Đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản Bình Thuận

Xúc tiến tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn

Tỉnh ình Thuận có thế mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao; là vùng đất phù hợp để phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: thanh long, cao su, hạt điều..., trong đó, chủ yếu là thanh long mang chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận”.

Xác định thanh long là cây trồng thế mạnh của tỉnh, trong những năm qua, Bình Thuận đã chú trọng đầu tư, mở rộng vùng trồng. Đến nay, diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận là 27.320 ha với sản lượng hơn 600.000 tấn quả/năm. Toàn tỉnh có 8.603,8 ha thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP đạt 517 ha.

Theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận chia sẻ: Nông sản mùa vụ tỉnh Bình Thuận tập trung vào trái thanh long. Sản lượng thanh long mùa vụ từ tháng 6 đến tháng 9 dự ước đạt khoảng 170.000 tấn; trong đó, tháng 6 khoảng 40.000 tấn, tháng 7 khoảng 47.000 tấn, tháng 8 khoảng 50.000 tấn, tháng 9 khoảng 33.000 tấn.

Về xuất khẩu, theo ông Tài, kim ngạch xuất khẩu thanh long chính ngạch 4 tháng đầu năm là 1,47 triệu USD, tương đương 875 tấn. Thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc,…

Một nhà vườn ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Việt Quốc

Đánh giá về hoạt động xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ hiện nay, ông Biện Tấn Tài cho biết hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 5, một số vườn đang bắt đầu vào thời điểm thu hoạch mùa vụ, nhưng sản lượng không nhiều. Do sản lượng thấp, nguồn cung thiếu nên giá bán trái thanh long tăng.

Lý giải về việc này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận nhận định Trung Quốc hiện đang là một trong những quốc gia tiêu thụ chính của thanh long Việt xuất khẩu, chiếm gần 80% thị phần xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch chính vụ của thanh long Bình Thuận từ tháng 3 đến tháng 9 cũng chính là thời vụ thu hoạch của các loại trái cây Trung Quốc như: Cam, quýt, táo, lê, nho... “Điều này khiến thị thường bị chậm, giá cả có xu hướng giảm”, ông Tài nói.

Tiếp theo, việc đẩy mạnh xuất khẩu thanh long vào thị trường Châu Âu, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á… vẫn còn khó khăn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm.

“Do các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu gia công hoặc bán thanh long cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu nên không thể hiện kim ngạch thu về cho địa phương”, ông Tài đưa ra nguyên nhân.

Ngoài ra, tuy đã phát triển thêm các thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ… và các quốc gia đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhưng trong thời gian qua, xuất khẩu thanh long của tỉnh gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ do bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của địa phương đa số có quy mô vừa và nhỏ, trình độ ngoại thương còn hạn chế, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại ít nên việc tham gia các chương trình xúc tiến thương mại còn hạn chế. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, nhất là đối với các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài thường có kinh phí lớn”, ông Tài chia sẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay thách thức của thị trường thanh long Việt Nam là rất lớn do diện tích và sản lượng của Trung Quốc đang tăng rất nhanh. Do vậy, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp để giảm tải sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

“Chúng ta phải nhanh chóng có kế hoạch đa dạng hóa thị trường nhằm không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Thêm đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung vào các thị trường mới như Đông Bắc Á, Trung Đông”, ông Phú nhấn mạnh.

Tìm hướng đi bền vững

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm thế mạnh này trên địa bàn, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phát triển bền vững cây thanh long đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng cây thanh long toàn tỉnh ổn định khoảng 25.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha, sản lượng đạt 550.000 tấn/năm.

Chủ trương đầu tư mang lại năng suất sản xuất thanh long bền vững, có ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, giá trị sản lượng. Phát triển sản phẩm thanh long OCOP. Áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng, logistics; thực hiện tốt các chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển chỉ dẫn địa lý và mã số vùng trồng.

Với việc chú trọng đầu tư, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, song hành với đó, việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng vô cùng cấp thiết.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội xuất khẩu cho nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng. Ảnh: Thanh Long Hoàng Hậu

Trước tình hình đó, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quảng bá, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản Bình Thuận trong thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thanh long Bình Thuận trong và ngoài nước giai đoạn 2021 - 2025. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thanh long tham gia các Hội chợ triển lãm chuyên ngành trái cây, rau quả có uy tín được tổ chức hàng năm trong khu vực và trên ế giới để quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán.

Thứ ba, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô và nâng cao công suất chế biến các sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi.

Nhấn mạnh về tiềm năng và cơ hội cho nông sản nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng, ông Vũ Bà Phú cho hay, xuất khẩu nông sản Việt Nam có cơ hội lớn khi tới đây sẽ Việt Nam sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do UAE. Song, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng, xuất khẩu nông sản cần phải tập trung chuyển sang chính ngạch để tránh những rủi ro không đáng có.

Mặt khác, củng cố và phát triển mở rộng đối với các thị trường truyền thống; đồng thời, mở thêm thị trường mới, tiềm năng; trong đó, chú trọng thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Đỗ Nga - Ngọc Hoa