Đẩy mạnh rà soát, phân loại nhanh hồ sơ hoàn thuế cho doanh nghiệp FDI

Ngày 28/11, Cục Thuế Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Báo cáo tại Hội nghị, Cục Thuế Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tính đến ngày 25/11/2023, trên địa bàn tỉnh có 456 mã số thuế đang hoạt động, trong đó có 315 doanh nghiệp, 82 chi nhánh, 32 nhà thầu nước ngoài. Trong đó, năm 2023 có 22 doanh nghiệp mới thành lập; có 30 doanh nghiệp, nhà thầu (chủ yếu là nhà thầu hết hợp đồng) đóng mã số thuế. Còn theo số liệu quyết toán thuế năm 2022, có 172 doanh nghiệp FDI có kê khai giao dịch liên kết; có 181 doanh nghiệp có tổng lợi nhuận kế toán trước thuế lỗ/337 doanh nghiệp nộp quyết toán thuế TNDN.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành phát biểu tại hội nghị.

Về cơ cấu nhóm ngành đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm có 22 ngành, như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; ngành khai khoáng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Ccung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; Xây dựng; ...

Tính đến thời điểm ngày 25/11/2023, số thu trong lĩnh vực các doanh nghiệp FDI ước đạt trên 13.190.922 triệu đồng. Dự kiến lũy kế số thu cả năm 2023 ước đạt 14.500.894 triệu đồng đạt 84,6% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân số thu năm 2023 của khối doanh nghiệp FDI giảm nằm trong khối sản xuất mặt hàng bia; kinh doanh nông sản (sản phẩm dầu ăn); sản xuất dầu thô, khí thiên nhiên; sản xuất sắt thép; kinh doanh bất động sản. Đây là những ngành bị ảnh hưởng khi nền kinh tế toàn cầu đối diện với suy giảm, lạm phát và hậu quả của Covid-19, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm nên việc thực hiện nghĩa vụ thuế gặp nhiều khó khăn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chia sẻ về khó khăn đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời nhấn mạnh, khó khăn của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh cũng là những khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước. Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã trực tiếp tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết nghị nhiều giải pháp hỗ trợ về chính sách thuế giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Mai Xuân Thành trao đổi với các doanh nghiệp FDI.

Liên quan tới kiến nghị về hoàn thuế GTGT, theo Tổng cục trưởng hiện nay, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác hoàn thuế tại các địa phương. Các Cục Thuế địa phương đã thành lập các tổ công tác do một Phó cục trưởng trực tiếp tổ chức thực hiện. Đến nay, qua thống kê, Tổng cục Thuế nhận thấy tiến độ hoàn thuế tại các địa phương đã có những kết quả rất khả quan và công tác hoàn thuế vẫn đang được toàn ngành Thuế tập trung rà soát và đẩy nhanh công tác triển khai.

Ông Mai Xuân Thành khẳng định, bên cạnh công tác thu ngân sách cho nhà nước, ngành Thuế còn một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là bảo vệ nguồn ngân sách của bhà nước và ngăn chặn các hành vi, thủ đoạn gian lận hoàn thuế GTGT đang diễn ra ngày càng tinh vi. Do đó, ngày 18/9/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TCT về việc áp dụng quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành yêu cầu Cục Thuế Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh công tác rà soát, phân loại nhanh hồ sơ hoàn thuế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng đề nghị các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế trong việc rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn thuế và phải đảm bảo hồ sơ hợp pháp, đúng quy định của pháp luật.

Nam Yên