Doanh nghiệp Việt sẵn sàng đón đầu thách thức nửa cuối năm 2024

Nền kinh tế giai đoạn này có thể nói là khó dự báo nhất từ trước tới nay

“Thế giới đang ở thời điểm rất dễ bị tổn thương và chỉ cần một cú sốc lớn liên quan đến vấn đề giá năng lượng thì có thể hủy hoại toàn bộ thành quả của việc kiềm chế lạm phát của chúng ta trong suốt những năm qua” – chia sẻ của nhà Kinh tế trưởng của Wall Bank.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú.

Đồng quan điểm về tính khó dự báo của nền kinh tế giai đoạn này, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú đưa ra quan điểm tại buổi tọa đàm Dự báo tình hình kinh tế 6 tháng còn lại của năm 2024 với Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội mới đây: “Trong năm nay, kinh tế sẽ không có nhiều biến động lớn, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng khoảng cộng trừ 5% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Trong đó, ông Nguyễn Xuân Phú nêu bật nhóm ngành dễ bị ảnh hưởng trong tình hình nền kinh tế khó đoán định hiện tại gồm xuất khẩu, logistics, dầu mỏ,…

Trong cái khó của ế giới thì Việt Nam vẫn là một điểm sáng

Đứng trước làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc, Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi là quốc gia giáp biên giới với Trung Quốc, có nguồn lao động trẻ với chi phí nhân công rẻ, là môi trường kinh doanh thuận lợi với địa chính trị ổn định.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú chia sẻ những nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Khắc Kiên

“Doanh nghiệp nào đón được làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc sẽ có những cơ hội phát triển mạnh. So với việc trước đây doanh nghiệp Việt Nam tập trung chủ yếu phục vụ thị trường trong nước thì khi đón được “sóng”, tham gia được vào chuỗi cung ứng, phục vụ cho các doanh nghiệp liên doanh, xa hơn là xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, hoặc các nước hiện áp thuế vào Trung Quốc, doanh nghiệp sẽ có bước tăng trưởng đột phá” – ông Nguyễn Xuân Phú chia sẻ.

Trong “cơ” có “nguy”, quan trọng là sẵn sàng và đón đầu

Để nắm bắt được những thuận lợi do làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, song vẫn duy trì doanh nghiệp ổn định trước những khó đoán định của tình hình kinh tế vĩ mô, bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp là tìm mọi cách tối ưu, thậm chí giảm chi phí nhằm tăng năng suất, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có chiến lược kinh doanh linh hoạt và hiệu quả đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó là tập trung vào đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng những cơ hội mới mà thị trường đang mở ra.

“Đây vẫn là đáy của nền kinh tế. Khi đã đầu tư vào đáy sẽ có hai chiều hướng là đi ngang và đi lên. Nếu như doanh nghiệp tồn tại được trong lúc này thì một vài năm nữa doanh nghiệp sẽ phát triển. 2024 là một năm rất tốt cho doanh nghiệp tập trung vào tái cấu trúc, tăng năng suất lao động, có những sản phẩm mới, giải pháp mới. Đó sẽ là tiền đề để tăng trưởng trong những năm tiếp theo” – Ông Nguyễn Xuân Phú khẳng định.

Khắc Kiên