Từ chuỗi bánh Mỹ Auntie Anne's rời Việt Nam đến quy luật đào thải trên thị trường F&B

Trên fanpage của mình, mới đây Auntie Anne's Việt Nam (được vận hành bởi Công ty TNHH AA Pretzels Việt Nam) đã gửi lời chào tạm biệt và xin phép được dừng hoạt động toàn bộ cửa hàng Auntie Anne's tại Việt Nam từ 1/6/2023 sau hơn 4 năm hoạt động.

Kẻ ra đi, người ở lại

Auntie Anne's là chuỗi bánh và đồ uống nổi tiếng tại Mỹ, trải qua hơn 30 năm phát triển, đã có mặt tại 26 quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một thương hiệu ngon nhưng quá nhiều khó khăn tại thị trường F&B như Việt Nam, có thể họ đã chọn sai thời điểm để thâm nhập vào thị trường trong giai đoạn chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua.

Thị trường F&B ở Việt Nam không “dễ ăn”, cạnh tranh luôn khắc nghiệt và khó tránh quy luật đào thải.

Điều này cũng làm liên tưởng đến sự ra đi của một chuỗi F&B ngoại khác. Đó là chuỗi cà phê Mellower (chuỗi đồ uống nổi tiếng của Trung Quốc, sở hữu 80 cửa hàng trên toàn thế giới và có mặt ở nhiều quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), hồi tháng 4/2023 đã đưa ra thông báo ngừng kinh doanh tại Việt Nam sau 4 năm hoạt động.

Trái lại với sự ra đi như trên, một chuỗi cửa hàng F&B khác của Trung Quốc là Mixue (chuyên kinh doanh các sản phẩm về kem tươi và đồ uống từ trà) lại vẫn đang ăn nên làm ra khi vào tháng 5/2023 đã chạm mốc 1.000 cửa hàng ở Việt Nam (thông qua nhượng quyền) chỉ sau 5 năm có mặt.

Sự thành công của thương hiệu này được giới phân tích nhận định là do họ làm tốt ở khâu nhượng quyền, tối ưu được chi phí, có quy trình vận hành hợp lý, hướng tới người tiêu dùng bình dân…

Còn với hai thương hiệu nổi tiếng vừa rút khỏi Việt Nam là Auntie Anne's và Mellower, nguyên nhân của sự thất bại ngoài yếu tố tác động của đại dịch Covid-19 thì còn nằm ở vấn đề không dễ cạnh tranh, chi phí vận hành cao, không hiểu về thị trường, yếu kém trong khâu quản lý chuỗi, chưa chú trọng quảng bá…

Chẳng hạn với trường hợp của Auntie Anne's: về khâu quảng bá, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho biết "chưa biết đến cửa hàng này thì đã thôi kinh doanh, một thương hiệu bánh chưa bao giờ nghe tên, không hiểu PR (quan hệ công chúng) kiểu gì mà không biết đến cái tên này". Ngoài ra, người tiêu dùng cũng so sánh bây giờ trên thị trường Việt có nhiều thương hiệu bánh và đồ uống còn ngon hơn, rẻ hơn Auntie Anne's.

Trên thực tế, không chỉ Auntie Anne's và Mellower mới nhận kết thúc buồn, đã có nhiều thương hiệu ngoại trong mảng F&B phải ngậm ngùi rời khỏi thị trường Việt Nam hoặc thu hẹp hoạt động. Sự ra đi này còn hiện rõ các thách thức mà nhiều công ty F&B nước ngoài phải đối mặt khi bước chân vào một thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Tìm “chìa khóa” ở nhượng quyền

Điều đáng nói, có những thương hiệu không được thành công về mặt nhượng quyền như Mixue nên đành rút khỏi thị trường. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp (DN) Việt trong mảng F&B có liên quan đến yếu tố đầu tư nhượng quyền.

Bởi lẽ, tại Việt Nam thì F&B được xem là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất để đi theo con đường nhượng quyền, nhờ tính khác biệt cao và người tiêu dùng mong chờ.

Chuyên gia nhượng quyền quốc tế, bà Nguyễn Phi Vân, nhà sáng lập và là Chủ tịch của Go Global Holdings, lưu ý “chìa khóa” của thành công nhượng quyền nằm ở chỗ việc nhà đầu tư nhận quyền tận dụng nguồn lực có sẵn của thương hiệu như thế nào để kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo bà Vân, các thương hiệu nhượng quyền luôn luôn có chính sách ưu tiên hỗ trợ các đối tác nhận quyền tích cực, làm tốt vai trò của mình và cộng tác tốt với thương hiệu vì sự thành công chung. Do đó, hãy là người cộng tác, đừng trở thành người than phiền và tranh chấp.

Còn theo kinh nghiệm của ông Trần Nhật Vũ, nhà sáng lập, Chủ tịch của thương hiệu Phúc Tea (chuỗi trà sữa với nguyên liệu thuần Việt có 135 chi nhánh trên toàn quốc, 80% là nhượng quyền sau 6 năm kinh doanh), để đầu tư nhượng quyền thành công thì đòi hỏi cần hiểu rõ mô hình và hình thức đầu tư nhờ chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Nhất là trong bối cảnh thị trường nhượng quyền tại Việt Nam quá mới và thiếu các kênh thông tin, giáo dục chính thống.

Ông Vũ lưu ý là khi đầu tư nhượng quyền thì cần phải chọn được thương hiệu phát triển bền vững để hợp tác dựa trên lịch sử tồn tại và vận hành trên thị trường. Nhất là nhà sáng lập có kinh nghiệm, trải nghiệm chuyên môn trong ngành và mang lại niềm tin khi tiếp xúc, cùng hệ giá trị.

Hơn nữa, cần tham khảo các đối tác nhượng quyền khác đã đạt được những thành công cũng như nhận được các nền tảng hỗ trợ về vận hành, marketing, bán hàng, đào tạo, chuỗi cung ứng.

Trở lại với tính hấp dẫn của thị trường F&B tại Việt Nam, theo dự báo, mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đối mặt với nhiều sức ép, tuy nhiên, doanh thu ngành F&B trong nước dự kiến tăng trưởng 18%, đạt 720.300 tỷ đồng.

Không những vậy, sau khi hồi phục từ tác động của đại dịch Covid-19, ngành F&B ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị gần 1 triệu tỷ đồng vào năm 2026.

Với những dự báo “có cánh” như vậy nên thị trường F&B ở Việt Nam được cho là mảnh đất màu mỡ, tiếp tục thu hút rất nhiều DN trong nước rót vốn kinh doanh và tìm “chìa khóa” cho đầu tư nhượng quyền. Nhưng, song song đó là mức độ cạnh tranh rất cao và khó tránh quy luật đào thải, có đến có đi, mạnh được yếu thua, bất kể là thương hiệu ngoại hay thương hiệu nội địa.

Thế Vinh