Lạc quan trong thận trọng

Lạm phát giảm, lãi suất đã đạt đỉnh?

Nền kinh tế thế giới đã có một năm 2023 với nhiều trở ngại từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng và ạm phát tăng vọt, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất lên mức rất cao.

Tuần trước, ục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất chính sách như dự báo, hiện ở mức cao nhất trong 22 năm là 5,25 - 5,50%. Ngân hàng Trung ương Anh cũng giữ lãi suất chính sách ở mức 5,25%, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu duy trì các hoạt động tái cấp vốn chính, cơ sở cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 4,50%, 4,75% và 4,00%.

Các ngân hàng trung ương, chủ yếu ở các nền kinh tế lớn, cho biết lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Số liệu gần đây cho thấy xu hướng lạm phát đã hạ nhiệt, hiện ở mức 2,4% tại Khu vực đồng euro (Eurozone), 3,1% tại Mỹ và 4,6% ở Anh.

Công nhân làm việc tại Nhà máy ô tô General Motors, Bang Michigan, Mỹ. Ảnh: AP

"Lạm phát đang giảm với tốc độ khác nhau ở các quốc gia khác nhau, nhưng xu hướng chung là giảm. Chúng ta đang tiến gần hơn đến điểm mà các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu hạ lãi suất và hy vọng rằng hầu hết các đợt tăng lãi suất đều đã qua" - Ken Wattret, Phó Giám đốc phụ trách kinh tế toàn cầu tại S&P Global Market Intelligence, nói.

Theo Wattret, đỉnh cao lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu đã qua và thị trường tài chính dự kiến sẽ cắt giảm sâu vào năm 2024, nhưng thừa nhận điều này sẽ khó diễn ra ngay lập tức, khi mà một trong các ngân hàng trung ương có thể sẽ muốn duy trì một số hạn chế nhất định trong chính sách tiền tệ của họ "cho đến giữa năm 2024 để giảm lạm phát".

Theo dự báo của S&P Global Market Intelligence, lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu hằng năm được dự đoán ở mức 4,7% vào năm 2024, giảm so với mức ước tính 5,6% vào năm 2023 và đạt mức cao nhất là 7,6% vào năm 2022.

Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng tại Ratings, nhận định lãi suất thực tế sẽ tăng cho đến năm 2024 do lạm phát chậm lại nhanh hơn lãi suất chính sách.

Ông nói: "Sau cuộc chiến lớn chống lạm phát trong hai năm rưỡi qua, các ngân hàng trung ương sẽ rất thận trọng khi đưa ra tuyên bố chiến thắng quá sớm, và do đó, sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một cách từ từ".

heo chuyên gia này, các nhà hoạch định "lo lắng về việc không thể đưa lạm phát trở lại mức 2% một cách bền vững hơn là sợ gây tổn hại cho tăng trưởng thông qua các chính sách quá thắt chặt".

Còn theo Ahmet Ihsan Kaya - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh (NIESR) - các quyết định của các ngân hàng trung ương về thời điểm và tốc độ bắt đầu cắt giảm lãi suất sẽ là một trong những động lực chính cho nền kinh tế toàn cầu trong năm tới.

"Mặc dù lạm phát chung đã giảm đáng kể, chủ yếu là do giá lương thực và năng lượng giảm, nhưng lạm phát cơ bản ở các nền kinh tế tiên tiến vẫn dai dẳng. Chúng tôi dự kiến rằng các ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức cao trong thời gian dài, và điều này ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024" - chuyên gia của NIESR cho biết.

Tuy nhiên, Antonio Afonso - giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế và Quản lý Lisbon - lưu ý rằng vẫn chưa chắc chắn liệu các ngân hàng trung ương có giữ lãi suất cao trong thời gian dài hay không, đặc biệt là khi Mỹ sắp tổ chức bầu cử Tổng thống.

Alexander Plekhanov, Giám đốc chương trình Tác động chuyển đổi và Kinh tế toàn cầu tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), thì chỉ ra vai trò quan trọng của chính sách tài khóa trong việc định hình sản lượng và giá cả. Theo ông, giá lương thực và năng lượng hiện đóng góp ít hơn 30% vào áp lực lạm phát trên một nhóm nền kinh tế rộng lớn, vì phần lớn giảm phát là do giá năng lượng giảm.

