Nhu cầu nguyên liệu thô quan trọng tăng vọt, cơ hội cho công nghiệp hóa xanh

Nguyên liệu thô quan trọng rất cần thiết cho công nghệ năng lượng sạch. Ảnh minh họa: TTXVN

Các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Phi, nơi có 30% trữ lượng khoáng sản toàn cầu, là nguồn cung cấp chính đối với các loại khoáng sản này. Do đó, khai thác bền vững và tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế đóng vai trò rất quan trọng, và cần có sự đầu tư đáng kể, cũng như những cách tiếp cận chính sách được điều chỉnh để phù hợp với từng quốc gia nhằm hỗ trợ con đường công nghiệp hóa xanh này.

Để giải quyết khoảng cách giữa cung và cầu về các nguyên liệu thô quan trọng, các quốc gia đang hình thành quan hệ đối tác giữa các chính phủ để thúc đẩy những dự án mới và đảm bảo khả năng phục hồi nhanh về nguồn cung. Một bản Sách trắng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đưa ra các mô hình khác nhau mà các thỏa thuận theo đuổi, cũng như ưu tiên dành cho các quốc gia đang phát triển nhằm đạt được lợi ích kinh tế và bền vững thông qua những mối quan hệ đối tác này.

“Tất cả các quốc gia đều mong muốn làm chủ và hưởng lợi từ các nguồn năng lượng của mình và quá trình chuyển đổi năng lượng. Mở rộng quy mô nguồn cung khoáng sản quan trọng mang lại những cơ hội đáng kể, nhưng các quốc gia cần xem xét, cần tích hợp vào chuỗi giá trị công nghệ sạch ở đâu”, WEF cho hay.

Trong đó, tham vọng thường được đề cao và mục tiêu đã được nêu trong Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) là xây dựng các chuỗi giá trị khu vực mới. Sách trắng của WEF cũng xem xét các điều khoản chính trong AfCFTA mà các bên có thể sử dụng để thực hiện.

Chẳng hạn như, Nghị định thư về đầu tư mới được đưa ra bao gồm các điều khoản về các hoạt động xúc tiến đầu tư chung và các điều khoản khác về thúc đẩy dòng vốn để giảm thiểu phát thải. Kết hợp những điều này có thể khuyến khích đầu tư vào chuỗi giá trị pin trong khu vực, nhấn mạnh vào công nghệ sản xuất ít carbon để tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh.

Để đạt được tầm nhìn đó không hề dễ dàng. Hiện tại, nhiều quốc gia ở châu Phi đang tìm cách nâng cao chuỗi giá trị khoáng sản. Chính vì vậy, nhiều cuộc đối thoại hơn sẽ giúp xác định những nỗ lực hoặc kết quả cụ thể. Ngoài ra, cũng cần có những hiểu biết sâu hơn để xác định hành động tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong các khu vực đủ để kích thích sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các hoạt động khai thác cụ thể, hoặc chuỗi giá trị tiếp theo. Cuối cùng, các nhà đầu tư và nhà phát triển dự án sẽ cần thấy được lợi tức đầu tư.

Liên quan đến thương mại, khoáng sản quan trọng và phát triển bền vững, ông Mads Nipper, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Ørsted của Đan Mạch cho rằng: “Một thế giới chạy bằng năng lượng xanh sẽ cần nguồn cung khoáng sản và kim loại mới từ các nền kinh tế mới nổi… Ørsted đang nỗ lực giải quyết những thách thức này ở thượng nguồn trong chuỗi giá trị và hoan nghênh sự hợp tác mạnh mẽ hơn của nhiều bên liên quan, để giúp đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và hợp lý”.

LÊ THẢO (Lược dịch từ World Economic Forum)