Trung tướng, Tiến sĩ Tăng Huệ - Tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ biên giới

Bố là cán bộ tiền khởi nghĩa, sĩ quan quân đội, một thời là cán bộ chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Bình, Nghệ An. Mẹ là xã viên hợp tác xã, cần cù chịu khó thay chồng nuôi con khôn lớn. Em trai là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thừa hưởng truyền thống cách mạng của quê hương và gia đình, ngay từ thời niên thiếu, đồng chí đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong tổ chức Đội thiếu niên tiền phong và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Năm 1964 ở cái "tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu", chàng thanh niên Tăng Huệ được tuyển vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Với những nỗ lực, hăng say trong công tác, học tập và rèn luyện, chiến sĩ Tăng Huệ được cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp quan tâm đào tạo bồi dưỡng về mọi mặt và đưa vào nguồn cán bộ lâu dài. Từ đó, ông được đi đào tạo ở nhiều trường lớp, được thử thách rèn luyện ở nhiều cương vị khác nhau khá toàn diện và bài bản: Năm 1969, tốt nghiệp đào tạo sĩ quan khóa 4 tại trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang; năm 1982, tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ, chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn ở Học viện Lục quân Đà Lạt; năm 1994, tốt nghiệp khóa đào tạo cán bộ cấp chiến dịch ở Học viện Quốc phòng; năm 1995-1996 nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ khoa học ân sự ở Học viện Quốc phòng.

Trung tướng Tăng Huệ, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (2004-2007). Ảnh tư liệu

Ông cũng đã tốt nghiệp các khóa đào tạo tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quân sự và Trường đào tạo cán bộ Trung cao cấp Biên phòng Liên bang Nga (Liên Xô trước đây).

Đề tài luận án Tiến sĩ "Phương pháp đấu tranh phòng, chống lấn chiếm biên giới của Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Bắc"; đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước "Xây dựng nền Biên phòng toàn dân trong tình hình mới" và nhiều đề tài khác do ông làm Chủ nhiệm đã được nghiệm thu, đánh giá tốt. Đó là kết quả của quá trình học tập, nghiên cứu đầy tâm huyết của ông và các đồng nghiệp.

Cuộc đời quân ngũ của ông bắt đầu từ một chiến sĩ luôn phấn đấu hết mình làm tròn mọi nhiệm vụ ở Công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh. Sau 3 năm học tập, rèn luyện ở Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, tốt nghiệp ra trường, Chuẩn úy Tăng Huệ được điều về làm Đội trưởng Đội Bảo vệ Công an nhân dân vũ trang tỉnh Bắc Thái. Năm 1971, ông được Bộ tư lệnh điều về Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang làm giáo viên Khoa Biên phòng, Nội địa. 9 năm làm công tác giảng dạy, ông luôn tâm huyết gắn bó với công việc.

Với phương pháp giảng dạy có sức thuyết phục, bộ môn công tác Biên phòng rất đặc thù, từ lý luận biên giới quốc gia đến nhiệm vụ công tác biên phòng, biện pháp tiến hành công tác biên phòng, công tác chỉ huy quản lý bảo vệ biên giới đều được ông lý giải cặn kẽ, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, được học viên nhiều khóa đào tạo, bổ túc yêu mến, ngợi khen, ông là một trong những giáo viên dạy tốt có triển vọng phát triển của nhà trường. Để đào tạo cán bộ tạo nguồn lâu dài của lực lượng, năm 1979 ông được cấp trên lựa chọn đi đào tạo tại Học viện Lục quân, năm 1982 tốt nghiệp ra trường.

Trước yêu cầu nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ông được Bộ Quốc phòng điều động sang mặt trận 479, lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó trung đoàn trưởng quân sự, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 689 (Trung đoàn 8 Biên phòng), Sư đoàn 5 làm nhiệm vụ chiến đấu giúp bạn Campuchia. Đây là quãng thời gian ông được trải nghiệm thực tế trong trận mạc, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn chiến đấu hiệu quả nhất. Nhờ thực tiễn chiến đấu, ông đã trưởng thành.

Với tấm lòng tri ân, ông luôn bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Đảng ủy, Bộ tư lệnh, lãnh đạo chỉ huy các cấp đã tạo điều kiện cho ông được tôi luyện, vượt qua thử thách, trở thành cán bộ cao cấp của lực lượng.

