Tuân thủ pháp luật trong giao kết hợp đồng lao động

Theo số liệu tổng hợp tình hình sử dụng lao động đến cuối tháng 5 năm 2024, tỉnh à Mau có 5.132 DN, trong đó có 4 công ty, đơn vị 100% vốn nhà nước; 2 đơn vị nhà nước sở hữu trên 51% vốn; còn lại là DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Về quy mô, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chiếm tỷ lệ trên 90%, tổng số lao động làm việc trong các DN 74.391 người (chủ yếu là lao động phổ thông), chiếm khoảng 89%/tổng số lao động đang sử dụng trong các DN trên địa bàn tỉnh.

Từ hoạt động kiểm tra của Đội kiểm tra liên ngành 178 (Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Cà Mau), đã ghi nhận rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ không tuân thủ nghiêm quy định về giao kết HĐLĐ với người lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH, tình hình sử dụng lao động trong các loại hình DN khá ổn định, giữ vững mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và NLĐ; tính tuân thủ quy định áp luật được nâng cao, quan tâm hơn đến chính sách an sinh xã hội cho người lao động. Số lao động định biên của DN, 100% được giao kết hợp đồng lao động, nội dung và hình thức đúng quy định pháp luật lao động.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết, tình hình thực hiện giao kết HĐLĐ trong các loại hình DN có sự khác biệt. Trong các DN nhà nước và DN chuyển đổi từ công ty nhà nước, đa số NLĐ khi được tuyển dụng vào làm việc đều được DN giao kết HĐLĐ, số lao động được giao kết HĐLĐ chiếm tỷ lệ trên 95%. Với DN có vốn đầu tư nước ngoài, việc giao kết HĐLĐ với NLĐ cũng được thực hiện khá tốt, tỷ lệ giao kết HĐLĐ đạt trên 80%. Số lao động còn lại chưa được giao kết HĐLĐ chủ yếu là người mới tuyển dụng đang còn trong thời gian thử việc hoặc trong thời gian học việc. Riêng đối với các DN dân doanh thì việc thực hiện giao kết HĐLĐ còn hạn chế (trừ các DN lớn sử dụng nhiều lao động), các DN còn lại (DN nhỏ) tỷ lệ giao kết HĐLĐ chỉ đạt từ 50-65 %.

Nhằm tránh những rủi ro pháp lý có thể phát sinh, việc giao kết HĐLĐ, HĐLĐ đảm bảo nội dung theo quy định cần được quan tâm đúng mức. (Ảnh minh họa)

Ông Lê Thành Nơi, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP Cà Mau, cho biết, trên địa bàn hiện có 1.047 DN, công ty, hộ kinh doanh… với 25.865 lao động. Thời gian qua, các DN, công ty, hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số ít người chủ sử dụng lao động tìm cách trì hoãn hoặc không ký kết HĐLĐ, hợp đồng không đúng quy định, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, qua công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, về nội dung hợp đồng, đa số đảm bảo được các quy định của pháp luật lao động hiện hành như: loại HĐLĐ, thời giờ làm việc, tiền lương, thời hạn trả lương,… Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít HĐLĐ chưa nêu được chi tiết các nội dung theo quy định; một số thỏa thuận khác về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên ít được các bên quan tâm như: phúc lợi, tiền thưởng,…

Với góc nhìn tổng thể, chế độ HĐLĐ trong quá trình tuyển dụng và thực hiện chính sách đối với NLĐ khi nghỉ việc được thực hiện khá tốt ở đa số các DN thuộc khu vực nhà nước, DN sản xuất kinh doanh ổn định, lâu dài và những DN sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, các DN mới hoạt động, DN có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng ít lao động thì chủ sử dụng lao động thường chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện đầy đủ chế độ HĐLĐ, kéo dài thời gian thử việc, áp dụng loại HĐLĐ chưa đúng quy định; chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ phúc lợi có liên quan, trình tự chấm dứt HĐLĐ chưa đúng quy định; chậm thực hiện chi trả các chế độ trợ cấp nghỉ việc cho NLĐ.

Thực trạng NLĐ làm công hưởng lương nhưng không giao kết HĐLĐ với người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khá phổ biến. Nguyên nhân xuất phát từ thực tế là, phần lớn đối tượng này là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, chỉ có nhu cầu tham gia lao động công nhật, thời vụ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ gần gia đình, hưởng tiền công theo giờ, theo ngày hoặc theo tuần,… với mong muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Các nhóm ngành nghề được lao động lựa chọn như: thu mua thủy sản; sơ chế, gia công các mặt hàng thủy sản cho DN; quán ăn, giải khát, mua bán thuộc nhóm hộ gia đình…

Ông Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ, việc ký kết HĐLĐ không đúng quy định sẽ dẫn đến việc chi trả lương không đúng, thỏa thuận điều khoản không rõ ràng, ký HĐLĐ có thời hạn nhiều hơn 2 lần nhưng không ký HĐLĐ không xác định thời hạn, hai bên thỏa thuận đóng bảo hiểm xã hội vào lương (lương khoán) đối với HĐLĐ từ 1 tháng trở lên, ký HĐLĐ chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật… Trong điều kiện bình thường chưa xảy ra tranh chấp thì hai bên chưa lường trước hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, khi NLĐ, DN hoặc hai bên chấm dứt quan hệ lao động thì xảy ra nhiều hệ lụy ràng buộc về mặt pháp lý như: bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm pháp luật, bồi thường về vi phạm HĐLĐ, bồi thường khi chấm dứt sử dụng lao động, các rủi ro khác liên quan đến tranh chấp lao động theo quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác có liên quan.

Thông thường, trường hợp công ty, DN không ký HĐLĐ với NLĐ vào làm việc cũng không loại trừ mục đích nhằm trốn đóng bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác, thì chính NLĐ sẽ bị thiệt thòi.

HĐLĐ không đảm bảo nội dung cũng là một trong những hạn chế được ngành chức năng ghi nhận trong thời gian qua.

“Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, trong đó có việc được ký kết HĐLĐ, nâng cao hơn nữa tính tuân thủ pháp luật đối với người sử dụng lao động, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH với chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, TP Cà Mau triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động sâu rộng trong nhân dân, đặc biệt là NLĐ và người sử dụng lao động”, ông Nguyễn Quốc Thanh thông tin.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, thực hiện chính sách lao động, tiền lương trong công ty, DN; kiểm tra, đối chiếu thực tế việc thực hiện so với nội quy, thỏa ước lao động tập thể, chính sách do công ty ban hành; kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Qua đó, chấn chỉnh, xử lý, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật./.

Văn Đum