Hướng về nguồn cội, đoàn kết xây dựng quê hương

Người dân huyệnTân Hiệp vệ sinh bên trong chánh điện của Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp để chuẩn bị lễ giỗ Tổ.

Mỗi năm, sắp đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hiệp Nguyễn Thanh Minh cùng các hội viên cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ và người dân trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp chung sức vệ sinh khu vực xung quanh đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp, tọa lạc khu phố Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp. Việc làm này nhằm góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp để góp phần tổ chức thành công lễ giỗ Tổ Hùng Vương.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hiệp Nguyễn Thanh Minh cho biết người dân Tân Hiệp rất tự hào vì trên địa bàn huyện có đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, là nơi để nhân dân hướng về cội nguồn dân tộc, thể hiện tấm lòng tri ân tổ tiên. Mỗi năm, ngày lễ giỗ Tổ nhắc nhở người dân về nguồn gốc con rồng cháu tiên, về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng nhau ra sức xây dựng, bảo vệ quê hương sao cho xứng đáng với công sức của cha ông đã gây dựng, bảo vệ non sông.

Người dân trưng bày mâm ngũ quả trong chương trình lễ giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2024 huyện Tân Hiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi - Trưởng Ban bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương Tân Hiệp cho biết cứ mỗi năm đến dịp lễ giỗ Tổ Hùng Vương, người dân trong và ngoài huyện tụ họp về đền. Người góp sức đổ bánh xèo phục vụ khách thập phương, người tặng nước uống miễn phí cho người dân đến lễ giỗ, người góp công, góp của trùng tu ngôi đền ngày càng trang nghiêm. “Không phân biệt già, trẻ, vùng, miền, tôn giáo…, tất cả đến dự lễ giỗ Tổ bằng tấm lòng thành kính và với tinh thần người Việt Nam chung một cội nguồn”, ông Nguyễn Ngọc Lợi nói.

Sự đoàn kết, tương trợ, giúp nhau của người dân Tân Hiệp có thể thấy rõ nét nhất trong hoạt động của hội viên cựu chiến binh huyện. Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hiệp có những mô hình góp vốn giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Chỉ tính riêng Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hiệp trong 5 năm qua đã phát động các chi hội thực hiện mô hình góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế được 118 triệu đồng, cho 23 lượt hội viên vay vốn không tính lãi để buôn bán, chăn nuôi, sản xuất… Từ năm 2022 đến nay, Hội Cựu chiến binh thị trấn Tân Hiệp không còn hội viên thuộc hộ nghèo, đời sống hội viên không ngừng nâng lên.

Hệ thống bơm điện giúp nông dân Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa, xã Tân Hội (Tân Hiệp) chủ động tưới tiêu cánh đồng hơn 600ha.

Sức mạnh cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết đã khiến cho người dân Tân Hiệp càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hăng hái thực hiện các phong trào thi đua do chính quyền địa phương, Mặt trận, các đoàn thể phát động. Về ấp Phú Hòa, xã Tân Hội (Tân Hiệp), chúng tôi thấy rõ sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế của nông dân nơi đây theo sự lãnh đạo của chính quyền địa phương. Từ những lão nông cho đến những chàng trai trẻ đôi mươi cùng nhau nghiên cứu, áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác lúa theo quy trình sản xuất hiện đại.

Anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa cho biết hợp tác xã hiện có hơn 600ha đất sản xuất lúa. Từ năm 2020 đến nay, hợp tác xã chuyển biến rõ nét trong áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Người trẻ am hiểu khoa học, công nghệ sẽ hướng dẫn người lớn tuổi, ngược lại những nông dân giàu kinh nghiệm sản xuất chia sẻ kinh nghiệm cho lớp trẻ. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa tham gia thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Lão nông U70 Hồ Văn Hướng - thành viên Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa với 40 năm sản xuất lúa cho biết: “Việc sản xuất lúa với nông dân ngày càng thuận lợi, ít tốn công lao động và đem lại thu nhập cao hơn, góp phần làm cho đời sống sung túc hơn, diện mạo nông thôn thêm phần khởi sắc”.

Cầu Kênh Zero là một trong những công trình giao thông trọng điểm của huyện Tân Hiệp được đưa vào sử dụng đầu năm 2024, góp phần quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện.

Theo UBND huyện Tân Hiệp, năm 2023 giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu trên địa bàn ước đạt 11.393 tỷ đồng. Các chính sách tháo gỡ khó khăn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được chỉ đạo thực hiện kịp thời, phát huy tác dụng tích cực, kinh tế từng bước phục hồi và phát triển, giá trị các ngành chủ yếu đạt và vượt so với kế hoạch. Thương mại, dịch vụ tăng mạnh, một số mặt hàng chủ lực của địa phương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Quý I-2024, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất một số ngành chủ yếu trên địa bàn ước đạt 3.361,61 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 5.362,87 tỷ đồng. Sản lượng lương thực cũng như giá lúa thương phẩm tăng hơn so với cùng kỳ, từ đó làm tăng thu nhập của người dân. Đến nay toàn huyện có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Bài và ảnh: TRÚC LINH