Trao đổi với chúng tôi về "ấn tượng sâu sắc nhất khi làm nhiệm vụ giúp Bạn", ông không chút đắn đo: "Ấn tượng sâu sắc nhất là từ năm 1982 đến khi rút quân về nước, Trung đoàn 8 được tổ chức biên chế, trang bị như một trung đoàn bộ binh, chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong đội hình chiến dịch, đồng thời trung đoàn vẫn phải làm nhiệm vụ phòng ngự giúp Bạn đánh diệt các chốt, cứ lõm, cơ sở ngầm của địch, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng các cụm dân cư, bảo vệ nhân dân sản xuất, xây dựng cuộc sống mới...".

Để hoàn thành nhiệm vụ đó thật không dễ chút nào. Ý thức được trách nhiệm của người chỉ huy ở chiến trường, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo, chỉ huy của Trung đoàn dồn hết tâm sức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học vào thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến đánh địch bằng mọi hình thức, với tuyên truyền, vận động quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng của Bạn để tiêu diệt địch, bảo vệ dân, giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn đảm nhiệm. Kết quả gặt hái trong thực tiễn, bài học lớn nhất ông thu nhận được là tình đồng đội, đồng chí, sự sẻ chia trách nhiệm, tình nguyện nhận việc khó, nguy hiểm về mình, nhường thuận lợi cho bạn và ý thức chấp hành mệnh lệnh rất nghiêm ngặt của người lính trong chiến đấu.

Ông kể về một kỷ niệm không bao giờ quên khi Trung đoàn làm nhiệm vụ đánh chiếm cao điểm 75 ở Tây Bắc biên giới Campuchia. Trong trận đánh đó, ông Lê Văn Nết quê Thanh Hóa là Trung đoàn trưởng, ông Tăng Huệ là Phó trung đoàn trưởng. Theo dõi tình hình các đơn vị trước giờ nổ súng, chỉ huy Trung đoàn rất lo lắng, đứng ngồi không yên khi thông tin liên lạc với đơn vị phía trước chưa được kết nối. Hai ông có sự trao đổi ngắn tại Sở chỉ huy.

Phó trung đoàn trưởng Tăng Huệ đề xuất: "Tôi cùng trinh sát lên kiểm tra". Trung đoàn trưởng Lê Văn Nết lắc đầu: "Để tôi đi". Phó trung đoàn trưởng: "Anh là Trung đoàn trưởng, còn chỉ huy chung". Trung đoàn trưởng: "Tôi đi tiện hơn, tôi có kinh nghiệm và thành thạo kỹ thuật trinh sát, xử lý tình huống, thông thuộc địa bàn hơn anh".

Nói là làm, Trung đoàn trưởng giao quyền chỉ huy cho Phó trung đoàn trưởng và dẫn một tổ trinh sát lên phía trước. Trung đoàn trưởng đi được một lúc thì nghe nhiều tiếng súng nổ, ông Huệ bồn chồn không yên, vừa lo cho sự an toàn của tổ trinh sát và Trung đoàn trưởng, vừa lo việc liên lạc với đơn vị phía trước. Khoảng 2 giờ sau, ông Nết và tổ trinh sát về lại Sở chỉ huy an toàn, việc liên lạc được thông suốt, kịp giờ nổ súng theo kế hoạch.

Kết thúc trận đánh, Trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong tổng kết, ông Huệ và mọi người suy tôn, đề nghị cấp trên khen thưởng ông Nết. Ông Nết lắc đầu và nói: "Tôi đề nghị đồng chí Tăng Huệ", ông Huệ kiên quyết từ chối và cùng tập thể nhất trí đề nghị ông Nết, buộc ông Nết phải chấp thuận.

Trước Tết âm lịch năm 1986, Trung đoàn 8 do Trung đoàn trưởng Tăng Huệ chỉ huy, được phân công cùng với các đơn vị Bạn tham gia tiêu diệt căn cứ lớn của địch ở Ăm Pin. Lực lượng tham gia chính là Sư đoàn 5 và Sư đoàn 309. Nhiệm vụ được giao của Trung đoàn 8 là đánh địch ở hướng Đông Nam, với mục đích chặn ngang đường liên lạc của địch với hậu cứ. Trung đoàn 8 được tăng cường xe tăng, thiết giáp và pháo 105 ly cùng một đại đội công binh hỗ trợ mở đường.

