Đi tìm tài năng văn chương trong nhà trường

Cơm áo không đùa với khách thơ

Hằng năm, Hội VHNT thường tổ chức vài ba cuộc giao lưu, tọa đàm về văn xuôi, thơ nhằm mục đích khơi dậy sáng tạo, tìm kiếm tài năng và phát triển đội ngũ. Bóng dáng học sinh có mặt trong các hoạt động này chỉ thấp thoáng với tư cách là khách mời đến nghe, đến dự chứ ít khi tham gia vào câu chuyện của các nhà thơ, nhà văn về sáng tác hay bình phẩm văn chương. Tiếp cận với một số học sinh trường THPT chuyên Biên Hòa, nói chuyện về vấn đề này được biết, các em được cử đến, dự hết thời gian rồi về chứ không có sự chuẩn bị về nội dung tham gia các cuộc giao lưu, tọa đàm đó. Không phải các em không yêu văn chương, không quan tâm đến các vấn đề của văn học, bởi, chí ít các em là học sinh chuyên văn. Nhưng điều kiện để các em tham gia hòa nhập vào các hoạt động sáng tạo VHNT của hội chưa có.

Về phía Hội VHNT, đối tượng hướng tới nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đội ngũ VHNT là học sinh các trường phổ thông. Nhiều trường học hiện nay đã thành lập các câu lạc bộ Văn học tập hợp những giáo viên và học sinh có xu hướng văn chương, yêu văn chương hoạt động. Tuy nhiên, làm thế nào để hấp dẫn đội ngũ này tham gia hoạt động sáng tác với hội là câu chuyện không dễ dàng gì. Ông Trần Đức Duy, Ủy viên Thường trực Hội VHNT tỉnh cho biết: Chúng tôi đã thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa đọc, giao lưu, tọa đàm về văn chương... mục đích là tìm kiếm tài năng văn thơ trong nhà trường. Thế nhưng vẫn không tìm thấy. Các em dành thời gian cho học tập nhiều, không có thời gian dành cho sinh hoạt, sáng tác VHNT. Nhiều em có tố chất, nhưng định hướng cho các em phát triển tài năng chưa rõ ràng nên các em không thể “dấn thân” thực hiện “đam mê”. Ngay bản thân các phụ huynh cũng không muốn con em mình quan tâm tới lĩnh vực này, bởi mục tiêu học hành của các em phải hướng tới những ngành nghề “dễ kiếm tiền”, “dễ xin việc”... chứ “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Nhiều học sinh có năng khiếu văn chương của Trường THPT chuyên Biên Hòa được mời tham dự buổi giao lưu với các nhà thơ, nhà văn Hội đồng văn học thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Chuyện rất hiển nhiên. Mỗi năm, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Biên Hòa, lớp chuyên Văn mặc dù chỉ tiêu chỉ lấy 35 học sinh nhưng số học sinh đăng ký thi vào chuyên văn bao giờ cũng cao nhất nhì so với các lớp chuyên khác. Nhìn vào đây cứ ngỡ là học sinh yêu văn chương, giỏi văn chương ở ta khá dồi dào. Thế nhưng, thực tế việc chọn học văn không phải để trở thành những nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học xã hội... sau này mà chỉ cần có môi trường học, để thực hiện các dự định nghề nghiệp khác. Vì thế, các em sau khi vào trường chỉ chú tâm học các môn văn hóa để thi tuyển vào đại học sau này. Bà Phạm Thị Ngân, khi đang là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Biên Hòa từng chia sẻ: “Ngay chính chúng tôi cũng đã có thời gian dài quá chú trọng đến việc học của các em, nặng về giáo dục kiến thức mà chưa để ý đến phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu sáng tác của học sinh. Từ bây giờ, chúng tôi sẽ thay đổi, sẽ tổ chức nhiều hơn, thường xuyên hơn những cuộc thi sáng tác văn học, nói chuyện văn học và thời sự văn chương cho các em, với hy vọng sẽ khơi dậy, phát huy năng khiếu sáng tác văn học cho nhiều học sinh, thực hiện mục tiêu cuối cùng của dạy và học Văn học là chuyển hóa những giá trị thẩm mỹ thành giá trị sống cho học trò. Tôi tin rằng, sẽ có nhiều học sinh chuyên Văn, không chuyên Văn khi tham gia các sân chơi này sẽ bộc lộ tài năng và có điều kiện tốt hơn phát huy tài năng”.

