Xuất khẩu Thanh Hóa: Những tín hiệu vui

Công ty TNHH 888 (thuộc Tổng Công ty CP May 10) tạo việc làm, thu nhập cho hơn 1.000 lao động.

Thời điểm này hơn 1.000 công nhân xưởng may của Công ty TNHH 888 (thuộc Tổng Công ty CP May 10), địa chỉ tại xã Quảng Hợp (Quảng Xương) đang khẩn trương làm việc để kịp các đơn hàng xuất cho đối tác. Giám đốc điều hành công ty Lê Văn Bắc cho biết: Hàng may mặc do đơn vị gia công bao gồm áo Jacket, áo dạ, vest nữ, quần thể thao được xuất đi thị trường các nước như EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada... Từ khi tham gia lĩnh vực gia công các hàng may mặc xuất khẩu, công ty luôn lấy chữ tín làm đầu, sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng và giao hàng đúng hẹn nên đã tạo được uy tín đối với khách hàng. Hiện tại, công ty đã ký được nhiều đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động đến hết tháng 8/2024. Để đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho đối tác, từ đầu năm đến nay, công ty liên tục phải tăng ca, đưa giá trị xuất khẩu của công ty trong quý I/2024 đạt doanh thu gần 38 tỷ đồng, tăng 7% so cùng kỳ, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 1.000 công nhân, với mức thu nhập dao động từ 6 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Công ty CP Dụng cụ thể thao Delta, địa chỉ thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) là doanh nghiệp chuyên sản xuất bóng thể thao và gia công hàng may mặc chủ yếu quần áo thể thao phục vụ thị trường xuất khẩu. Trưởng phòng tổ chức - hành chính công ty Lê Ngọc Giáp cho biết: Với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nên chất lượng sản phẩm luôn được xem "là chìa khóa vàng” để doanh nghiệp phát triển và đứng vững trên thị trường. Do đó, ngoài đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại của Nhật Bản, các dòng sản phẩm thể thao, may mặc của Delta luôn được cải tiến, đổi mới cách thức sản xuất phù hợp với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu Việt Nam mà không bị ảnh hưởng đến xuất khẩu. Các thông số kỹ thuật sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn FIFA và phù hợp với thị hiếu khách hàng. Hiện sản phẩm của Delta đã có mặt ở 30 nước trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hungary, Brazil, Đan Mạch, Pháp...

Theo ông Giáp, đến hết quý I/2024, công ty đã xuất khẩu được 5,3 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, với thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm may của Công ty TNHH DaehanGlobal, xã Hoằng Kim (Hoằng Hóa) được xuất đi thị trường các nước Mỹ và Canada.

Hóa có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với các nhóm ngành, lĩnh vực như giày dép, may mặc, nông sản, vật liệu xây dựng... Hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy có những khó khăn nhất định do giá nguyên liệu đầu vào và giá cước vận tải tăng cao. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã chủ động tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Nhờ đó, quý I/2024 hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 1,5 tỷ USD, tăng 60,5% so với cùng kỳ và bằng 26,3% so với kế hoạch năm. Xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp ngoài tỉnh ước đạt 13,1 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ và bằng 21,9% kế hoạch. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có sự tăng trưởng khá như giày dép, may mặc, đá ốp lát, dăm gỗ...

Theo nhận định của Sở Công Thương, xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ. Song, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh hiện nay như dệt may, giày da, đồ gỗ, thủy sản... xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mỹ được dự báo sẽ gặp khó khăn do căng thẳng chiến sự vùng Biển Đỏ làm chi phí vận tải biển tăng cao từ 80% đến 300% so với tháng 12/2023. Vì vậy, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, theo Sở Công Thương, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa và khơi thông thị trường hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Tiếp tục tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về các Hiệp định FTA, hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc với các đơn vị của Bộ Công Thương, các tham tán thương mại để tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu.

Bài và ảnh: Minh Lý