Đông Âu chật vật tìm nguồn thay thế công nhân Ukraine do xung đột

Số lượng công nhân Ukraine tại nền kinh tế mới nổi của châu Âu đã tăng gấp 38 lần trong 13 năm qua. Ảnh: EPA

Các công trường xây dựng, dây chuyền lắp ráp nhà máy và nhà kho trên khắp các khu vực trung tâm của châu Âu đang phải tìm cách "lấp chỗ trống" do hàng chục nghìn người Ukraine bỏ việc lao động chân tay để trở về quê hương sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước họ.

Trong thập kỷ qua, công nhân Ukraine đã tràn sang trung tâm châu Âu - với sức hút từ mức lương cao hơn và được hỗ trợ bởi việc nới lỏng các yêu cầu về thị thực - làm những công việc được trả lương không đủ cao đối với công nhân địa phương trong lĩnh vực xây dựng, ô tô và công nghiệp nặng.

Nhưng hiện nhiều người trong số những công nhân Ukraine trên đã trở về quê hương kể từ khi xung đột nổ ra, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động ở một số nền kinh tế công nghiệp hóa nhất của châu Âu.

Trao đổi với Reuters, hàng chục giám đốc điều hành công ty, nhà tuyển dụng, cơ quan công nghiệp và nhà kinh tế ở Ba Lan và CH Séc, cho biết sự rút lui của công nhân Ukraine đang dẫn đến chi phí tăng cao và sự chậm trễ trong các đơn đặt hàng sản xuất và lĩnh vực xây dựng.

Trước cuộc xung đột, người Ukraine là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất ở Đông Âu với Ba Lan và CH Séc tiếp nhận lực lượng lao động Ukraine lần lượt là khoảng 600.000 và hơn 200.000 người.

Những người sử dụng lao động ở Ba Lan, đại diện cho 19.000 công ty, ước tính rằng khoảng 150.000 công nhân Ukraine, chủ yếu là nam giới, đã rời Ba Lan kể từ khi xung đột nổ ra.

Wieslaw Nowak, Giám đốc điều hành của tập đoàn xây dựng đường xe điện và đường sắt Ba Lan ZUE Group, cho biết một trong những nhà thầu phụ của họ gần đây đã không thể hoàn thành công việc liên quan đến việc lắp đặt đường ray vì gần như toàn bộ 30 công nhân Ukraine đã rời đi.

Ông Nowak cho biết: “Nhiều công ty đang tìm kiếm công nhân trên quy mô lớn cho các công trường xây dựng khác nhau. Việc thiếu hụt nhân lực chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí và tốc độ thi công bởi vì khi mất vài chục công nhân cùng lúc thì việc bổ sung sẽ cần nhiều thời gian”.

Trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết vào tháng 6, dòng người sơ tán/tị nạn Ukraine dự kiến sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động trong khu vực Eurozone, thì điều ngược lại dường như đang xảy ra ở các nền kinh tế công nghiệp hóa của châu Âu.

Hàng trăm ngàn người sơ tán và tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đến khu vực này không phải đều phù hợp với nhiều vị trí còn trống. Thông thường, các công việc thuộc những lĩnh vực đòi hỏi sức khỏe và thể chất như xây dựng, sản xuất hoặc xưởng đúc, luật pháp có quy định giới hạn về số lượng lao động nữ.

Do đó, các công ty đang nỗ lực tìm ra những cách sáng tạo để lấp đầy khoảng trống về lực lượng lao động của họ, như từ đào tạo phụ nữ tị nạn vận hành xe nâng đến tuyển dụng công nhân mới ở châu Á.

Nhưng đối với nhiều công ty vốn đang vật lộn để phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19, cũng như đang phải đối mặt với chi phí năng lượng và lạm phát tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine, tình trạng khan hiếm lao động đột ngột đặt ra một thách thức nghiêm trọng.

Radek Spicar, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Séc, nói: “Việc thiếu hụt công nhân Ukraine đã làm sâu sắc thêm các vấn đề mà các công ty đang phải đối mặt. Các công ty cho biết họ không thể đáp ứng tất cả nhu cầu từ các đối tác kinh doanh: phải giao hàng chậm trễ và phải trả tiền phạt”.

Với sản xuất công nghiệp đóng góp tới 30% GDP, CH Séc được xếp hạng là quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu của EU, trong khi Ba Lan cũng theo sát phía sau với 25%.

Trước cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhà tuyển dụng Hofmann Personal có trụ sở tại Đức đã nhận hồ sơ của hơn 1.000 người Ukraine để đến CH Séc lao động, chủ yếu cho các công việc trong lĩnh vực ô tô, hậu cần và sản xuất.

Gabriela Hrbackova, Giám đốc điều hành của Hofmann Personal tại CH Séc cho biết, công ty hiện đang phải vật lộn để lấp đầy những chỗ trống đó. CH Séc có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong EU, chỉ 3,1%.

Bà Hrbackova lưu ý: “Nếu điều này không được giải quyết nhanh chóng và việc tuyển dụng lao động nước ngoài không được tăng cường, nó sẽ có những tác động lớn, đặc biệt là đối với các công ty sản xuất. Nhiều công ty thiếu hàng trăm nhân viên cho các vị trí điều hành sản xuất, các vị trí sản xuất cần kỹ năng như thợ hàn, vận hành (máy), công nhân kim loại và lái xe nâng”.

Các nhà điều hành và các nhóm thương mại cho biết tác động của việc công nhân Ukraine rời đi đang được cảm nhận đặc biệt nghiêm trọng ở những quốc gia châu Âu mới nổi vì khu vực này kém tự động hóa hơn so với các nền kinh tế phát triển hơn trong EU, chẳng hạn như Đức.

Đối với Scanfil — một công ty Phần Lan chuyên sản xuất, lắp ráp và gia công sản xuất thiết bị điện tử - việc thiếu hụt công nhân bất ngờ ở thị trường lao động ở Ba Lan, nơi công ty có hoạt động, đã củng cố các kế hoạch đẩy mạnh tự động hóa.

Nhưng Magdalena Szweda, Giám đốc nhân sự của Scanfil Ba Lan ở Myslowice cho biết: “Chúng tôi có thể tự động hóa ở một số vị trí nhưng không phải ở mọi nơi. Chúng tôi vẫn có nhu cầu ở nhiều lĩnh vực cần lao động trực tiếp của con người và hiện vấn đề này rất khó để giải quyết”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Reuters)