Vì sao cần đề cao xếp hạng tín nhiệm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Hoạt động xếp hạng tín nhiệm còn sơ khai

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đánh giá là đã qua thời điểm khó khăn nhất và đang từng bước phục hồi nhờ nhiều tín hiệu tích cực hơn.

Nhiều chuyên gia cũng đồng thuận cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự cải thiện rõ rệt theo hướng lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc 2022 - 2023, tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu. Do vậy, thị trường này vẫn cần sự nỗ lực và hỗ trợ từ nhiều đơn vị, cũng như chính các doanh nghiệp, bởi áp lực trả nợ vẫn còn lớn đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Đánh giá cao quy định phải kiểm toán mục đích sử dụng vốn

"Tôi đánh giá cao quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP yêu cầu phải có kiểm toán mục đích sử dụng vốn của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Điều đó đảm bảo rằng tất cả các thông tin sử dụng tiền như thế nào được minh bạch công bố cực kỳ tốt cho thị trường, đưa mức độ minh bạch lên ngưỡng mới mà nhà đầu tư có thể lên HNX để nắm bắt thông tin chi tiết về trái phiếu doanh nghiệp" - Ông Trần Lê Minh.

Tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam tới năm 2030” vừa tổ chức gần đây, các chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kiểm soát, phát triển thị trường trái phiếu, hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai so với các quốc gia trong khu vực. Theo đó, ở nhiều quốc gia công cụ xếp hạng tín nhiệm đã được sử dụng phổ biến trong các hoạt động liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi ở Việt Nam, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng còn rất thấp, dưới 10%, thì nhiều nước châu Á tỷ lệ này là trên 50%. Điển hình ngay tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước có tỷ lệ sử dụng rất cao như: Indonesia: 92%, Thái Lan: 84%, Malaysia: 56%.

Thước đo cho tính minh bạch

Đánh giá về vai trò xếp hạng tín nhiệm đối với sự phát triển bền vững hơn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, xếp hạng tín nhiệm là thông tin khách quan, quan trọng cho khách hàng trước khi ra quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Hà, đối với các nhà đầu tư cá nhân, xếp hạng tín nhiệm là chuẩn mực chung, giúp họ có căn cứ để so sánh công cụ, từ đó đưa ra quyết định sản phẩm để đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi sản phẩm trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm được cập nhật thường xuyên là thông tin quan trọng để khách hàng có thể quản trị rủi ro hiệu quả.

“Với các doanh nghiệp phát hành, xếp hạng tín nhiệm cũng quan trọng, kết quả tốt thì doanh nghiệp có thêm lợi thế huy động vốn với chi phí thấp hơn, mở ra nhiều cơ hội thu hút nguồn vốn có chi phí rẻ hơn” - ông Hà nói.

Bà Lê Thị Thu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, hiện nay, các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gần như chưa có đợt phát hành nào đạt mức bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, một số tổ chức phát hành đã tự nguyện thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm trong đợt chào bán. Điều đó có nghĩa là các tổ chức đã có ý thức nâng cao chất lượng công bố thông tin trong các đợt chào bán trái phiếu.

“Hiện nay, chúng ta đã có 4 tổ chức xếp hạng tín nhiệm được cấp phép. Sắp tới, với tình hình và điều kiện giai đoạn hiện nay, cơ quan quản lý dự kiến sửa một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung xếp hạng tín nhiệm, với mục tiêu nâng cao tính minh bạch thông tin hướng tới gia tăng sự minh bạch thông qua đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong các đợt chào bán của doanh nghiệp có kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng. Tuy vậy, đây chỉ là quy định bắt buộc, ý thức và mong muốn của doanh nghiệp về minh bạch thông tin vẫn phải xuất phát từ bản thân doanh nghiệp, đó là điều quan trọng nhất” - bà Hà cho hay.

Còn ông Trần Lê Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng, trên thị trường không cần phải có quá nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm. Hiện 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới là Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch Group - ba công ty này đang “thống trị” thị trường.

“Thực tế, tổ chức hoạt động xếp hạng tín nhiệm cần ít nhưng mà phải tinh. Để các công ty hoạt động hiệu quả và có giá trị thì yêu cầu các công ty phải có phương pháp xếp hạng, kiểm chứng qua thời gian. Đảm bảo thị trường hoạt động một cách tốt thì chỉ cần tập trung quản lý tốt một số công ty đủ năng lực cung cấp dịch vụ" - ông Minh nói.

Duy Thái