'Chiến thần' Võ Hà Linh review các sản phẩm, quán ăn… có sai luật không?

Các quán ăn kêu gọi cấm cửa "chiến thần" Võ Hà Linh.

Tuy nhiên, việc “nổi tiếng” của “chiến thần” Võ Hà Linh lần này không mang tính tích cực mà ngược lại, hàng loạt các nhóm anti Hà Linh xuất hiện trên mạng xã hội. Có những nhóm số lượng lên đến hơn 100 nghìn thành viên chỉ trong vài ngày, và con số vẫn tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt, nhiều nhà hàng, quán ăn thậm chí còn treo biển từ chối tiếp cô nàng “chiến thần” này.

Các quán ăn kêu gọi “cấm cửa” “chiến thần” Hà Linh

Võ Hà Linh (sinh năm 1990, quê Nghệ An) được biết đến như một beauty blogger, hot tiktoker, youtuber có lượng theo dõi khá lớn. Cô là cái tên quen thuộc đối với những người đam mê tìm hiểu về mỹ phẩm và các món đồ skincare.

Từ khi mới xuất hiện, Hà Linh đã gây dựng uy tín cho mình thông qua những clip review mỹ phẩm thẳng và thật. Không biết các sản phẩm đó Hà Linh sử dụng hay không, nhưng trên các clip, cô nàng thể hiện quan điểm khen chê rõ ràng.

Nữ tiktoker tuy được lòng người hâm mộ nhưng cũng dính khá nhiều tai tiếng với cộng đồng beauty blogger bởi vì cô chê rất nhiều sản phẩm mà họ review.

Ngoài tai tiếng trong cộng đồng mỹ phẩm, Hà Linh lại tiếp tục chịu sự công kích của cộng đồng mạng về những clip review quán ăn mang tính cảm quan làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của nhiều cơ sở.

Mới đây, trong một nhóm anti Võ Hà Linh, một thành viên trong nhóm anti Võ Hà Linh cho biết chủ một quán ăn đã dán ảnh, "cấm cửa" Võ Hà Linh và kêu gọi nhiều quán khác cùng thực hiện.

Bài đăng này nhanh chóng trở thành tâm điểm bàn luận của cư dân mạng. Một số bày tỏ sự đồng tình vì nhận định các video trải nghiệm đồ ăn của Võ Hà Linh trước đây mang tính cảm quan, thiếu chuyên môn, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của quán ăn.

Việc review của Hà Linh có sai luật hay không?

Review sản phẩm hoặc review quán ăn suy cho cùng cũng là một phương thức mang lại những giá trị, ích lợi nhất định. Bởi lẽ, công chúng, người tiêu dùng rất cần những thông tin tham khảo thực tế từ các chuyên gia, người có chuyên môn về một sản phẩm, dịch vụ, nhãn hàng... mà họ quan tâm, có ý định sử dụng.

Nắm bắt nhu cầu này, đánh giá sản phẩm dần trở thành một nghề hái ra tiền. Tuy nhiên, “thị trường” review béo bở này lại đang thu hút cả những người không có chuyên môn, và điều đáng nói, chính những reviewer này lại là những người tích cực hơn cả.

Và việc những người không có chuyên môn với các chiêu trò “bóc phốt” hoặc gây scandal khiến nhiều nhà hàng, quán ăn hoặc các nhãn hàng lao đao. Chính thế nên việc “cấm cửa” "chiến thần" này gần như là… xu thế.

Nhìn ở góc độ pháp lý, việc review của Võ Hà Linh có đúng luật không, cũng như việc “cấm cửa” tiktoker này có vi phạm không là điều mà nhiều người thắc mắc.

Theo luật sư Nguyễn Thị Mai - Đoàn Luật sư Hà Nội, căn cứ khoản 4, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, mọi người đến quán ăn, nhà hàng với tư cách người tiêu dùng có quyền góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy, việc chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó hoàn toàn tự do, bởi những người này cũng là khách hàng.

Tuy nhiên, nếu việc chia sẻ, đánh giá sản phẩm không trung thực, có cơ sở để cho thấy việc review đó là sai sự thật thì chủ quán có quyền yêu cầu xử lý người đó.

“Tại Điều 8, Luật An ninh mạng 2018 có quy định nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi đưa thông tin sai sự thật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” - luật sư Nguyễn Thị Mai cho biết.

Ngoài ra, việc cá nhân có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân còn bị phạt tiền từ 5 triệu - 10 triệu đồng theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022).

Tuy nhiên, các nhãn hàng hoặc các nhà hàng, quán ăn cũng cần lưu ý một điều, việc dán ảnh người họ không muốn tiếp cũng là hành vi vi phạm theo luật quy định. Theo đó, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, các cá nhân có quyền nhân thân với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà chưa được người đó đồng ý được xác định là hành vi vi phạm pháp luật.

Minh Dương