Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị không tăng học phí

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giáo dịch vụ trong giáo dục, đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất lùi lộ trình tăng học phí một năm học so với quy định tại Nghị định 81.

Theo tờ trình, Bộ này đề nghị điều chỉnh lộ trình tăng học phí chậm lại một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81. Bộ cho biết nghị định 81 được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề nên mức học phí không tăng trong 3 năm qua.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu năm 2023 áp dụng tăng học phí theo Nghị định 81 thì mức học phí năm học 2023 - 2024 quy định tại Nghị định này sẽ tăng gần 50% so với năm 2022 - 2023. Đặc biệt, ở bậc đại học khối ngành y dược tăng 93%. Khối ngành nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%.

Chiếu theo đề xuất này, mức trần học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 dự kiến với học sinh mầm non, học sinh tiểu học khu vực thành thị từ 100.000-540.000 đồng/tháng/học sinh; vùng nông thôn từ 50.000-220.000 đồng/tháng/học sinh; vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 30.000-110.000 đồng/tháng/học sinh.

Học sinh THCS khu vực thành thị từ 100.000-650.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh vùng nông thôn từ 50.000-270.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 30.000-170.000 đồng/tháng/học sinh.

Học sinh THPT vùng thành thị học phí từ 110.000-650.000 đồng/tháng/học sinh; vùng nông thôn học phí từ 70.000 - 330.000 đồng/tháng/học sinh; học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ 30.000 - 220.000 đồng/tháng/học sinh.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định trên để quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông công lập thuộc thẩm quyền và quyết định việc sắp xếp, phân loại các vùng trên địa bàn để cơ sở giáo dục áp dụng mức thu học phí.

Từ năm học 2024 - 2025 trở đi, khung và mức học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7,5%/năm.

Như vậy, với đề xuất lùi một năm so với lộ trình học phí tại Nghị định 81, biên độ điều chỉnh học phí của năm học 2023 - 2024 thấp hơn so với quy định tại Nghị định 81, giảm áp lực về học phí cho người học.

Đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập, việc lùi một năm so với lộ trình quy định tại Nghị định 81 đồng nghĩa với học phí năm học 2023 - 2024 sẽ được tăng theo mức học phí của năm học 2022 - 2023 theo quy định của Nghị định 81, góp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập có nguồn thu bù đắp chi phí, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo.

Được biết, vừa qua nhiều trường đại học đã quyết định không tăng học phí trong năm học 2023-2024. Cụ thể, trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM vừa thông báo đến sinh viên sẽ không tăng học phí năm học 2023- 2024.

Theo đó, học phí chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ. Học phí chương trình chất lượng cao là 770.000 đồng/tín chỉ. Học phí này được duy trì liên tục 4 năm nay mà không tăng.

Trường Đại học Thương Mại cho biết, ngay khi có thông tin Chính phủ chỉ đạo không tăng học phí, trường khẩn trương họp và lên kế hoạch điều chỉnh học phí, thu chi nhà trường năm học 2023 - 2024.

Trường quyết định không tăng học phí năm học 2023 - 2024 như dự kiến trước đó, giữ nguyên mức thu như năm học trước. Tuy nhiên, việc không tăng học phí 3 năm liên tiếp khiến nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc cân đối tài chính.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học.

Theo lãnh đạo Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, năm học 2023-2024, mức học phí quy định đối với nhà trường được tăng tối đa 30-53% (tùy từng ngành học) so với năm học 2022-2023.

Mặc dù phải chịu áp lực từ lộ trình tự chủ tài chính, song Hội đồng Trường đã cân nhắc các phương án và quyết định không tăng theo lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Quyết định này nhằm tránh gây sốc với sinh viên và phụ huynh. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với người học, gia đình và xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn.

Đại diện Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng cho hay, trong đề án tuyển sinh trường dự kiến học chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm. So với năm học 2022 - 2023, mức học phí mới này dự kiến tăng 5 triệu đồng/năm.

Học phí với chương trình tiên tiến dự kiến là 70 triệu đồng/năm, tăng 10 triệu đồng. Còn chương trình Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số, Truyền thông Marketing tích hợp vẫn giữ mức 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu không được tăng, nhà trường buộc điều chỉnh lại học phí đã thông báo trước đó, đồng thời có phương án thắt chặt chi dài hạn và các hoạt động không cần thiết. Tất cả ưu tiên cho chi thường xuyên và lương cho giảng viên.

D.Ngân