Nhà báo Trần Nhã: Giữ mãi phẩm chất người làm báo cách mạng

Truyền thống hào hùng của báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều cống hiến to lớn của các thế hệ nhà báo. Bằng tài năng, tâm huyết của mình, các thế hệ nhà báo Việt Nam đã dũng cảm, dấn thân thâm nhập vào những điểm nóng, vượt qua gian nguy và những cám dỗ vật chất để mang đến cho độc giả, người xem những thông tin chân thực nhất, những loạt tin, bài nóng hổi, những vấn đề mà nhân dân bức xúc, là cầu nối của Đảng với nhân dân.

Cả cuộc đời làm báo, nay tuổi đã ngoài 75 nhưng nhà báo Trần Nhã vẫn hãnh diện, tự hào về những năm tháng làm phóng viên trong thời kháng chiến. Ông xúc động kể với chúng tôi những năm tháng không quên ấy và luôn cho rằng mình may mắn vì được sống trong những giờ khắc quan trọng của lịch sử.

LÀM BÁO TỪ NĂM 14 TUỔI

Năm 14 tuổi khi học xong lớp nhất, chàng trai Trần Thanh Nhã tham gia kháng chiến tại Ban Tuyên huấn Khu 8, được bố trí về nhà in Lý Tự Trọng với công việc là xếp chữ in, rồi sửa bản in, lên maket. Nhà báo Trần Nhã nhớ lại: Thời điểm này cũng được xem như là thời điểm tôi tiếp xúc và gắn bó với nghề làm báo.

Lúc này, nhà in Lý Tự Trọng đóng tại xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước), phụ trách in Báo Giải phóng của Khu 8 phát hành định kỳ hằng tháng trong vùng giải phóng; in các tài liệu thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước… Các chú lãnh đạo thấy tôi khéo tay nên cho học thêm hội họa và điêu khắc. Đến năm 1965, nhà in bị địch phát hiện, nên phải dời về kinh Nguyễn Văn Tiếp rồi chuyển về tỉnh An Giang”.

“Để tờ báo, tài liệu đến được tay cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thật sự không dễ dàng chút nào; báo, tài liệu được ngụy trang rất kỹ đưa xuống xuồng, len lỏi phát hành trong vùng giải phòng và vùng địch tạm chiếm. Nếu bị địch phát hiện, những vật dụng gì không thấm nước như chữ chì… thì cho xuống ao; những vật dễ thấm nước như giấy báo thì gói lại cài lựu đạn xung quanh; nhưng cũng có khi bị địch phát hiện đốt phá hết. Khi địch càn quyét xong, chúng tôi lại lội xuống ao vớt chữ chì lên và tiếp tục công việc” - nhà báo Trần Nhã nhớ lại.

Năm 1969, nhà báo Trần Nhã được điều về làm ở Văn phòng Ban Tuyên huấn Khu 8, phụ trách công tác văn thư, lưu trữ, bảo mật. Nhà báo Trần Nhã cho rằng: "Thời điểm này, tuy không gọi là làm báo, nhưng tôi cũng làm công việc tuyên truyền. Hằng ngày, tôi ghi chép lại những bài phát biểu trên đài phát thanh, rồi trình lãnh đạo. Từ đó, lãnh đạo Ban mới chỉ đạo viết “bạch thư” (viết công văn mật), viết bằng mực trắng, ngụy trang gửi đi các tỉnh".

Năm 1972, nhà báo Trần Nhã chính thức được học Trường Báo chí Trung cao cấp của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khóa 8, cùng với các nhà báo Trần Văn Đạt, Nguyễn Thị Bé Năm, Ngô Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Oai, Lê Văn Vui, Nguyễn Việt Ánh. Trường đào tạo đội ngũ làm báo cho cả miền Nam từ khóa 1 đến khóa 8, ền Giang có rất nhiều nhà báo theo học như: Hồ Văn Thạnh, Mai Văn Tư, Trần Bửu, Trần Văn Mai…

NHÀ BÁO ĐA NĂNG

Học xong khóa đào tạo báo chí, nhà báo Trần Nhã chính thức trở thành nhà báo “thực thụ”. Người phóng viên trong thời kháng chiến phải viết đủ các thể tài: Tin ngắn, tin tường thuật, bình luận, xã luận, chụp ảnh, quay phim….

