Có nên giảm 2% thuế VAT cho tất cả các lĩnh vực?

ộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT 2%, dự kiến áp dụng từ ngày 01/07/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, riêng việc thực hiện giảm thuế VAT 2% trong nửa đầu năm nay sẽ khiến ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giảm thuế này cùng với các giải pháp thuế, phí, lệ phí khác đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu, qua đó giúp thu thuế nội địa trong các tháng đầu năm vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra trên 10%.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Giảm thuế VAT góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa.

Đơn cử như tại Công ty Kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) có trên 4.000 điểm bán hàng và nhiều nhà máy chế biến nông sản. Việc giảm thuế VAT trong nửa đầu năm nay đã giúp doanh nghiệp không chỉ giúp hạ giá thành, gia tăng chương trình khuyến mại để thu hút người dùng, mà doanh nghiệp có thêm nguồn tiền đầu tư vào thiết bị cũng như công nhân viên.

Các siêu thị cũng cho biết, nhiều mặt hàng được giảm thuế VAT đã kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ: "Khách hàng nhìn thấy được mức giá giảm tương ứng với tỷ lệ mua sắm của họ, qua đó cũng kích thích được nhu cầu mua sắm hàng ngày của khách hàng".

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn cho rằng chính sách giảm thuế VAT còn giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát trong giới hạn đặt ra nhờ tiêu thụ nội địa được đẩy mạnh, xuất khẩu gia tăng trở lại do các doanh nghiệp đã được tiếp thêm nguồn lực từ việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài, việc cơ quan soạn thảo đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết năm nay được các chuyên gia nhận định sẽ thúc đẩy tăng trưởng của khu vực bán lẻ và dịch vụ, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Tuy nhiên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8% thay vì chỉ áp dụng với một số mặt hàng như hiện nay.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp khá nhiều vướng mắc khi áp dụng chính sách này, chủ yếu xuất phát từ việc phân loại hàng hóa nào phải chịu thuế 10%, hàng hóa nào được giảm thuế xuống 8%.

“Việc cụ thể hóa các nhóm hàng hóa, dịch vụ rất khó khăn, đặc biệt là đối với những trường hợp không có pháp luật chuyên ngành”, một doanh nghiệp cho hay.

Đơn cử, nhóm hàng hóa viễn thông và công nghệ thông tin rất khó xác định do không có định nghĩa rõ ràng trong các văn bản pháp luật khác. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác cũng gặp vướng mắc phân loại như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất cũng rất chung chung và khó phân loại.

Nhiều trường hợp doanh nghiệp tra cứu Phụ lục của Nghị định 15 và 44 nhưng không dám khẳng định hàng hóa, dịch vụ của mình thuộc diện thuế suất 10% hay 8%. Một số doanh nghiệp hỏi cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Tài chính nhưng các cơ quan này cũng trả lời rất chung chung, như "Đề nghị công ty căn cứ Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối chiếu mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà công ty cung cấp với mã sản phẩm của hàng hóa, dịch vụ tại Phụ lục I, II, III ban hành kèm theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP để thực hiện đúng theo quy định".

Theo các chuyên gia, khó khăn trong việc xác định thuế suất 8% hay 10% gây nhiều chi phí xã hội và làm tăng rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải thuê thêm người làm kế toán để điều chỉnh hóa đơn và sổ sách cho đúng với mức thuế mới. Không ít doanh nghiệp phản ánh tình trạng đàm phán mua bán hàng hóa, thỏa thuận xong hết với khách hàng về số lượng, chất lượng, giá cả nhưng không thống nhất về mức thuế 8% hay 10% nên không ký được hợp đồng. Đã có trường hợp doanh nghiệp thực hiện các gói thầu xây lắp phát sinh tranh chấp với đối tác khi quyết toán chỉ vì hai bên có quan điểm khác nhau về mức thuế suất.

Thanh Hoa