Ukraine thành bãi thử vũ khí phương Tây, cơ sở năng lượng Nga suýt bị tấn công

Chia sẻ với tờ Financial Times, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho hay, các nước đồng minh phương Tây ủng hộ Kiev “đã thực sự có thể đánh giá liệu vũ khí của họ có hoạt động hay không, mức độ hiệu quả như thế nào, và liệu chúng có cần được nâng cấp hay không".

"Đối với ngành công nghiệp quân sự thế giới, các ngài không thể tạo ra được một bãi thử nào tốt hơn", ông Reznikov nói.

Xe Humvee của quân đội Ukraine di chuyển tại vùng Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Theo quan chức Ukraine, mức độ hoạt động hiệu quả của các loại vũ khí khi chiến đấu ở Ukraine không chỉ được phương Tây quan tâm, mà cả nhiều nước đang mua vũ khí của Nga như Ấn Độ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thừa nhận, các đối tác của Kiev phải liên tục tìm kiếm biện pháp đối phó, bởi giới chuyên gia quân sự Nga đã học được cách chống lại các loại vũ khí của phương Tây. Theo ông, đạn pháo dẫn đường bằng GPS và tên lửa MLRS hoạt động chính xác, nhưng các lực lượng Nga đã có hệ thống tác chiến điện tử hiện đại, cùng phương tiện gây nhiễu tín hiệu dẫn đường.

Cũng theo Financial Times, chuyên gia quân sự Ukraine Pyotr Pyatakov cho biết, trong quá trình quân đội Ukraine sử dụng các hệ thống pháo của NATO, nhiều thiếu sót của thiết bị đã bộc lộ. Vị chuyên gia đánh giá không giống như các loại súng từ thời Liên Xô cũ, pháo do phương Tây sản xuất cần phải nghỉ sau 2 - 3 phút khai hỏa liên tục.

Cơ sở năng lượng Nga suýt bị tấn công

Hãng thông tấn TASS đưa tin, hôm nay (5/7), Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo bắt giữ đối tượng bị tình nghi lập kế hoạch phá hủy một cơ sở năng lượng trên đảo Sakhalin nằm ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương.

FSB đã công bố đoạn video về các thiết bị nổ tự chế, và nhiều loại hóa chất khác nhau tại nhà của nghi phạm là công dân Nga sinh năm 1980.

Theo FSB, đối tượng đã được Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) tuyển dụng để thực hiện vụ phá hoại.

FSB không tiết lộ cụ thể địa điểm cơ sở năng lượng mà người đàn ông định tấn công phá hoại trên đảo Sakhalin. Đây hiện là nơi hoạt động của nhiều nhà máy công nghiệp thuộc sở hữu của các công ty Nhật Bản và Ấn Độ.

Hàng loạt cơ sở năng lượng, đường sắt và quân sự của Nga đã trở thành mục tiêu bị tấn công dẫn tới cháy nổ, kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Minh Thu