Vượt qua nỗi đau da cam

Nhìn vườn sầu riêng, cam, cà phê xanh tốt, cho quả trĩu cành, chúng tôi không khỏi khâm phục nghị lực vượt khó của ông Cao Hồng Sơn (64 tuổi, xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa). Ông Sơn kể, vào những năm 70, khi còn nhỏ, ông đã theo chân các anh, chị làm giao liên cho căn cứ cánh mạng. Trong thời gian chiến tranh, ông đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ông được cử đi học và lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã, Phó Chủ tịch UBND xã. Dù ở cương vị nào, ông Sơn cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1978, ông lập gia đình, và lần lượt sinh 8 người con nhưng không may, 2 đứa con đầu đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Cuộc sống gia đình ông vào thời điểm ấy gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Thắng và vợ thăm rẫy mía.

Song với ý chí và nghị lực của người lính, ông đã nỗ lực khai hoang đất đai để trồng bắp, mì, lúa. Những năm gần đây, ông đã tiên phong và vận động người dân địa phương trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: Sầu riêng, chôm chôm, mít… Đến nay, tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn hàng ngày chăm sóc hơn 5ha cây ăn quả, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Ông Cao Đanh - Chủ tịch UBMTTQ xã Sơn Lâm nhận xét, tuy bản thân ông Sơn và 2 người con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng ông vẫn đi đầu trong phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; đồng thời hướng dẫn, vận động người dân trong xã làm theo. Ông là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 2.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước và các ưu đãi khác. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và các hội cơ sở đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên, giúp họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống với số tiền hỗ trợ mỗi năm gần 1 tỷ đồng.

Câu chuyện về gia đình cựu chiến binh Hồ Quyết Thắng (sinh năm 1955) và bà Bùi Thị Lan (sinh năm 1956) ở xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh cũng khiến nhiều người cảm phục về nghị lực của họ. Ông Thắng kể, năm 1970, ông tham gia chiến đấu tại chiến khu Đồng Bò. Năm 1977, ông xuất ngũ về địa phương và lập gia đình (vợ ông cũng là bộ đội xuất ngũ), lần lượt có 5 người con. Tuy nhiên, vợ chồng ông trải qua bao nỗi đau khi 2 người con bị tật nguyền, 3 con còn lại đều chậm phát triển. Sau này, khi khám bệnh, ông mới biết cả vợ và chồng đều bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong thời gian thoát ly kháng chiến và di truyền sang con. Vừa chăm sóc các con, vợ chồng ông tranh thủ khai hoang đất đai để trồng cây, hoa màu. Bên cạnh đó, nhờ sự giúp đỡ của đồng chí, đồng đội và vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Khánh Vĩnh, ông đầu tư phát triển sản xuất, nuôi bò, trồng mía, trồng keo… Đến nay, vợ chồng ông có 6ha keo, 4ha mía, 3ha hoa màu, cho thu nhập ổn định. Ông Thắng tâm sự: “Tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn những người khác nên cố gắng vượt qua số phận, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau da cam/dioxin và hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng đến nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Bên cạnh những tấm gương kiên cường vượt qua số phận, vẫn còn những hoàn cảnh éo le cần sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội để vươn lên ổn định cuộc sống.

Mã Phương