Giới đầu tư nản chí với Fed, chứng khoán Mỹ tụt dốc thảm

Boeing là cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên Dow Jones trong phiên ngày 23/5. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones sụt 605,78 điểm (tương đương 1,53%) xuống 39.065,26 điểm, chứng kiến phiên tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay. là cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên Dow Jones trong phiên này khi lao dốc 7,6%.

Hai chỉ số S&P 500 và Composite có lúc lập kỷ lục nội phiên nhưng cuối cùng vẫn chốt phiên trong sắc đỏ. Cụ thể, S&P 500 mất 0,74% còn 5.267,84 điểm và Nasdaq Composite giảm 0,39% về mức 16.736,03 điểm.

Cổ phiếu của “ông lớn” chip Nvidia tăng 9,3%, đưa trị giá cổ phiếu này lên 1.000 USD, sau khi công bố kết quả lợi nhuận quý 1 cao hơn kỳ vọng.

Triển vọng doanh thu quý 2 của Nvidia là 28 tỷ USD - cũng khả quan hơn mức dự báo 26,61 tỷ USD từ LSEG – một dấu hiệu cho thấy công ty không nhận thấy đà tăng trưởng của mình đang chậm lại. Về lợi nhuận, các chuyên gia phân tích dự báo lợi nhuận đạt 595 USD/cổ phiếu.

Kết quả kinh doanh của Nvidia đã trở thành tâm điểm trên sàn Phố Wall, khi giới đầu tư hy vọng vào những dấu hiệu cho thấy cơn sốt đối với lĩnh vực í tuệ nhân tạo (AI) chưa sớm hạ nhiệt. Với mức vốn hóa thị trường hơn 2,5 nghìn tỷ USD, Nvidia cũng có sức ảnh hưởng đáng kể đối với chỉ số S&P 500.

Tuy nhiên, do tình trạng cổ phiếu bị bán trên diện rộng trong phiên ngày thứ Năm, đà tăng mạnh của cổ phiếu Nvidia không đủ sức để làm trụ cho toàn thị trường. Hơn 400 cổ phiếu thành viên của chỉ số S&P 500 chốt phiên trong sắc đỏ, và duy nhất chỉ có nhóm công nghệ thông tin tăng điểm.

Các số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo cũng được xem là tin xấu và gây áp lực giảm lên thị trường trong phiên, vì điều này khiến nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng ục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào tháng 9.

Dữ liệu sản xuất và dịch vụ (PMI) tháng 5 đều cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, theo khảo sát nhà quản lý mua hàng từ S&P Global công bố hôm 23/5.

Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/5 là 215.000 đơn, thấp hơn so với con số dự báo 220.000 đơn từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Kết quả này làm tăng thêm lo ngại của nhà đầu tư rằng Fed sẽ không sớm đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm nay.

Theo công cụ CME FedWatch, nhà đầu tư hiện đang dự báo xác suất 51% Fed sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 9, giảm so với tỷ lệ 58% cách đây một ngày và gần 68% trong tuần trước.

Theo Giám đốc đầu tư Craig Johnson tại Piper Sandler, nền tảng của thị trường cổ phiếu hiện không vững chắc. Ông Johnson nêu rõ: “Sự kết hợp kỳ lạ của những cổ phiếu dẫn đầu cùng với sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu vận tải khiến chúng tôi không quá tự tin rằng thị trường Phố Wall sẽ tiếp tục duy trì đà tăng”.

Trước đó, mối lo lãi suất cao sẽ được duy trì lâu hơn đã xuất hiện trong phiên ngày thứ Tư, sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 5 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vẫn lo ngại rằng lạm phát chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Theo kết quả khảo sát của Charles Schwab, tâm lý lạc quan của các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán đi xuống trong quý 2. Cuộc khảo sát cho thấy triển vọng lạc quan của các nhà giao dịch trong quý 2 chỉ đạt 46%, thấp hơn mức 53% trong quý 1.

“Thị trường đã lập kỷ lục trong thời gia gần đây, với định giá cổ phiếu bị kéo căng quá mức. Chỉ số PMI nóng hơn dự báo càng củng cố lập trường cứng rắn của Fed. Do đó, sự chú ý của thị trường đã dịch chuyển khỏi Nvidia sang lo ngại về khả năng Fed giữ lãi suất cao lâu hơn” - chiến lược gia Ross Mayfield của công ty Baird nhận định với hãng tin Reuters.

Nguyễn Thu