Cần tạo môi trường sáng tác cho học sinh

Không chỉ đối với nhà trường mà Hội VHNT cần quan tâm, chăm lo, có kế hoạch cụ thể cho việc tạo dựng môi trường sáng tác văn học cho học sinh. Nếu như trong trường học, hoạt động của các câu lạc bộ văn học chỉ thực sự được kích hoạt vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm thì với Hội VHNT, hè là thời điểm để tổ chức các trại sáng tác văn học cho thiếu niên nhi đồng hoặc giáo viên và học sinh các trường phổ thông. Theo ông Trần Đức Duy, khơi nguồn cảm hứng văn chương cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau, tùy từng thời điểm, nhưng cần thông qua những hoạt động ngoại khóa, mời các nhà thơ, nhà văn có uy tín nói chuyện; tạo điều kiện để học sinh được tham gia những cuộc thi sáng tác văn chương; phát huy hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ thơ văn. Có yêu văn chương, có hứng thú với văn chương, học sinh mới phát triển khả năng sáng tác văn học. Vì thế, những năm qua, Hội VHNT đã phối hợp với ngành giáo dục, các Trung tâm Văn hóa-Thông tin và ể thao huyện, thị, thành phố tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Sách và Văn hóa đọc để tạo điều kiện cho các em tiếp cận với sách báo, tham gia vào hoạt động sáng tác ở các điều kiện khác nhau. Cô giáo Vũ Thị Hoa, giáo viên dạy ngữ Văn Trường THPT chuyên Biên Hòa cho rằng: “Nếu các em yêu văn học, quan tâm đến những gì đang diễn ra trong đời sống của mình, dành thời gian để suy ngẫm, để đọc thì sẽ học tốt văn hơn, viết tốt hơn. Tư duy văn học đòi hỏi có hệ thống, có logic, khoa học. Vì vậy, rất nhiều học sinh không chuyên Văn nhưng lại có khả năng viết tốt, tư duy văn học tốt. Có lẽ họ đã đọc nhiều, nghĩ nhiều và quan sát nhiều”.

Ông Trần Đức Duy, Ủy viên Thường trực Hội VHNT tỉnh à Nam

Trước thực trạng đội ngũ những người sáng tác văn học của Hội VHNT Hà Nam đang già hóa (độ tuổi bình quân trên 70 tuổi), việc xây dựng đội ngũ kế cận, tiếp nối trở nên cần thiết và cấp bách lúc này. Cuối tháng 6/2024, Hội VHNT đã phối hợp với Hội đồng văn học thiếu nhi thuộc Hội nhà văn Việt Nam tổ chức gặp mặt giao lưu với chủ đề “Gặp gỡ tháng 5”, thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ trong tỉnh và các em học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa đến dự. Tại đây, các em đã được các nhà văn chia sẻ quá trình sáng tác và gắn bó với văn chương của mình cũng như vai trò văn học thiếu nhi đối với đời sống. Hoạt động này ngoài ý truyền cảm hứng, tình yêu văn chương cho các em, khuyến khích phong trào sáng tác ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Một học sinh chia sẻ: “Em yêu thích môn Ngữ Văn từ năm học lớp 5. Đến nay, dù đang là học sinh lớp 10 chuyên Văn, nhiều lúc em vẫn băn khoăn không hiểu mình đã thực sự đi đúng hướng hay chưa. Hôm nay, được dự buổi giao lưu, qua chia sẻ của các nhà thơ, nhà văn, em thấy vững tin hơn và quyết định tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Em xin cảm ơn các nhà thơ, nhà văn đã truyền lửa và dành cho chúng em sự khích lệ rất quý báu!”.

Theo ông Trần Đức Duy, sau hoạt động này, chúng tôi căn cứ vào kế hoạch đã xây dựng, tổ chức các trại sáng tác văn học cho thiếu niên, học sinh các trường phổ thông ngay trong dịp hè. Để tổ chức hoạt động hiệu quả, hội sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, thông báo kế hoạch đến các trường học để các nhà trường nắm được nội dung, đăng ký cho học sinh tham dự trại theo tiêu chí của hội. Phải tổ chức các trại sáng tác dành riêng cho học sinh thì hội VHNT mới thực hiện được mục tiêu tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn chương, xây dựng và phát triển đội ngũ kế cận các lớp văn nghệ sỹ có tuổi hiện nay.

Về phía các nhà trường, việc xây dựng, tổ chức hoạt động các câu lạc bộ văn học hay đọc sách báo rất thiết thực để hướng cho các em tiếp cận với văn học, sách báo, khơi dậy cảm hứng sáng tạo trong giáo viên và học sinh để “nguồn lực văn chương” có điều kiện, môi trường phát huy tài năng.

Chu Uyên