Trên hướng của Trung đoàn 8, địch phòng ngự khá vững chắc, hỏa lực dày đặc, được tăng cường lực lượng mạnh. Chúng đã bí mật đào sẵn nhiều hầm sâu, trên phủ lá ngụy trang, dưới đặt mìn chống tăng và chông nhọn để làm bẫy, diệt xe tăng và bộ binh ta. Chúng chuyển hướng từ phòng ngự thứ yếu sang hướng phòng ngự chủ yếu. Trước hỏa lực mạnh của địch, lực lượng tấn công của ta gặp nhiều khó khăn, xe tăng và bộ binh bị chững lại, không tiến lên được.

Từ Sở chỉ huy, ông băng lên, chỉ huy đơn vị xung kích vừa nghi binh, vừa chế áp địch, đồng thời tập trung hỏa lực bắn quét, kích nổ, mở cửa đột phá cho xe tăng tiến lên, thọc sâu cùng bộ binh, tiêu diệt quân địch, đánh chiếm mục tiêu thắng lợi. Trong trận đánh này, Trung đoàn 8 tuy gặp khó khăn nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao. Sau trận đánh, Trung đoàn được giao nhiệm vụ chốt giữ Ăm Pin.

Năm 1986 và 1987, Trung đoàn 8 được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch K5 làm đường tuần tra, xây dựng phòng tuyến chốt chặn trên biên giới Campuchia - Thái Lan. Đơn vị vừa chiến đấu đánh địch bảo vệ các lực lượng làm đường, vừa trinh sát mở đường, cắm cọc tiêu cho lực lượng làm đường và bố trí các bãi vật cản bảo vệ biên giới. Lực lượng của trung đoàn được tổ chức thành các trung đội, đại đội chốt giữ theo điểm tựa, cụm điểm tựa ở khu vực biên giới với chiều dài khoảng 25km thuộc dãy núi Đăng Rếch. Ở mỗi chốt đóng giữ của quân Pôn Pốt, chúng thường bố trí các đài quan sát cảnh giới, phát hiện từ trên cao, từ xa lực lượng tấn công của ta từ phía Campuchia. Phía Thái Lan, địch sơ hở, chủ quan, ít phòng bị.

Từ kinh nghiệm các trận đánh đã qua, ông đã chọn cách đánh kết hợp nghi binh phía chính diện với tập kích bất ngờ ở phía sau. Thực hiện cách đánh này công tác trinh sát phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ. Ông chỉ đạo tổ trinh sát phải tuyệt đối giữ bí mật, bởi đây là vùng biên giới có những nhạy cảm về chủ quyền lãnh thổ. Chỉ lộ một chút, bị phát hiện là ta sẽ gánh chịu những phiền toái, hậu quả khó lường, nên bí mật tuyệt đối phải được thực thi nghiêm ngặt.

Lính trinh sát tuân lệnh lên đường. Họ lẩn vào bóng cây, bóng đêm, lần theo sườn sau dãy núi Đăng Rếch, rồi từ điểm cao lợi thế, họ tìm hiểu kỹ từng lối đi lại nơi địch chốt giữ. Sau khi kiểm tra lại kết quả trinh sát, ông đã cùng anh em đi lại nhiều lần để nắm chắc địa hình, tình hình địch. Khi triển khai đánh địch, ông yêu cầu bộ phận đánh địch từ phía sau phải ngụy trang chu đáo, cơ động trong đêm. Anh em đi không dấu, nói không thành tiếng, chỉ ra hiệu khi có việc cần. Cẩn thận hơn, anh em còn nhét khăn vào miệng đề phòng tiếng ho bất ngờ bật ra. Bộ phận đánh địch hướng chính diện vừa làm các động tác giả như đang chuẩn bị tấn công, vừa tổ chức các tổ trang bị gọn nhẹ bí mật tiếp cận mục tiêu để khi tấn công phối hợp nhịp nhàng với lực lượng phía sau, nhanh chóng tiêu diệt địch đánh chiếm mục tiêu. 5 giờ sáng, ta đồng loạt nổ súng, khiến địch hoàn toàn bất ngờ. Nhiều lính Pôn Pốt đang còn ngái ngủ, ngơ ngác khi bị bắt. Sau chiến đấu thắng lợi, ta xây dựng các chốt của địch thành các chốt làm nhiệm vụ bảo vệ K5. Trong tổng kết, Trung đoàn trưởng đánh giá cao công tác trinh sát và khen thưởng xứng đáng cán bộ, chiến sĩ đại đội trinh sát. Họ là những con người có tố chất gan dạ, có bản lĩnh, thông minh và nhanh nhẹn.

