Đề thi các môn tổ hợp Khoa học xã hội có sự phân hóa rõ rệt

Chia sẻ với Người Đưa Tin, thí sinh Ngọc Hoa, dự thi tại điểm thi Trường THPT Thủ Đức (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết, đề các môn tổ hợp Khoa học xã hội nhìn có vẻ dễ. Tuy nhiên, để đạt điểm cao, trúng tuyển vào các trường đại học top đầu của tổ hợp Khoa học xã hội thì đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức vững, có sự đầu tư kỹ lưỡng. Theo Ngọc Hoa, với đề thi này, để đạt mức điểm trung bình khá trở lên thì dễ, nhưng đạt mức điểm cao sẽ không đơn giản.

Cô Phạm Thị Luyến, Tổ trưởng môn Giáo dục công dân, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, Tp.HCM) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân năm nay theo đúng cấu trúc của đề minh họa. 90% là kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, còn 10% là kiến thức của chương trình lớp 11. Học sinh nếu học bài sẽ được 8 điểm trở lên.

Trong đề thi có một số câu tình huống áp luật học sinh phải đọc kỹ đề thi, xác định đúng yêu cầu của đề để tránh bị nhầm lẫn đáng tiếc. Những câu khó của đề thường rơi vào bài 2, 4, 6, 7 của lớp 12. Còn kiến thức lớp 11 chủ yếu là nhận biết và thông hiểu. Đề thi năm nay có một số câu hỏi mang tính nhận đinh đúng, sai. Đó là điểm hơi khác với đề thi mấy năm trước.

Thí sinh thi các môn tổ hợp tự nhiên và xã hội ngày 28/6 tại Tp.HCM.

Theo cô Luyến, dự báo điểm thi năm nay cũng không có nhiều biến động so với các năm trước.

Về môn Địa lý, cô Phan Thị Xuyến, Tổ trưởng tổ Địa lý Trường THPT Bùi Thị Xuân nhận xét, với 40 câu trắc nghiệm, đề thi môn Địa lý có nội dung lý thuyết nằm hoàn toàn trong chương trình Địa lý lớp 12, có 2 câu kỹ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ chương trình lớp 11.

Phần lý thuyết có 21 câu, phần kỹ năng đặc thù bộ môn có 19 câu. Câu hỏi được sắp xếp theo mức độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao giúp thí sinh tránh hoang mang, mất bình tĩnh khi làm bài. Đồng thời nội dung và yêu cầu của đề thi đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của ỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH.

Thí sinh làm thủ tục trước khi bước vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Tp.Thủ Đức.

Đề có sự phân hóa, học sinh làm tốt các câu kỹ năng địa lý và kiến thức lý thuyết cơ bản là có thể làm được 7 đến 7,5 điểm. Nói chung, đề năm nay không quá khó nhưng để đạt điểm tuyệt đối cũng không dễ.

Với thí sinh muốn đạt điểm cao hơn cần làm tốt 10 câu cuối thuộc phần vận dụng và vận dụng cao (từ câu 71 đến câu 80). Những câu này đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết bài học mà còn cần có tư duy logic tốt, có kiến thức xã hội sâu rộng và có năng lực giải quyết vấn đề.

Giáo viên Phan Thị Xuyến nhận xét những câu hỏi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam năm nay giống năm ngoái. Đề bài không ghi rõ số trang mà ghi tên trang Atlat học sinh cần sử dụng. Vì vậy, để chọn được đáp án đúng và nhanh, thí sinh cần nắm nội dung các trang Atlat thể hiện hoặc đọc nhanh trang mục lục. Phần này năm ngoái gây lúng túng cho thí sinh nhưng năm nay đề tham khảo đã thể hiện rõ nên chắc các em sẽ làm tốt.

Thí sinh tự tin trước khi bước vào tổ hợp các môn Khoa học xã hội.

Phần biểu đồ và bảng số liệu thí sinh cần nhớ công thức tính tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và có kỹ năng xử lý để rút ra nhận xét chính xác. Ngoài ra, thí sinh cần nắm vững dấu hiệu nhận biết đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và chọn đúng biểu đồ thích hợp.

Ở môn Lịch sử, thầy Hồ Như Hiển, Trung tâm Tuyensinh247 nhận định, với đề thi năm nay, phổ điểm có thể đạt 7 điểm, với thí sinh học lực khá, giỏi có thể đạt 9-10 điểm. Nhìn chung, 40 câu hỏi tập trung vào kiến thức lịch sử lớp 12. Trong đó, có 26 câu thuộc (chiếm 65%) nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975; 4 câu thuộc chương trình lịch sử lớp 11. Đề thi bắt đầu phân hóa từ câu 30, phân hóa cao từ câu 33 đến câu 40.

Nguyễn Lành