Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng-chống và nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy

Tại Việt Nam, tình hình tội phạm túy ở trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống và nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy. Ảnh: VGP/Hải Minh

Hiện toàn quốc có 229.265 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy trong đó có hơn 71.000 người đang ở ngoài xã hội, chiếm 42%. Hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, "ngáo đá". Đây được xác định là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương.

Đáng chú ý, trong năm 2023, thông qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phát hiện 5 chất mới có tác dụng như nhóm cần sa tổng hợp, không nằm trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định số 57/2022 ngày 25-8-2022 của Chính phủ; phát hiện phương thức sản xuất ma túy mới lần đầu tiên xuất hiện ở Lào, Việt Nam và các nước trong khu vực…

Năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo phát hiện, đấu tranh 27.333 vụ, 42.977 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 523,74 kg heroin, 541,64 kg cần sa, 96,978 kg thuốc phiện, hơn 4.099 kg và 2 triệu viên ma túy tổng hợp, 118 khẩu súng.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương nhấn mạnh sự cần thiết phải có chương trình mục tiêu quốc gia về phòng-chống ma túy; thực hiện tổng điều tra về người nghiện trên phạm vi cả nước để quản lý chặt chẽ nhóm đối tượng này; đưa nội dung phòng-chống ma túy vào chương trình học chính thức; có giải pháp tăng cường nhân lực xác định tình trạng nghiện tại các cơ sở cai nghiện; giảm mức tự chủ đối với các cơ sở y tế dự phòng; xây dựng đề án dạy nghề cho người sau cai nghiện; tăng cường khả năng tiếp cận chính sách tín dụng cho người sau cai nghiện…

Dựa trên các ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tình hình HIV/AIDS, ma túy, ại dâm rất đáng lo ngại, đòi hỏi phải có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ở các địa phương, chứ không phó mặc cho các lực lượng chức năng.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm tốt công tác thống kê số người nghiện; tăng cường công tác chuyển đổi số; tính toán đưa nội dung tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm vào chương trình giáo giáo dục, đồng thời giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng-chống và nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy cho người Việt Nam, để có đủ hành lang pháp lý và nguồn lực nâng cao hiệu quả công tác này.

PHƯƠNG VI (theo Báo Điện tử Chính Phủ, Bộ Công an)