Nhiều nước vẫn cần điện than để đảm bảo an ninh năng lượng

Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Quý Châu (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới vẫn tiếp tục phụ thuộc vào than đá, với công suất đốt than vẫn cao hơn nhiều so với công suất điện than bị loại bỏ hằng năm.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Tokyo dẫn bài phân tích trên báo Nikkei Asia nêu rõ Trung Quốc hiện có sản lượng nhiệt điện cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 5 năm qua trong bối cảnh nền kinh tế nước này phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đợt nắng nóng mùa Hè làm tăng nhu cầu năng lượng.

Trong khi đó, nhiều quốc gia ở châu Âu đã đảo ngược chính sách loại bỏ dần than đá do thiếu khí đốt tự nhiên.

Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố vào tháng Bảy, nhu cầu về than của Ấn Độ, quốc gia có sản lượng nhiệt điện lớn thứ hai thế giới, đã tăng 8% vào năm 2022.

Indonesia, với nhu cầu tăng 36%, đã trở thành nước tiêu thụ nhiệt điện lớn thứ 5 thế giới. Nhu cầu toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức cao mới trong năm nay.

Than đá có chi phí rẻ và nguồn cung ổn định mà các nền kinh tế phát triển và mới nổi đều dựa vào trong những thời điểm khẩn cấp. Đức, quốc gia đi đầu trong việc khử carbon, cũng đã phải tăng sản lượng điện than khi tình hình năng lượng nghiêm trọng do gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga.

Pháp cũng đã nối lại hoạt động của các nhà máy điện than. Tại Nhật Bản, sản lượng điện than chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện. Tỷ lệ phụ thuộc vào than đá của nước này đã tăng khoảng 5 điểm phần trăm sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Theo nhóm nghiên cứu Global Energy Monitor của Mỹ, sản lượng điện than ròng trên thế giới tiếp tục gia tăng. Nhiều nhà máy mới đã mọc lên ở châu Á và châu Âu và thế giới có thể sẽ phải trả giá đắt nếu không thể ngừng sử dụng than.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dự báo nhiệt độ tăng hơn 1,5 độ C sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng, lượng mưa lớn và các rủi ro khí hậu khác.

Trong một báo cáo hồi tháng Ba, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc cho biết thế giới chỉ được phép thải thêm 400 tỷ tấn CO2 nếu muốn đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên ở mức 1,5 độ C.

Nếu lượng phát thải hằng năm hiện tại ở mức 40 tỷ tấn tiếp tục được duy trì, thế giới sẽ còn 10 năm nữa để hành động. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: “Quả bom hẹn giờ khí hậu đang kêu tích tắc.”

Theo tổ chức tư vấn năng lượng Ember của Anh, tổng lượng điện được tạo ra từ các nguồn tái tạo đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2000-2022. Con số này đã tăng 1,8 lần trong thập kỷ qua.

Vấn đề là chỉ riêng năng lượng tái tạo không thể tạo ra đủ điện để đáp ứng nhu cầu từ các nền kinh tế đang phát triển - lý do khiến sản lượng điện than toàn cầu đã tăng 15% trong thập kỷ qua và vẫn tiếp tục tăng.

Các đợt nắng nóng do Trái Đất ấm lên càng khiến thế giới phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch, từ đó khiến nhiệt độ tăng thêm. Thế giới cần phải phá vỡ vòng luẩn quẩn này./.

Nguyễn Tuyến (TTXVN/Vietnam+)