Tháng 7-1988, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Trung đoàn trưởng Tăng Huệ được điều về Trường Sĩ quan Biên phòng giữ chức Phó Trưởng phòng Huấn luyện và được đưa đi đào tạo cán bộ trung cao cấp Biên phòng Liên bang Nga (Liên Xô trước đây). Được đào tạo ở nước ngoài về, cùng với những kiến thức, kinh nghiệm từng trải trong chiến đấu, trong giảng dạy ở nhà trường nhiều năm, ông được bổ nhiệm chức Trưởng phòng Huấn luyện và sau đó giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Ông tiếp tục phát huy khả năng của mình, có những đóng góp quan trọng trong đổi mới công tác giáo dục đào tạo của nhà trường. Năm 1991, ông được bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng. Năm 1999 ông được bổ nhiệm Tham mưu trưởng; năm 2000 được bổ nhiệm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng.

Trung tướng Tăng Huệ là một trong những cán bộ gắn bó nhiều năm với công tác Tham mưu biên phòng. Khởi nguồn đưa ông vào nghề và đào tạo cho ông nguồn hứng khởi đam mê với công tác tham mưu biên phòng chính là những năm tháng ông làm giảng viên Khoa Biên phòng của Trường Sĩ quan Biên phòng.

Với những chuyến đi thực tế nắm bắt tình hình, học tập kinh nghiệm ở đơn vị cơ sở và nghiên cứu những tài liệu, bài viết của các thế hệ đi trước đã giúp ông nhận thức sâu sắc hơn về công tác tham mưu biên phòng. Khi được hỏi trong suốt thời gian được giao trọng trách Phó tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng rồi Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, ông có cảm nhận gì về công tác tham mưu biên phòng và hoạt động của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng? Ông nói: Trong khoảng thời gian ông được đảm nhiệm các cương vị trên từ năm 1990 đến năm 2004 tình hình biên giới trên đất liền, trên biển diễn biến khá phức tạp. Hoạt động lấn chiếm biên giới, vi phạm quy chế biên giới xảy ra thường xuyên, nhất là trên biên giới phía Bắc. Hoạt động của các loại tội phạm nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu ngày càng gia tăng, phức tạp tác động xấu đến an ninh trật tự ở biên giới, đòi hỏi cơ quan Tham mưu phải nhạy bén, bám sát tình hình thực tiễn trên các tuyến biên giới, các sự việc xảy ra để nghiên cứu, phân tích, nhận định, đánh giá và tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm quy chế biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia....

Trong công tác xây dựng lực lượng, là người trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện chiến đấu, pháp chế, khoa học, ông đã cùng với các phòng chức năng của Bộ Tham mưu, các cục, nhà trường nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các tài liệu, giáo trình theo hướng sát với nhiệm vụ công tác biên phòng, sát tình hình thực tế trên các tuyến biên giới, gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan với nhà trường và đơn vị. Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh "thực hiện nghiêm nề nếp sinh hoạt chính quy theo điều lệnh, xây dựng đơn vị vững mạnh theo quy định thống nhất của Bộ; khắc phục những hạn chế, yếu kém về kiến thức quân sự, kỹ năng chiến đấu và nhận thức thiên lệch nặng về nghiệp vụ, nhẹ về quân sự ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ", trên cương vị được giao, ông đã cùng cơ quan nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh các chương trình, nội dung huấn luyện phù hợp với tình hình thực tế và chỉ đạo chung của Bộ.

