Cần cơ chế xã hội hóa dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch

Ngày 28-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Dương Khắc Mai (Đắk Nông) thống nhất cao với việc xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Luật này nhằm hoàn thiện chính sách, áp luật về quy hoạch, kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

ĐB Dương Khắc Mai. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trong xu thế mở cửa, tiếp nhận và dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn, dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống.

“Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, đình làng, nhà theo kiến trúc truyền thống… thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai”, ĐB Dương Khắc Mai lo lắng.

Do đó, để đảm bảo quy hoạch phát triển bền vững, ĐB đề nghị, về nguyên tắc hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn cần nghiên cứu bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền, bổ sung yếu tố văn hóa đi liền với yếu tố kinh tế - xã hội.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị bổ sung nội dung “đối với dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở thì được thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, nông thôn để đảm bảo thực hiện dự án”.

Theo ĐB, việc bổ sung như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Quan tâm đến phương thức, hình thức công bố quy hoạch để người dân tra cứu thông tin, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, có nơi đăng tải chưa đầy đủ, như chỉ đăng tải thông tin quyết định mà không có bản đồ hoặc chỉ đăng bản đồ mà không có thuyết minh, hoặc chỉ đăng các đồ án quy hoạch mới mà không có thông tin về các lần điều chỉnh.

Bên cạnh đó, ít nơi đăng tải các lần điều chỉnh cục bộ. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức và người dân khi muốn tra cứu thông tin về quy hoạch.

Có nơi đăng tải quy hoạch chủ yếu dưới dạng PDF hoặc hình ảnh. Có trường hợp các bản chụp dung lượng thấp, độ phân giải kém nên người truy cập không thể xem được các thông tin cần thiết trong quy hoạch.

Do đó, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị bổ sung vào luật theo hướng quy định rõ nội dung, tiêu chí khi công khai quy hoạch trên cổng thông tin điện tử: cần thiết đăng tải đầy đủ quyết định, bản đồ, thuyết minh của các đồ án quy hoạch mới cũng như điều chỉnh quy hoạch tổng thể, điều chỉnh cục bộ.

Đồng thời, công khai cần quy định bản chụp rõ ràng, độ phân giải phù hợp thể hiện rõ nét các thông tin trong bản đồ quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội dự phiên thảo luận tại tổ sáng 28-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB cũng kiến nghị, nghiên cứu có cơ chế xã hội hóa các dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch. Theo đó, các đơn vị có thể dùng các thông tin quy hoạch đã được công khai và bổ sung các giá trị gia tăng vào các ứng dụng như phát triển các công cụ tìm kiếm nhanh, so sánh giữa các điều kiện quy hoạch, các dự án, thửa đất với nhau…

Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin quy hoạch dễ dàng, thuận lợi hơn.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng đề nghị, bổ sung nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để phù hợp với quy định trong Luật Thực hiện dân chủ cơ sở về “những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định”.

VĂN MINH