Ý thức còn kém, còn xả rác

Ngày 22-11, Báo Người Lao Động có bài viết "Ám ảnh rác ở trung tâm TP HCM", phản ánh tình trạng xả rác bừa bãi từ gốc cây, vỉa hè, thảm cỏ đến miệng cống thoát nước, dạ cầu, kênh rạch… làm xấu bộ mặt đô thị TP HCM. Trước đó, trong đêm 21-11, Báo Người Lao Động điện tử đăng tin "Tài xế Vinasun phản ứng gay gắt khi bị nhắc nhở xả rác nơi công cộng"; hành vi và thái độ thiếu văn minh của tài xế này đã gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Thói quen xấu, nói hoài không giảm

Chỉ cần đứng chừng nửa tiếng quan sát trên đường, không khó bắt gặp hình ảnh một số xả rác, túi ni-lông, vỏ kẹo bánh xuống mặt đường rồi thản nhiên bỏ đi. Có những trường hợp chở nhau trên đường, đi ngang qua thùng rác ném ly nhựa, hộp sữa vào cạnh thùng rác chứ không dừng xe lại để bỏ rác đúng nơi quy định. Cũng không ít hình ảnh nhiều người ngồi ăn uống bên cạnh đống rác của họ và người khác thải ra; uống nước, đứng dậy đi về là quên không vứt rác trong khi thùng rác đặt xung quanh rất nhiều. Ở những quán ăn ven đường, chủ quán sẵn sàng đổ nước rửa chén, thức ăn thừa và cả rác xuống miệng cống thoát nước. Mỗi trưa, chiều, những chiếc xe đẩy bán dạo sẵn sàng ném từng bịch rác xuống sông. Công viên, bức tường, kênh rạch… thành nhà vệ sinh công cộng của tài xế, người bán hàng rong…

Những hành vi này ngang nhiên diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt của nhiều người, vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng đến người khác, vừa làm xấu hình ảnh du lịch nhưng đã trở thành một thói quen "phản văn hóa" khó bỏ. Đáng sợ nhất, nó đã dần trở thành chuyện bình thường trước mắt mọi người.

Quy định pháp luật có, chế tài xử phạt cũng có; các phong trào làm sạch đường phố rầm rộ; nhiều địa phương rất nỗ lực tìm giải pháp, mô hình hay để bảo đảm một môi trường sống trong lành, hạn chế (chứ chưa nói là xử lý triệt để) tình trạng xả rác bừa bãi của nhiều người dân. Nhưng bất chấp, rác vẫn hiện diện khắp nơi, kể cả ở trung tâm thành phố - bộ mặt của đô thị. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Rất buồn để nói thẳng ra rằng dường như người Việt Nam ta có lối sống tùy tiện, lười nhác; hành vi ứng xử không được văn minh. Tính xấu này lại được "nuôi dưỡng" bởi suy nghĩ "chuyện người khác, không liên quan đến mình, ôm rơm nặng bụng" để rồi ngó lơ trước hành vi sai trái, tiêu cực.

Rác lấp miệng cống trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh, TP HCM)Ảnh: Thùy An

Và rác trên đường Ngô Gia Tự (quận 5, TP HCM) Ảnh: Ái My

Giáo dục đóng vai trò quyết định

Quay trở lại câu chuyện tài xế Vinasun phản ứng gay gắt vì bị nhắc nhở khi xả rác ở nơi công cộng. Có thể thấy hành vi vứt bỏ chai nước, hộp cơm xuống đường, đối với người tài xế này và với nhiều người Việt khác, là chuyện bình thường. Lâu nay anh ta làm vậy, không ai có ý kiến gì và không chỉ mình anh ta mới hành xử kiểu này. Ai xả rác là chuyện của họ, còn làm sạch đường phố là chuyện của nhân viên vệ sinh.

Thế nhưng với người nước ngoài, đó lại là chuyện không thể chấp nhận bởi họ được giáo dục những quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có cả việc không xả rác bừa bãi.

Như trẻ em Nhật Bản thường xuyên được người lớn nhắc nhở không được làm phiền người khác. Rất nhiều đức tính tốt phát triển từ điều này, từ việc không nói chuyện ồn ào nơi công cộng, không ăn uống có mùi trên phương tiện công cộng đến việc khạc nhổ, xả rác. Dĩ nhiên, người lớn phải là tấm gương cho trẻ noi theo để không xảy ra chuyện nói một đằng, làm một nẻo. Hay ở Singapore, trẻ được dạy phân loại rác dù đang ở lứa tuổi mẫu giáo. Ở các cấp học tiếp theo thường xuyên tổ chức các chiến dịch tuyên truyền giữ thành phố xanh, sạch, đẹp. Ở Pháp, việc phân loại rác cũng được quy định rất rõ ràng và chặt chẽ, từ hộ gia đình đến nơi công cộng. Nếu không phân loại rác sẽ bị phạt rất nặng. Việc giữ gìn vệ sinh, không vứt rác ra nơi công cộng được xem là đương nhiên trong ý thức của từng người dân nhờ được giáo dục từ nhỏ.

Vậy nên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của những cơ quan có trách nhiệm và chính quyền địa phương; chế tài xử phạt nghiêm minh để dần tạo thói quen tốt, thì còn rất nhiều giải pháp khác, mà quyết định nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân thông qua giáo dục. Giáo dục tốt chính là gốc rễ vấn đề, giúp người ta tự trọng và tôn trọng người khác; dù không bị ai giám sát, xử phạt nhưng họ không thể thực hiện hành vi phản văn hóa vì ngượng với chính mình.

Giáo dục đến từ phía gia đình, qua việc noi gương của người lớn; giáo dục đến từ phía nhà trường thông qua chăm lo giáo dục ý thức công dân trong giữ gìn vệ sinh lớp học, nhà trường; thông qua giảng dạy các bộ môn, hoạt động ngoại khóa… Và dĩ nhiên giáo dục cũng đến từ pháp luật, phải nghiêm minh và đủ sức răn đe.

Đặc biệt, xã hội phải cùng lên tiếng nhắc nhở, thậm chí phê phán gay gắt đối với hành vi xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống. Làm sao để những người kém ý thức cảm nhận được sự lạc loài trong xã hội văn minh và xấu hổ đối với hành vi tùy tiện của mình.

Vy Thư