Thực hiện quy trình tổ chức huấn luyện của Bộ và để hội nhập với các đơn vị toàn quân trong diễn tập quân sự, ông đã cùng cơ quan dành nhiều công sức biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức diễn tập, chuẩn bị thao trường, bãi tập, xây dựng nội dung diễn tập với các cấp độ, quy mô khác nhau phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Ông trực tiếp chỉ đạo làm điểm ở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức diễn tập "chỉ huy tham mưu một bên trên bản đồ có kết hợp thực binh", đã huy động tất cả các phòng, ban cơ quan của Bộ chỉ huy và một số đồn Biên phòng, đơn vị cơ động tham gia.

Từ chỉ huy trưởng đến cán bộ các phòng, ban, cơ quan, đơn vị đều phải thực hiện đúng chức trách chỉ huy trong giai đoạn chuẩn bị chiến đấu cơ động lực lượng, thực hành chiến đấu và kết thúc chiến đấu theo điều lệ công tác tham mưu tác chiến của Bộ. Trong diễn tập, mọi hoạt động của người chỉ huy cơ quan, đơn vị đều phải phù hợp với điều kiện thời chiến như hành quân bộ đảm bảo bí mật ra khu tập kết, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, tổ chức cảnh giới, trinh sát nắm địch...

Bằng sự nỗ lực của mình, ông đã góp phần quan trọng hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập, được ban chỉ đạo diễn tập của Bộ đánh giá cao. Qua đó, công tác huấn luyện của Bộ đội Biên phòng từng bước được nâng lên rõ rệt, trình độ chỉ huy của cán bộ các cấp và kỹ năng chiến đấu của bộ đội, nền nếp, chính quy ngày càng chuyển biến tốt. Sự hội nhập cùng đồng hành và mối quan hệ với các quân khu, quân binh chủng thêm gắn kết, tạo thuận lợi cho Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo ổn định phát triển cả trước mắt và lâu dài.

Nhắc lại chủ trương trước đây về việc đưa nội dung công tác biên phòng vào chương trình đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội, ông trao đổi với chúng tôi: "Trung tướng Trịnh Trân (Tư lệnh Bộ đội Biên phòng từ 1990 đến 1996) là người khởi xướng chủ trương được cấp trên chấp thuận đưa vào chương trình đào tạo của các nhà trường Quân đội, trước hết là Học viện Quốc phòng nhằm trang bị những kiến thức cần thiết về lãnh thổ, biên giới quốc gia, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới và các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác biên phòng...".

Đây quả là một việc lớn rất hệ trọng, làm được sẽ góp phần quan trọng trang bị những kiến thức về công tác biên phòng và tăng thêm sự hiểu biết sâu sắc hơn, rộng rãi hơn, thuận lợi hơn nhiều, tạo nên sự ổn định và phát triển vững chắc của Bộ đội Biên phòng, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc ở biên giới. Bởi Học viện Quốc phòng là cơ sở chuyên đào tạo cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang nhân dân và trang bị kiến thức quân sự cho cán bộ cấp cao của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Học viện Quốc phòng cũng là nơi đào tạo cán bộ cao cấp về quân sự cho các nước bạn.

Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh mà trực tiếp là Trung tướng, Tư lệnh Trịnh Trân giao cho Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Phạm Hữu Bồng và Phó tham mưu trưởng Tăng Huệ thực hiện chủ trương này. Với quyết tâm cao, ông Phạm Hữu Bồng và ông Tăng Huệ vừa thường xuyên xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh, vừa trực tiếp quan hệ với các cơ quan chức năng của Bộ, của Học viện Quốc phòng và anh em bạn bè, đồng nghiệp nhờ giúp đỡ. Sau một thời gian công phu chuẩn bị chu đáo về nội dung, chương trình, giáo viên... báo cáo đề nghị của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã được Bộ Quốc phòng, Học viện Quốc phòng đồng ý đưa nội dung công tác biên phòng vào chương trình đào tạo, bổ túc của Học viện Quốc phòng. Đây là một việc vừa mới, vừa khó. Nhưng giới thiệu nội dung ấy cho các lớp học viên, với đối tượng đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý có tầm cỡ lại còn khó hơn nhiều. Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng là người đầu tiên trực tiếp giới thiệu cho các lớp đào tạo, bổ túc của Học viện Quốc phòng. Năm 1996, Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng được bổ nhiệm Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Việc giới thiệu nội dung công tác biên phòng ở Học viện Quốc phòng do đồng chí Tăng Huệ đảm nhiệm. Ông đã tận dụng, phát huy tốt những kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều năm làm công tác giảng dạy với bề dày kinh nghiệm từng trải trong công tác biên phòng để truyền đạt một cách nhuần nhuyễn. Trong giới thiệu thuyết trình nội dung, ông luôn chú trọng cập nhật tình hình thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ trên các tuyến biên giới, vùng biển, đảo, hoạt động của Bộ đội Biên phòng; cơ sở khoa học, yêu cầu khách quan về tổ chức, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy của Bộ đội Biên phòng... Bởi vậy, những giờ lên lớp của ông luôn hấp dẫn, gây ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc cho học viên nhiều khóa mà ông được giới thiệu.