Nhà báo Trần Nhã nhớ lại: "Học xong, tôi trở về làm cho Báo Giải phóng Khu. Lúc này chuẩn bị cho Chiến dịch Nguyễn Huệ và Chiến dịch Hồ Chí Minh…, tôi được phân công thực tế xuống địa bàn các tỉnh biên giới, Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho, Gò Công…; công việc lúc này nguy hiểm hơn rất nhiều so với khi tôi làm ở nhà in".

Nhà báo Trần Nhã trải lòng về những khó khăn trong quá trình tác nghiệp của một phóng viên chiến trường. Về mặt nghiệp vụ là phải “tác chiến” tại chỗ nên phải chủ động tìm kiếm thông tin, ghi chép hằng ngày, “ba cùng” với các chiến sĩ; còn phải đối diện với lửa đạn mới có được những bức ảnh đắt giá ghi lại thời khắc lịch sử.

Nhà báo Trần Nhã kể: "Khi đó trên người tôi lúc nào cũng mang theo máy ảnh, thuốc định và thuốc hiện để tráng phim, có khi còn mang cả khẩu súng, lựu đạn. Lúc này người viết báo như là một chiến sĩ, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Lúc bấy giờ, không phải chỉ chờ tới sự kiện mà đưa tin, ngoài viết tin, bài gửi về cho báo, người làm báo còn làm công tác vận động quần chúng, vận động nhân dân làm hàng rào chiến đấu; vận động thanh niên tòng quân, tải thương, tải đạn; phụ giúp nhân dân lợp nhà, gặt lúa, gánh nước, đào trảng xê cho dân".

Với nhà báo Trần Nhã, phóng viên chiến trường là người chiến sĩ đặc biệt. “Trước hết, các phóng viên chiến trường có mặt ở hầu hết các trận địa, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, nóng bỏng nhất. Đã có nhiều phóng viên hy sinh tại chiến trường khi đang tác nghiệp nơi chiến hào, hay trên các cứ điểm mà cán bộ, chiến sĩ ta vừa xông lên đánh chiếm, hay bảo vệ. Những bài viết, bức ảnh báo chí đầy ắp các chi tiết sinh động với chân dung những con người cụ thể…” - nhà báo Trần Nhã nhấn mạnh.

Nhà báo Trần Nhã nghẹn ngào khi được hỏi về mít tinh kỷ niệm Ngày miền Nam giải phóng vào ngày 15-5-1975 tại TP. Mỹ Tho, ngày mà nhà báo được chứng kiến, tác nghiệp. Nhà báo đã ghi lại nhiều hình ảnh quý báu tại buổi mít tinh mà đến bây giờ những hình ảnh ấy là niềm tự hào và là tư liệu quý được nhà báo Trần Nhã trao tặng cho Bảo tàng Tiền Giang.

Sau năm 1975, nhà báo Trần Nhã làm phóng viên cho Thông tấn xã Việt Nam tại Tiền Giang. Đến năm 1982, nhà báo Trần Nhã được điều về Ty Văn hóa thông tin (nay là Sở Văn hóa - ể thao và Du lịch) phụ trách phim truyền hình thời sự. Năm 1984, khi có quyết định thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, nhà báo Trần Nhã được bố trí về làm Phó Giám đốc Đài và Giám đốc Đài Phát thanh, rồi Truyền hình từ năm 2000 - 2006. Từ năm 2005 - 2010, nhà báo Trần Nhã làm Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tiền Giang.

Qua những câu chuyện được kể, nhà báo Trần Nhã với 55 tuổi Đảng đã cho người đọc hiểu về một thế hệ phóng viên chiến trường đầy nhiệt huyết, vừa có tri thức, năng lực về nghề nghiệp, vừa quyết đoán hành động ở những thời điểm quan trọng. “Nghề báo đầy những thử thách nghiệt ngã, do đó đòi hỏi phải có bản lĩnh, ý chí vững vàng.

Đặc biệt, người làm báo muốn làm nghề cần có “máu” nghề nghiệp, hết lòng yêu nghề, sống có lý tưởng, như vậy mới vượt qua được mọi gian khổ, hy sinh để rèn nghề, cống hiến...” - nhà báo Trần Nhã chia sẻ.

LÊ PHƯƠNG