Từ ngày 1-7-2024: Mức lương tăng cao góp phần cải thiện đời sống

Thực hiện tăng các loại lương, trợ cấp cùng thời điểm

Ngày 29-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Nghị quyết thống nhất việc thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1-7-2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Cụ thể, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1-7-2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước (áp dụng từ ngày 1-1-2025).

Đối với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, Nghị quyết giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1-7-2024.

Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương: Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp trước ngày 31-12-2024. Thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6-2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1-7-2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi, bãi bỏ, từ ngày 1-7-2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6-2024. Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1-7-2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng

Từ ngày 1-7-2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (6-2024). Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh ợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Mức tăng chưa từng có

Với quyết định trên, phương án trả lương theo vị trí việc làm chưa thể thực hiện từ 1-7-2024, thay vào đó, lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tương đương 30%). Lý giải điều này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ạm Thị Thanh Trà cho hay, cải cách tiền lương là vấn đề hết sức hệ trọng. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã làm việc rất quyết liệt, công phu, thận trọng, chắc chắn, đồng bộ và xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, mọi mặt về triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và các Nghị quyết của Đảng liên quan; đã tổ chức 21 cuộc họp thảo luận sâu sắc về các nội dung cải cách tiền lương để đưa ra phương án tối ưu nhất, khả thi và hiệu quả cao nhất.

Thực tế khi đi vào thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW gặp khó khăn, bất cập, lớn nhất là vấn đề thiết kế các bảng lương và cơ cấu, sắp xếp lại các nhóm phụ cấp. Trong tương quan thì giữa các đối tượng chưa đảm bảo được công bằng, hợp lý, hài hòa khi có đối tượng có mức lương tăng cao trên 30% nhưng nhiều đối tượng thấp hơn mức hiện hưởng. Hơn nữa, thực hiện cơ cấu lại phần phụ cấp thì sụt giảm, ảnh hưởng đến những đối tượng cần quan tâm như giáo viên vì phải sắp xếp phụ cấp và không còn phụ cấp thâm niên, đứng lớp, công tác vùng đặc biệt khó khăn... Cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì không có ý nghĩa nữa.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, việc thực hiện 4/6 nội dung cơ bản về cải cách tiền lương sẽ đảm bảo sự ổn định, không gây ra xáo trộn quá lớn. Mặc dù chúng ta chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo nhưng đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 27-NQ/TW tăng lương cho cán bộ, công chức (đến năm 2025 lương thấp nhất trong khu vực công cao hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiệp); nội dung điều chỉnh mức lương cơ sở của khu vực công (khi chưa thực hiện bảng lương mới) cũng là nội dung của cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW, mức tăng này cũng tương ứng với mức tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.

Điểm lại 14 lần tăng lương trong 20 năm qua, việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng là mức tăng chưa từng có, mang tới nhiều kỳ vọng không chỉ với những người làm công ăn lương trong khu vực công, mà còn mang niềm vui tới hàng chục triệu người đang hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở.

Hàng chục triệu người hưởng lợi

Theo Bộ Nội vụ, tổng hợp sơ bộ, việc điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp người có công tác động lên khoảng 18 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 50 triệu người do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; khoảng 16 triệu học sinh, sinh viên và 30 triệu người liên quan chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Tăng lương cho toàn bộ những người hưởng lương và tăng mức trợ cấp tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng, tạo hiệu ứng tốt, bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở, tạo được sự thống nhất đồng thuận lớn trong xã hội. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương, các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Đề xuất tăng lương của Chính phủ được thông qua đem đến niềm vui cho rất nhiều người. Chị Nguyễn Thùy Trang - cán bộ trong lĩnh vực tư pháp ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, không chỉ riêng tôi, mà tất cả đồng nghiệp, bạn bè tôi đều mong ngóng ngày tăng lương. Bởi giá cả hàng hóa những năm qua đã tăng nhiều lần, bỏ rất xa lương khiến nhiều người phải thắt chặt mọi chi tiêu, tiết kiệm từng đồng để tránh tình trạng chi tiêu thâm hụt vào thu nhập. Chị Thùy Trang đánh giá, mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Việc này sẽ góp phần cải thiện cơ bản đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, bất kỳ nghiên cứu, đề xuất nào liên quan tới tiền lương đều nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, tác động tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công. Theo tính toán, cải cách tiền lương tác động đến hơn 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở. Vì vậy, những phương án, chính sách liên quan tới điều chỉnh tiền lương phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng. Trước mắt, với phương án tăng lương vừa được thông qua đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.

Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng