã hội, lời hứa với thí sinh trúng tuyển, nhà trường vẫn mở lớp dù có rất ít sinh viên. Đồng thời, nhà trường duy trì chất lượng cao theo mô hình giáo dục Nhật Bản và cá thể hóa hoạt động đào tạo.

“Trong năm 2023, chúng tôi vẫn còn gặp khó khăn với 2 chương trình được nêu nên năm 2024, chúng tôi đã phân tầng chương trình đào tạo Kỹ thuật xây dựng thành chương trình đào tạo chuẩn, chủ yếu thay đổi yêu cầu đầu vào ngoại ngữ nhằm thu hút các sinh viên từ nhiều vùng, miền khác nhau, có tư duy tốt nhưng không có điều kiện học ngoại ngữ. Sau khi thí sinh trúng tuyển chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo bổ sung ngoại ngữ.

Với ngành Nông nghiệp thông minh và bền vững, chúng tôi đã tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ với Đại học Kochi để sinh viên tốt nghiệp sẽ được tiếp nhận đi học hoặc đi làm bên phía Nhật Bản trong một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Với các nỗ lực đó, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều đột phá về tuyển sinh trong năm 2024.

Mặc dù với ngành đào tạo này đang gặp khó khăn ở Việt Nam nhưng với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, chúng tôi vẫn đang nỗ lực duy trì việc tuyển sinh và đào tạo để xã hội không có sự đứt gãy về đội ngũ nhân lực trong các lĩnh vực này trong hiện tại và tương lai gần. Đây cũng là 2 lĩnh vực then chốt trong hợp tác nguồn nhân lực Việt – Nhật. Thị trường Nhật Bản đang rất tiềm năng với đội ngũ nhân lực tốt nghiệp các ngành này”, thầy Oanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo thầy Oanh giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn có dịch bệnh Covid-19, công tác tuyển sinh nói chung có nhiều biến động về phương thức, hình thức đăng ký dẫn đến kết quả các năm có sự chênh lệch khó có tương quan thuận.

Điểm trúng tuyển giảm khá nhiều

Theo đề án tuyển sinh năm 2021, 2022 của Trường Đại học Việt Nhật, nếu như năm 2021, ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính điểm trúng tuyển là 21,25 điểm thì năm 2022 giảm chỉ còn 20,6 điểm. Tương tự, ngành Nhật Bản học điểm trúng tuyển năm 2021 là 24,65 điểm nhưng đến năm 2022 chỉ còn 21,5 điểm (giảm 3,15 điểm).

Lý giải về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Oanh cho hay: Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ là một trong các phương thức tuyển sinh của VJU nên so sánh các năm trước và sau không thể hiện được chất lượng sinh viên của VJU.Thực tế vận hành cho thấy chất lượng của sinh viên đầu vào vẫn đảm bảo với các chương trình đào tạo của Trường. Nhà trường bắt đầu tuyển sinh đại học từ năm 2020 và điểm trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông có giai đoạn tăng và có giai đoạn giảm.

Ngoài ra, theo thầy Oanh giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn có dịch bệnh Covid-19, công tác tuyển sinh nói chung có nhiều biến động về phương thức, hình thức đăng ký dẫn đến kết quả các năm có sự chênh lệch khó có tương quan thuận.

“Ngoài xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng tôi còn có các phương thức tuyển sinh khác như xét hồ sơ năng lực (xét hồ sơ và phỏng vấn), xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm thi, ưu tiên tuyển thẳng và xét tuyển...

Phông điểm thi chung các ngành đều giảm so với năm 2021 do năm 2022 có sự thay đổi về quy chế tuyển sinh đại học chính quy. Quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 yêu cầu tất cả các thí sinh dù xét tuyển đầu vào theo các phương thức nào cũng phải đăng ký qua cổng nghiệp vụ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển khác xét kết quả thi tốt nghiệp được bảo lưu kết quả sơ tuyển, bất kể ở nguyện vọng thấp hay cao vẫn được xét vào trường nếu trượt tất cả các nguyện vọng phía trên. Điều này dẫn đến số lượng các thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển khác xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông đăng ký vào trường đặt trường ở nguyện vọng thấp để thử sức với nhiều trường khác nhau. Do vậy, khi các thí sinh này đỗ ở các nguyện vọng phía trên, trường phải lấy nhiều thí sinh ở phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông hơn, do đó, điểm chuẩn có giảm”, thầy Oanh cho biết thêm.

Tuy vậy, theo Phó Hiệu trưởng thường trực nhà trường, về mặt đảm bảo chất lượng, ngưỡng điểm này vẫn cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhật Lệ