Thực hiện kế hoạch công tác của Bộ Quốc phòng, từ ngày 7-3 đến 17-3-2004, Đại tướng Phạm Văn Trà, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đi kiểm tra, nắm tình hình biên giới từ Sơn La đến Thừa Thiên Huế. Cùng đi với Bộ trưởng có thủ trưởng các cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Văn phòng Bộ. Đồng chí Tăng Huệ được Bộ tư lệnh cử tham gia đoàn công tác. Trong chuyến đi này, ông đã chủ động báo cáo, đề xuất và được Bộ trưởng đồng ý để đoàn vào thăm, kiểm tra 14 đồn, 1 tiểu khu biên phòng, 1 tiểu đoàn huấn luyện, 2 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, gặp gỡ cán bộ và nhân dân ở một số huyện, xã biên giới. Qua quá trình làm việc với các địa phương và trực tiếp xem xét tình hình thực tế, Bộ trưởng kết luận: "Bộ đội Biên phòng có vai trò rất quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ biên giới, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở các xã biên giới".

Đó là những căn cứ thiết thực để Bộ trưởng và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng hiểu sâu hơn trong thực tế về chức năng, nhiệm vụ và sự cần thiết phải giữ ổn định hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng, tạo thêm sự thuận lợi cho sự thống nhất của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới với Bộ Chính trị trong phiên họp ngày 28-10-2004. Báo cáo này là cơ sở quan trọng để ngày 22-12-2004, Bộ Chính trị ra thông báo Kết luận số 165, khẳng định: Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng như Nghị quyết 11 ngày 8-8-1995 của Bộ Chính trị đã xác định.

Với trọng trách Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ông tiếp nối công việc của người tiền nhiệm một cách liên tục và mạnh dạn đổi mới, đi sâu, xác định và chỉ đạo triển khai các trọng tâm công tác, vừa đúng vừa trúng trong từng giai đoạn cụ thể và hằng năm đưa lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực công tác của Bộ đội Biên phòng.

Trước hết là tập trung thực hiện tốt Thông báo kết luận 165 của Bộ Chính trị về tổ chức của Bộ đội Biên phòng. Bằng những việc làm cụ thể, ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh tập trung chỉ đạo, xây dựng lực lượng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước hết, tiếp tục coi trọng và phát huy truyền thống mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã dày công xây dựng. Phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội Biên phòng trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, thông qua việc đổi mới các hình thức, tiến hành đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, đặc biệt là biện pháp trinh sát và biện pháp vận động quần chúng được ông luôn coi trọng chỉ đạo sát sao để nắm tình hình sâu rộng và phát huy cao độ vai trò quần chúng nhân dân trong các địa bàn biên phòng. Trong đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, ông đã chỉ đạo triển khai mở nhiều đợt cao điểm tấn công vào những địa bàn trọng điểm, đạt nhiều thành tích quan trọng, được các cấp từ Trung ương đến địa phương đánh giá cao.

