Đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng

Ngày 10/1/2020, chùa Cự Đà (Gia Lâm, à Nội) đã xảy ra một vụ cháy lớn trong đêm. Đây là một ngôi chùa cổ có lịch sử hơn 300 năm tuổi, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2010.

Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng, các phật tử cùng rất đông người dân đã phối hợp xử lý đám cháy. Do chùa có kết cấu phần lớn bằng gỗ nên nguy cơ cháy lan nhanh, khiến công tác chữa cháy gặp rất nhiều nguy hiểm.

Sau khoảng 40 phút tích cực chữa cháy, ngọn lửa đã được khống chế, không để cháy lan sang các khu vực khác. Rất may trong thời điểm xảy ra ụ cháy không gây thiệt hại về người.

Trước đó, vào ngày 2/4/2019, chùa Thanh Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, vào khoảng 12h, chùa Thanh Sơn bất ngờ bốc cháy.

Do chùa chủ yếu được làm từ gỗ nên ngọn lửa bùng lên rất nhanh và dữ dội. Lực lượng tại chỗ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể ngăn cho ngọn lửa không lan sang các khu vực khác. Sau 6 giờ tích cực chữa cháy, ngọn lửa mới được khống chế hoàn toàn.

Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ tài sản và đồ bài trí tại chùa, ước tính thiệt hại khoảng 700 triệu đồng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội thường xuyên kiểm tra trang thiết bị chữa cháy trong cơ sở thờ tự

Theo nhận định, trong dịp cuối năm, nhu cầu lễ bái tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, đền chùa có thể gia tăng. Đồng thời, nhu cầu thắp hương, đốt vàng mã các cơ sở này là rất lớn. Do đó, công tác đảm bảo an toàn PCCC cần phải được chú trọng.

Tại nước ta, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thường chủ yếu được làm bằng gỗ nên nguy cơ xảy ra cháy là rất cao, có thể để lại những hậu quả rất nặng nề. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở này, hạn chế thắp hương, đốt dầu, đốt vàng mã không có giám sát, kiểm soát.

Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo về PCCC&CNCH, hướng dẫn thoát nạn an toàn thông qua loa phát thanh hoặc các pano áp phích.

Cần phải thực hiện nghiêm túc việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống thiết bị điện, chiếu sáng tại các khu vực chính điện, ban thờ…

Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cần bố trí vách ngăn chống cháy tại khu vực đặt bàn thờ để phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy có thể lan sang các khu vực khác. Bàn thờ nên được làm từ chất liệu chống cháy.

Bản quản lý các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cần đảm bảo hành lang, lối ra vào, lối thoát nạn thông thoáng, không để người dân buôn bán, xếp hàng hóa vướng lối đi.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cần bố trí kho bảo quản đối với hương, đèn cầy, vàng mã… Kho này cần phải đảm bảo an toàn PCCC. Trang bị các thiết bị PCCC thiết yếu như nước, bình chữa cháy các loại…

Các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh công tác PCCC tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý.

Trong những ngày cao điểm lễ hội, tập trung đông người, cần bố trí lực lượng, phương tiện thường trực để sẵn sàng xử lý khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Kiều Oanh