Đề nghị bỏ độc quyền, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu

Cần chính sách tránh vàng hóa

Tình trạng giá vàng "nhảy múa", tăng giá sốc thời gian qua là chủ đề nhiều đại biểu quan tâm khi Quốc hội thảo luận tại tổ sáng 23/5.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh, những biến động bất thường của thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy sự không ổn định. cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên).

Nói về thị trường vàng, bà Yên nhấn mạnh đây không phải nhu cầu thực tế của người dân mà có thể do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.

Cùng đánh giá việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, đại biểu ạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo ông Hòa, việc đấu giá vàng của ân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời bởi giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng, do đó cần giải pháp dài hạn để quản lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Để thị trường vàng ổn định, không lên xuống bất thường như hiện nay, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước; sửa đổi bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng, sở dĩ giá vàng tăng là do nguồn cầu quá lớn, người dân rút tiền gửi ngân hàng để mua vàng do lãi suất tín dụng không còn hấp dẫn.

Còn theo đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội), Nghị định 24 đã hết giá trị lịch sử, cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng vàng hóa như trước đây.

"Việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh vàng hóa", đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

Đấu thầu vàng khó đạt mục tiêu kéo giảm giá?

Chia sẻ bên hành lang, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi: Cần làm rõ đấu thầu vàng đặt mục tiêu gì?

Ông Cường cho hay, nếu muốn đặt mục tiêu đấu thầu đạt được giá cao hơn giá thị trường thì chúng ta thực hiện như phương thức hiện nay, tức là đặt giá sàn căn cứ tham chiếu vào giá của thị trường của phiên trước đó.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội).

Khi đặt giá tham chiếu của giá sàn ngang với giá thị trường hoặc cao hơn giá trị trường các phiên trước đó thì giá trúng thầu đương nhiên bằng hoặc cao hơn. Khi đó, người trúng thầu nếu bán vàng thì sẽ bán với giá cao hơn nữa. Như vậy đây là một yếu tố tiếp tục làm cho giá vàng trên thị trường tăng lên.

"Tất nhiên tăng đến đâu thì chưa dự báo được bởi còn phụ thuộc vào vấn đề diễn biến giá thế giới. Nhưng nếu đơn thuần đấu thầu như hiện nay nếu muốn kéo chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới sẽ khó đạt được mục tiêu", ông Cường nói.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, muốn kéo giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới thì phải đưa giá tham chiếu tương đương giá quốc tế (giá nhập khẩu) cộng thêm thuế, phí…

"Ngân hàng Nhà nước sẽ là người đứng ra như là đầu mối nhập khẩu. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải nhập khẩu trực tiếp vàng vật chất mà tất cả người mua có thể mua theo giá tham chiếu đó, số lượng mua đó sẽ lưu ký vào ngân hàng Nhà nước.

Như vậy nhu cầu của người dân cần phải mua vàng để tích trữ trước lo ngại giá vàng thế giới tăng lên sẽ yên tâm lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước. Chỉ với phương thức đó mới có thể hạ thấp giá vàng trong nước, sát với giá vàng thế giới", ông Cường phân tích.

Trang Trần

Phùng Đô