Đại sứ Marc E. Knapper: Môi trường đầu tư của Việt Nam đang được cải thiện

Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong những năm qua Hoa Kỳ đã hỗ trợ rất nhiều trong việc giúp Việt Nam khảo sát, đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó nổi bật là báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ông đánh giá thế nào về công cụ PCI?

Đại sứ MARC E. KNAPPER: - Sự kiện công bố kết quả PCI luôn thực sự thú vị. Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã thực hiện hỗ trợ chương trình này từ năm 2005. Bởi PCI chứng minh là một công cụ rất quan trọng để tăng cường trách nhiệm giải trình và tính minh bạch.

Từ đó các tỉnh ở Việt Nam đã thực sự thúc đẩy cả đầu tư và tăng trưởng kinh tế nhiều hơn. Chính vì vậy, trong những năm qua PCI đã trở thành công cụ quan trọng được các doanh nghiệp và các địa phương tin tưởng sử dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Hiện nay chúng ta đã thấy Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Và tôi nghĩ PCI là một trong những công cụ kích thích dòng vốn đầu tư, vì nhà đầu tư có thể thấy tỉnh nào đang có ưu thế nhất trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển. Minh bạch và có trách nhiệm thông qua PCI, là tất cả những điều các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ muốn biết khi họ xem xét quyết định đầu tư ở một địa phương tại Việt Nam.

- Ông nhận xét thế nào về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam hiện nay?

- Hoa Kỳ rất hân hạnh được góp phần vào việc nâng cao cải thiện kinh doanh cho kinh tế Việt Nam, và qua suốt những năm qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã dần được cải thiện. Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với nhau trên cơ sở này. Năm 2023, quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam đã được nâng cấp thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Đây cũng là nền tảng vững chắc để tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, và là cơ hội quan trọng để Hoa Kỳ có thể đóng góp vào trong hành trình tăng trưởng của Việt Nam. Đây là cơ sở để chúng tôi nhân rộng trên mọi lĩnh vực, góp phần làm tốt hơn nữa môi trường cải thiện kinh doanh. Từ đó tạo ra nhiều cơ hội giúp cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện thể chế của mình dựa trên chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu.

- Một điều thú vị là trong 2 năm qua, bên cạnh việc công bố PCI còn có thêm Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Theo ông chỉ số PGI có ý nghĩa như thế nào đối với các địa phương?

- PGI là một công cụ thú vị mà chúng ta có để sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng sạch, cho phép các doanh nghiệp thêm điểm cộng đang tìm kiếm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có cam kết môi trường của riêng mình. Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 năm 2021, về việc trở thành nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây thực sự là một yếu tố quan trọng trong quá trình này, bởi các doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam đều có những cam kết riêng.

Do đó, bằng cách xem xét dữ liệu mà PGI cung cấp, các doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định sáng suốt về nơi họ sẽ rót vốn đầu tư. Bản thân lãnh đạo các địa phương cũng có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về cách thức để đưa nền kinh tế của mình trở nên xanh hơn, sạch hơn và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Điều này phù hợp với những chiến lược đầu tư xanh và sạch của doanh nghiệp.

- Theo ông trong thời gian tới chỉ số PGI sẽ tiếp tục được thực hiện ra sao?

- Tôi muốn nói rằng có rất nhiều việc phải triển khai mỗi năm liên quan đến PGI. Bởi đây thực sự là một công cụ quan trọng để các doanh nghiệp và các tỉnh kiến tạo cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và cuối cùng là thúc đẩy thịnh vượng hơn cho Việt Nam. Sau đó tạo ra các mối liên kết kinh tế lớn hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Có được kết quả này, theo tôi công lao to lớn thuộc về Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đồng nghiệp của tôi tại USAID. Tôi cũng muốn vinh danh tất cả mọi người, những người tham gia vào quá trình này, bởi vì họ đã góp phần triển khai nỗ lực này rất thực chất trong 19 năm qua kể từ năm 2005.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Ông JOSEPH UDDO, Chủ tịch AmCham Hà Nội: Đã minh bạch nhưng chưa thông suốt

Yếu tố quan trọng nhất tạo nên môi trường đầu tư thuận lợi là môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, dễ dự đoán và tinh giản, coi trọng sự đổi mới để không chỉ thu hút đầu tư mới, mà còn để duy trì và phát triển các dự án đầu tư hiện tại. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã ủng hộ tích cực các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam trong hơn 15 năm qua, đã có một số thủ tục hành chính được loại bỏ và đơn giản hóa.

Tuy nhiên, cần xem xét một số luật và quy định mới vẫn tiếp tục đưa ra, nhất là các vấn đề liên quan đến giấy phép về quy hoạch, giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài... Ngoài ra, mặc dù Chính phủ thúc đẩy số hóa nhưng nhiều thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy, hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử.

Chuỗi cung ứng cũng cần phải tương thích với chính sách thuế toàn cầu. Do vậy Việt Nam nên áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán, kiểm toán, chuyển giá, và áp dụng các thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được Quốc hội thông qua. Hiện nay rất nhiều công ty phải đối mặt với các chính sách thuế không minh bạch, thường là ở cấp cục thuế thành phố hoặc cấp tỉnh.

Việt Nam đang có một vị trí thuận lợi để thu hút các khoản đầu tư lớn, khi các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để biến cơ hội phát triển chuỗi cung ứng thành hiện thực, Việt Nam cần liên tục đánh giá lợi thế cạnh tranh của mình là gì, cùng với đó đào tạo lao động và kỹ sư, cấp phép cho lao động kỹ sư nước ngoài và có khả năng hỗ trợ các ngành công nghiệp theo chiều dọc, đặc biệt khi các công ty đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 ra khỏi Trung Quốc.

LƯU THỦY (thực hiện)