"Do đó, lập trường tiền tệ có thể phụ thuộc vào các lựa chọn chính sách tài khóa. Một số chính phủ có thể chịu đựng được sự gia tăng chi phí đi vay dễ dàng hơn những chính phủ khác - những chính phủ mà có nợ công cao. Thâm hụt ngân sách chính phủ cao hơn, nghĩa là chi tiêu nhiều hơn, có thể đồng nghĩa với việc lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn" - vị chuyên gia nhận định.

"Đừng quá lạc quan"!

Theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence, GDP thực tế hằng năm trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn là 2,3% vào năm 2024, so với mức ước tính 2,7% vào năm 2023. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm mạnh xuống 2,1% vào năm 2024, so với dự báo điều chỉnh là 2,9% cho năm 2023.

"Những tác động trễ của việc thắt chặt tiền tệ sẽ đè nặng lên tăng trưởng của Mỹ trong năm tới khi tín dụng chậm lại, đầu tư suy yếu và tăng trưởng thu nhập và lợi nhuận hộ gia đình giảm. Lãi suất thực cũng sẽ tăng do Fed chậm cắt giảm lãi suất trong khi lạm phát giảm" - chuyên gia Coulton của Fitch Ratings cho biết.

Theo chuyên gia Wattret từ S&P Global Market, vẫn còn một số cách để vượt qua lực cản chung đối với tăng trưởng kinh tế do lãi suất cao hơn và điều kiện tài chính kém thuận lợi hơn.

"Có lẽ đừng quá lạc quan rằng năm 2024 sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng tích cực. Mặc dù vậy, hy vọng một số trở ngại này sẽ giảm dần và khi chúng ta bước vào cuối năm, và khi đó triển vọng kinh tế có thể bắt đầu cải thiện" - ông nhận định.

Liên quan đến khả năng suy thoái của nền kinh tế số 1 thế giới đã được cảnh báo lâu nay, giới phân tích tin rằng nguy cơ này đã qua đi. "Nhưng có lẽ giai đoạn tiếp theo là thời điểm nền kinh tế Mỹ chậm lại, giống như những gì chúng ta đã thấy ở các khu vực khác, bao gồm cả châu Âu" - Chuyên gia Wattret nói.

Theo ông, hầu hết Tây Âu đã suy thoái.
Chuyên gia Coulton thì dự kiến nền kinh tế Eurozone sẽ "chỉ phục hồi nông" vào năm 2024, với lạm phát chung giảm và tăng trưởng tiền lương thực tế phục hồi dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng. "Tiêu dùng sẽ tăng nhẹ ở châu Âu, trong khi tiêu dùng ở Mỹ sẽ chậm lại” - chuyên gia từ Fitch Ratings nói.

Cũng theo giới phân tích, các nền kinh tế châu Á có cách tiếp cận khác với các nền kinh tế tiên tiến của phương Tây do mức lạm phát tương đối thấp hơn, dẫn đến phản ứng hạn chế từ các ngân hàng trung ương và do đó, ít tác động tiêu cực hơn đến hoạt động kinh tế trong năm tới.

Ông Wattret nhận xét: "Đó là một trong những lý do khiến chúng tôi cho rằng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024, đồng thời sẽ chứng kiến những khác biệt quan trọng trong khu vực, đặc biệt là do tốc độ tăng trưởng đang chậm lại của Trung Quốc".

Theo dự báo cơ bản của Fitch Ratings, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% vào năm 2024. "Tuy nhiên, với tình trạng sụp đổ của ngành bất động sản đang diễn ra, sẽ có những rủi ro gia tăng" - Chuyên gia Coulton cảnh báo. Theo ông, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu chậm lại và tác động dây chuyền từ sự sụt giảm mạnh của ngành bất động sản".

Theo dữ liệu chính thức, số lượng công trình xây dựng mới khởi công ở Trung Quốc đã giảm 2% vào năm 2020 so với năm 2019, nhưng tăng lần lượt là 11% và 39% vào năm 2021 và 2022.

Chuyên gia Kaya từ NIESR thì lưu ý, các thị trường mới nổi đang hoạt động tốt hơn các nền kinh tế tiên tiến, nhưng một số quốc gia đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại. Ông cho biết, rủi ro trung và dài hạn chính đối với các nước châu Á là sự suy thoái ở Trung Quốc do các liên kết thương mại quan trọng, nói thêm rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng trưởng chậm hơn so với những thập kỷ trước do lãi suất cao và các yếu tố cơ cấu.

Hương Thảo