Với tác phong làm việc sâu sát, cụ thể, ông vừa chỉ đạo cơ quan vừa trực tiếp nghiên cứu, soạn thảo văn bản, xin ý kiến cấp trên với mong muốn thực hiện được nội dung nhiệm vụ đã xác định. Nhiều việc lớn rất khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, song với cách làm đó, ông đã thành công, như việc đề xuất và được Tổng Tham mưu trưởng đồng ý ký ban hành Chỉ thị "Bộ Tư lệnh các quân khu ký hiệp đồng phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng". Nghiên cứu đề xuất của ông được Bộ Quốc phòng, Chính phủ chấp thuận Dự án xây dựng đường tuần tra biên giới, danh mục đầu tư xây dựng cơ bản trong Bộ đội Biên phòng.

Kết quả thực hiện đã cải thiện chuyển đổi về chất mối quan hệ giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng quân sự, công an, các ngành chức năng, các địa phương, tạo thuận lợi cho Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ, phát huy sức mạnh toàn dân trong quản lý, bảo vệ biên giới. Trên các tuyến biên giới có nhiều nơi xa xôi, heo hút, hiểm trở, đã có con đường; các cụm dân cư trên biên giới có trường học, có trạm y tế và nhiều công trình dân sinh thiết thực, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đồng thời ông luôn chú trọng chăm lo việc kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng quy hoạch, biểu tổ chức biên chế của các cơ quan, đơn vị từ Bộ Tư lệnh đến các đồn, trạm biên phòng, hệ thống nhà trường, trung tâm huấn luyện, đơn vị cơ động… trình Bộ phê duyệt, đảm bảo sự ổn định lâu dài, vững chắc.

Thời kỳ này, hệ thống các nhà trường, trung tâm huấn luyện trong Bộ đội Biên phòng được kiện toàn và nâng cấp. Trường Đại học Biên phòng được nâng cấp thành Học viện Biên phòng. Ba trường sơ cấp nghiệp vụ được nâng cấp thành trung cấp. Hai trung tâm huấn luyện được thành lập thêm ở Quảng Nam và Tây Ninh. Các tiểu đoàn huấn luyện, cơ động thuộc Bộ Chỉ huy các tỉnh, thành cũng được thành lập.

Cùng với quá trình được nâng cấp đào tạo, Học viện Biên phòng và các trường, trung tâm huấn luyện được đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập khá hơn trước. Chế độ, chính sách đảm bảo tốt hơn.

Với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nói chung, ông có tầm nhìn xa trông rộng. Ông quan tâm đến việc nâng cao trình độ học vấn, nhất là đào tạo theo chức danh và việc bố trí sử dụng theo năng lực, trình độ được đào tạo. Theo ông, dù ở bất cứ lĩnh vực công tác nào, mọi người cũng rất cần phải học hỏi không ngừng, khiêm tốn và cầu thị. Với nhận thức đó, ông khuyến khích anh em cán bộ cơ quan, nhà trường, cán bộ công tác ở cửa khẩu học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn nghiệp vụ. Bản thân ông rất tích cực học hỏi và đã thành công khi giới thiệu nội dung công tác biên phòng ở các lớp học của Học viện Quốc phòng, báo cáo tình hình biên giới với cấp trên, thuyết trình đề tài khoa học trên máy tính, máy chiếu rất hiệu quả, truyền tải nội dung hết sức thuyết phục.

Trong bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ các cấp, ông cùng tập thể Đảng ủy, Thường vụ và Bộ tư lệnh đã tính toán quy hoạch thận trọng, tiến hành đúng nguyên tắc, công tâm và khách quan... Chủ động đề xuất và được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, phê duyệt cho triển khai thực hiện. Công tác này bảo đảm nguồn kế cận kế tiếp ở các cương vị từ Bộ tư lệnh đến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trực thuộc đều có lứa lớp và gắn với nhân sự cấp ủy. Đồng thời ông tiếp tục tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương và thống nhất với các Tỉnh ủy cần có cơ cấu nhân sự Biên phòng tham gia cấp ủy các tỉnh, thành, nơi có Bộ đội Biên phòng. Công việc có tầm chiến lược này đã đạt được những kết quả đáng mừng.

