Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với nỗ lực giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh ắc Kạn, thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, tỉnh Bắc Kạn đã được cấp có thẩm quyền thông qua tổng số vốn năm 2022 và 2023 là hơn 1,300 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là hơn 812 tỷ đồng. Đến ngày 30/9/2023, toàn tỉnh giải ngân được hơn 470 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch.

Thực hiện 10 dự án thành phần của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, từ đầu năm đến nay, các địa phương tích cực rà soát đối tượng thụ hưởng, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con; thi công các gói thầu dự án bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Chương trình đã tổ chức thẩm định, giải ngân các tiểu dự án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ; khảo sát, đầu tư xây dựng, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế; thi công kiên cố hóa một số tuyến đường giao thông đến trung tâm xã tại 7 huyện trong tỉnh.

Tuy nhiên, nhiều hạng mục có tỉ lệ giải ngân thấp và cũng chiếm số vốn lớn nhất thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 về Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân với tổng vốn chuyển tiếp từ 2022 và của 2023 là hơn 177 tỉ đồng.

Một trong những nguyên nhân được đánh giá đó là hiện các xã không có đủ cán bộ chuyên môn. Lĩnh vực lâm nghiệp trước đây do lực lượng Kiểm lâm chủ trì triển khai và Kiểm lâm đã làm chủ đầu tư các dự án phát triển rừng giai đoạn trước. Nay theo Thông tư 12 của Bộ NN&PTNT giao cho xã làm chủ đầu tư dẫn tới nhiều vướng mắc phát sinh.

Với Tiểu dự án Hỗ trợ triển sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng hiện cũng khó thực hiện do vướng dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi vẫn có chiều hướng tiếp tục lan diện rộng. Do đó, 9 tháng đầu năm, Bắc Kạn mới chỉ giải ngân khoảng 5% trong số 120 tỉ đồng vốn của năm 2023. Ngoài ra, còn một số dự án vướng mắc trong thủ tục đầu tư, thiếu cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ, nhất là tại các địa phương cấp xã.

Trước những khó khăn, vướng mắc của từng địa phương khi thực hiện các nguồn vốn sự nghiệp, giải ngân vốn Chương trình MTQG, các ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn đã thống nhất đề ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ như thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân đối với Chương trình MTQG và chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảm bảo thực hiện đúng, hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Theo bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn: Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã cơ bản hoàn thiện các văn bản hướng dẫn chi tiết cho các địa phương áp dụng, triển khai. Đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương có các giải pháp quyết liệt hơn trong đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

“Sau khi đã có hướng dẫn chi tiết của ngành tài chính và cơ quan chuyên môn, vướng ở đâu thì Văn phòng điều phối Chương trình MTQG sẽ thành lập một đoàn nữa để đi kiểm tra, đôn đốc. Chúng tôi sẽ không đi kiểm tra đại trà, mà sẽ đến các đơn vị còn gặp khó khăn. Chỗ nào chưa gỡ được, chúng tôi tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, các đơn vị chủ đầu tư dự án đôn đốc, hướng dẫn sát hơn nữa”, bà Triệu Thị Thu Phương cho hay.

Đề nghị các đơn vị, địa phương chỉ đạo sâu sát hơn, quyết liệt hơn việc thực hiện Chương trình MTQG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đề nghị, những nội dung đã rõ không vướng mắc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Các huyện, chủ đầu tư thực hiện quyết liệt giải ngân, khẩn trương thanh toán theo giai đoạn; tăng cường hỗ trợ các xã lập hồ sơ thanh quyết toán. Dự án nào không có khả năng triển khai theo tiến độ có thể điều chuyển nguồn kinh phí đầu tư theo quy định. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án; rà soát lại toàn bộ các dự án, tiểu dự án phát hiện chậm ở khâu nào, ngành nào chịu trách nhiệm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo đúng quy định, hoàn thành mục tiêu Chương trình, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương.../.