Mất cơ hội hưởng lương hưu, lao động vẫn chọn rút bảo hiểm một lần

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin ảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế quý 2 mới đây, ông Đào Duy Hiện, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cho biết số lao động rút bảo hiểm một lần tăng trong nửa đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành giải quyết thủ tục với 40.300 người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, cạnh đó vẫn có khoảng 595.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng gần 4%. Phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là ngừng đóng bảo hiểm sau một năm.

Ông Hiện thông tin thêm người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước. Do tính chất công việc, các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI, đối tượng lao động chịu áp lực công việc, nhảy việc… Phần lớn số rút rơi vào nhóm trẻ, từ 20 đến dưới 40 tuổi, chiếm 78%.

“Nguyên do là tâm lý người lao động trẻ tuổi cho rằng nhu cầu trước mắt quan trọng hơn so với việc đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian để được hưởng lương hưu. Với người lao động trong độ tuổi này, mức lương làm việc tại các doanh nghiệp chưa cao. Vì vậy, nhiều người có nhu cầu về tài chính sẽ hưởng bảo hiểm xã hội một lần", ông Đào Duy Hiện cho hay.

Theo ông Hiện, thực tế trong khi cân nhắc về quyền lợi hưởng lương hưu, có bảo hiểm y tế khi về già, song người lao động vẫn quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền giải quyết vấn đề trước mắt.

Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, nhiều người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho biết họ rất hiểu về chính sách lương hưu, an sinh xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên dù hiểu rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ thiệt thòi họ vẫn phải lựa chọn.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội và sau khi chỉnh lý tiếp tục đề xuất 2 phương án để giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 1: Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cũng không đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu, để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, và không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hiện dự thảo Luật đang dự kiến mức hưởng bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014.

Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có cả trước và sau năm 2014, mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ, thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2014 trở đi, để tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Với những năm đóng từ năm 2014 trở đi, mức hưởng bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm, mức hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm cơ quan Bảo hiểm xã hội ban hành quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn là một lựa chọn của người lao động, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,8 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số lượng hưởng chế độ này năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 12,3%.

Sau khi hưởng, chỉ có khoảng gần 1,3 triệu người quay trở lại tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội, chiếm 26% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Nhật Dương