Trong công tác đào tạo, trên cơ sở nghị quyết Đảng ủy, trên cương vị Tư lệnh, Trung tướng Tăng Huệ chú trọng cùng tập thể Thường vụ, Bộ tư lệnh chỉ đạo triển khai xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo của các nhà trường trong lực lượng ở các góc độ khác nhau, đồng thời gửi cán bộ đi học các trường trong và ngoài Quân đội đào tạo thường xuyên ở nhiều lĩnh vực. Ông coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ làm cơ sở đề nghị Chính phủ, Nhà nước phong học hàm phó giáo sư; chuẩn bị đủ điều kiện để đề nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng cho phép Học viện Biên phòng được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Biên phòng.

Cùng thời điểm này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh đã chủ động đề xuất và được Chính phủ, Bộ Quốc phòng chấp thuận cho nâng trần cấp hàm đối với nhiều chức danh sĩ quan; chuyển đổi công nhân viên quốc phòng đủ tiêu chuẩn thành sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và quan tâm triển khai nghiêm túc công tác tổ chức huấn luyện chính trị, nghiệp vụ, điều lệnh, điều lệ, chiến thuật quân sự theo quy định. Việc dạy nghề, tìm việc làm cho các chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự cũng được ông quan tâm triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng nguyên tắc, không có những biểu hiện tiêu cực. Tổ chức lực lượng giữ được ổn định về mọi mặt, công tác lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, chính quy hơn. Nội lực và tiềm lực của Bộ đội Biên phòng ngày càng vững mạnh.

Trước những khó khăn về nơi ăn, chốn ở của bộ đội, ông đã nhạy bén tham mưu đề xuất với Bộ Quốc phòng, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của các địa phương từ nhiều nguồn kinh phí, đảm bảo cho việc xây dựng cơ bản ở tất cả các đơn vị, nhà trường, từ Bộ tư lệnh đến đồn, trạm biên phòng. Việc lập dự án xây dựng sở Chỉ huy của Bộ tư lệnh ở Hà Nội, xây dựng cơ bản cho Học viện Biên phòng, Trường 24, Trường Trung cấp Nghiệp vụ 1, Trung tâm Huấn luyện và một số đơn vị trọng điểm khác được ông quan tâm chỉ đạo đúng mức, đạt hiệu quả cao.

Trong xây dựng cơ quan Bộ tư lệnh vững mạnh toàn diện, nhất là năng lực làm tham mưu cho Đảng ủy và Bộ tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ, cùng với Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh, ông đặc biệt coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị. Cùng với Phó tư lệnh Chính trị, ông đã chỉ đạo nhiều nội dung thiết thực trong học tập chính trị, giáo dục truyền thống, xây dựng bản lĩnh. Mặc dù bận nhiều công việc của người chỉ huy, nhưng ông vẫn dành thời gian, thành chế độ mỗi tháng một lần trực tiếp nói chuyện thời sự, thông báo chính trị với cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ tư lệnh. Mỗi lần đi công tác ở các tỉnh, ông đều bố trí đến thăm các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ nghỉ hưu và anh em có hoàn cảnh khó khăn. Ông nhắc cán bộ chỉ huy các cơ quan, đơn vị, các đồng chí làm công tác cán bộ, chính sách luôn phải quan tâm đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ của mọi người, quan tâm thăm hỏi động viên các đồng chí thuộc diện chính sách. Trong chỉ đạo công tác chính trị, ông luôn chú trọng công tác động viên, khích lệ, đùm bọc, yêu thương đồng chí, đồng đội; xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, giúp đỡ nhau chí tình, chí nghĩa.

Công tác nghiên cứu khoa học cũng được ông quan tâm chỉ đạo và từng bước đưa vào nền nếp, chất lượng nghiên cứu các đề tài khoa học ngày càng được nâng lên, đồng thời ông cũng trực tiếp làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học, tham gia một số đề tài khác và hướng dẫn một số nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ. Ngoài ra ông còn nhiều bài viết được đăng tải trên các tạp chí lý luận trong và ngoài lực lượng.

Trưởng thành từ chiến sĩ, cả cuộc đời gắn bó với lực lượng, những chuyện kể của ông thật sinh động, tô đậm thêm những khoảnh khắc, điểm mốc lịch sử một thời của Bộ đội Biên phòng...

Tạm biệt ông, chúng tôi nhớ mãi hình ảnh người chỉ huy giàu nghị lực, năng động, gần gũi, yêu thương chiến sĩ và tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ biên giới.

THANH LÊ