Chuyển đổi năng lượng xanh là khoản đầu tư tốt nhất cho Việt Nam

Một trong những phát hiện chính của báo cáo cho thấy, việc Việt Nam đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 không chỉ khả thi về mặt kỹ thuật mà còn là một kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải CO₂ của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.

Các đại biểu tại lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến Phát thải ròng bằng không (EOR-NZ). Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch

Thông điệp của báo cáo rất rõ ràng: Lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững của Việt Nam là mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp. Điều quan trọng là cần sớm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Việt Nam để tránh những chi phí lớn không cần thiết. Đặc biệt, báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và bảo đảm đạt đỉnh phát thải CO₂ vào năm 2030.

“Việt Nam và Đan Mạch đều có chung mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Báo cáo thể hiện nỗ lực hợp tác của hai nước trong quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Báo cáo cho thấy, Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và chuyển đổi xanh sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho toàn xã hội”, ông Kristoffer Böttzauw, Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, đồng chủ trì buổi lễ công bố, cho biết.

Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch

Tiếp theo lễ công bố báo cáo, một buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam đã được tổ chức cùng ngày dưới sự chủ trì của lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz và Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, ông Kristoffer Böttzauw. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về những phát hiện chính và những tác động chính sách của báo cáo, bao gồm các rào cản đối với việc mở rộng đầu tư vào năng lượng xanh, tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế xanh và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi xanh.

NGỌC MINH