Nghịch lý kinh tế tại Ấn Độ: Cần nhưng không giữ chân được lao động nữ

Lao động nữ ở mỏ than Jharia, Ấn Độ, ngày 10/11/2022 (Nguồn: Thomson Reuters Foundation)

Pinky Negi, một giáo viên người Ấn có hai bằng thạc sĩ, yêu thích công việc giảng dạy tại một trường công ở chân núi Himalaya. Nhưng rồi cô cũng phải từ bỏ công việc sau khi kết hôn và sinh con.

Trường hợp như Negi rất phổ biến ở Ấn Độ, nơi có đến hàng triệu phụ nữ, do hoàn cảnh, đã và đang dần "ra khỏi" lực lượng lao động của nước này ngay cả tại thời điểm nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đang phục hồi mạnh mẽ, và sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới (chạm ngưỡng 1,43 tỷ dân), vượt Trung Quốc vào thời điểm Liên Hợp Quốc công bố 14/4 tới.

Như vậy, Ấn Độ sẽ là quốc gia có số người người trong độ tuổi lao động nhiều nhất. Do vậy để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại đứng đầu thế giới, quốc gia này, ngoài việc tạo thêm việc làm, sẽ phải chú trọng đến việc giữ chân lao động nữ bằng các loại hình công việc với những điều kiện phù hợp với đối tượng này.

Thống kê cho thấy chưa đến 1/3 số phụ nữ Ấn Độ còn làm việc hoặc đang tìm việc bất chấp xã hội Ấn Độ đã có những tiến bộ như trình độ học vấn cao hơn, sức khỏe được cải thiện, tỷ lệ sinh giảm và nhiều chính sách lao động thân thiện với phụ nữ hơn. Lý do theo các nhà nghiên cứu bắt nguồn từ câu chuyện hôn nhân, chăm sóc trẻ em và công việc gia đình đến khoảng cách về kỹ năng và giáo dục, thu nhập hộ gia đình cao hơn, lo ngại về an toàn và thiếu việc làm.

Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, phụ nữ chiếm 23% lực lượng lao động chính thức và phi chính thức của Ấn Độ vào năm 2021, giảm từ mức gần 27% vào năm 2005. Con số này so với khoảng 32% ở nước láng giềng Bangladesh và 34,5% ở Sri Lanka.

Theo nhà nghiên cứu Dutta, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng, các chương trình đào tạo và phát triển kỹ năng là rất quan trọng để thúc đẩy cơ hội việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái. Người sử dụng lao động cũng nên cung cấp các chính sách nhạy cảm về giới như tiếp cận bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, nghỉ phép của cha mẹ và cung cấp phương tiện giao thông an toàn và dễ tiếp cận.

Năm 2022, Thủ tướng Narendra Modi đã yêu cầu các bang điều chỉnh một số chính sách như giờ làm linh hoạt để giữ chân phụ nữ trong lực lượng lao động, nói rằng đất nước có thể đạt được các mục tiêu kinh tế nhanh hơn nếu tận dụng "sức mạnh của phụ nữ".

Các nhà nghiên cứu chỉ ra các chương trình công như chương trình phát triển kỹ năng của chính phủ, đã đào tạo hơn 300.000 phụ nữ trong giai đoạn 2021-2022, là những sáng kiến đầy hứa hẹn. Nhưng họ cũng nhấn mạnh cần phải làm nhiều hơn và chú trọng hơn, đặc biệt tới những đối tượng là phụ nữ vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Hiện phần lớn phụ nữ Ấn chủ yếu làm những câu việc bình thường, đòi hỏi trình độ thấp như lao động trong nông trại, nhà máy và giúp việc gia đình, nhưng đây lại là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Trong khi đó, theo Sona Mitra, nhà kinh tế chính của IWWAGE có trụ sở tại Delhi, ở quốc gia này, tham vọng nghề nghiệp của phụ nữ thường không được chú trọng khi thị trường lao động không tạo ra công việc mà phụ nữ mong muốn. "Phụ nữ không muốn làm nông nghiệp và giúp việc gia đình. Họ muốn một số công việc có sự tôn trọng cũng như công nhận khả năng, trình độ học vấn của họ... Những loại công việc đó tìm ở đâu?”.

Negi cho biết cô đã nhiều lần được mời làm những công việc có kỹ năng đơn giản với mức lương thấp khi cô cố gắng quay tìm việc để kiêm thêm thu nhập và không muốn phụ thuộc vào chồng. Nhưng cơ hội tìm việc khó khiến cô luôn cảm thấy bất ổn, dẫn đến việc phải nghỉ làm 11 năm, kéo theo gia đình gặp khó khăn về tài chính. Hiện cô đang tìm kiếm công việc giảng dạy với thời gian linh hoạt tại các trường học gần nhà.

"Một người phụ nữ phải lo liệu mọi thứ - trong nhà và bên ngoài. Không có ngoại lệ nào đối với chúng tôi", Negi chia sẻ. "Nhưng nếu tôi quay trở lại làm việc... càng ra ngoài nhiều, gặp gỡ nhiều người, tâm trí sẽ càng sảng khoái".

(nguồn: the Context)

Hà Linh