Niềm vui mùa dứa chín

Năm nào cũng thế, cứ vào đầu năm là gia đình ông Nông Văn Lừu, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu (Mường Khương) lại đứng ngồi không yên, lo tìm đầu mối để bán dứa. Đã gần 20 năm gắn bó với cây trồng này, ông Lừu từng có mùa dứa lãi to nhưng cũng có những mùa lỗ nặng.

Tôi nhớ nhất vụ dứa năm kia (2022), giá bán dứa quả là 1.800 đồng/kg, trừ 600 đồng/kg tiền thuê hái và vận chuyển còn được 1.200 đồng/kg. Năm đó, giá phân bón lại tăng cao, tôi cắn răng chịu lỗ mấy chục triệu đồng. Lúc ấy buồn lắm, tự dặn lòng là không trồng dứa nữa nhưng đến mùa, thấy nhà khác dọn nương, lấy giống, trong lòng lại sốt ruột không yên, lại tự động viên chính mình cố trồng thêm 1 vụ nữa xem thế nào.

Ông Nông Văn Lừu, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu.

Vụ dứa năm 2023, giá dứa quả bán được 3.500 đồng/kg, ông Lừu hòa vốn tiền phân bón và giống, chưa có tiền công. Thấy nhiều người bỏ cây dứa vì giá thấp, ông Lừu thêm một lần nữa phân vân giữa việc giữ hay bỏ nghề trồng dứa. Cuối cùng, ông Lừu lựa chọn đặt niềm tin vào loại cây ông gắn bó gần 2 thập niên này. Ông xuống giống 6 vạn dứa, chăm chỉ làm cỏ, bón đủ phân cho cây. Tới mùa thu hoạch, nương dứa nhà ông quả nào quả nấy to tròn, chắc nịch, đều đặn nặng đạt size khoảng 1kg/quả.

Dứa năm nay được mùa, mẫu mã đẹp, được giá.

Năm nay, quả dứa bất ngờ được giá. Từ đầu vụ giá đã gấp đôi năm trước, tiểu thương thu mua giá sỉ đều ở mức 7.000 đồng/kg, các mối thu gom tỏa ra khắp các triền đồi, xem dứa và trả giá. Những năm dứa được giá, gia đình nào trồng nhiều thường “bán vo” cả nương cho thương lái để không mất nhiều công thu mua, vận chuyển. Nương dứa nhà ông Lừu năm ngoái bán được 80 triệu đồng, năm nay thương lái trả 200 triệu đồng. Ông Lừu "chốt đơn", nhận tiền, ngày mùa nhưng thong thả cắt cỏ nuôi cá, không phải vất vả lên nương thu hoạch rồi lo bán lẻ từng cân như những năm dứa ế vừa qua.

Giữa tháng 4, dứa vào chính vụ. Thông thường vào thời điểm dứa chín rộ thì giá bán sẽ hạ nhiệt nhưng giá dứa quả vụ này thậm chí “gây choáng” cho chính người trồng. Chị Vương Thị Thắm, thôn Cốc Chứ, xã Bản Lầu và chồng kết hôn chưa lâu, năm trước được gia đình chia cho một phần nương làm của riêng. Trên mảnh nương nhỏ, chị Thắm trồng dứa, đến vụ thì hái bán lẻ kiếm thêm “đồng ra đồng vào”. Tổng kết vụ dứa năm trước, chị Thắm thu được 30 triệu đồng. Dù chưa có lời lãi gì nhưng do chưa biết trồng cây gì thay thế, chị Thắm trồng dứa tiếp. Giữa tháng 4, dứa đang độ được giá nhất thì nương dứa nhà chị Thắm chín.

Dẫn chúng tôi tham quan nương dứa, quả nào quả nấy mắt mở to, tròn xoe đang dần ửng vàng, chị Thắm “cười như trúng số”. "Quả này 15.000 này. Quả này thì ít nhất cũng được 10.000. Quả bé xíu kia, trước bỏ không chẳng ai thu hoạch đâu nhưng giờ đem bán cũng được 5.000 đồng" – chị Thắm hồ hởi chỉ từng quả dứa trên nương để “định giá”. Tính sơ qua, nương dứa này chị Thắm sẽ thu về khoảng 80 triệu đồng.

Dứa to như thế này, bán lẻ được 15.000/kg. Còn mừng hơn cả... trúng số. Chưa bao giờ giá dứa cao như năm nay.

Chị Vương Thị Thắm, thôn Cốc Chứ, xã Bản Lầu.

Niềm vui của chị Thắm, ông Lừu cũng đang là niềm vui chung của người trồng dứa năm nay. Thời tiết thuận lợi nên quả dứa đẹp mã, mọng nước, năng suất đạt cao hơn vụ trước, thương lái khắp nơi đổ về vùng dứa Bản Lầu (Mường Khương), Bản Phiệt (Bảo Thắng) để gom mua, các doanh nghiệp cũng thi nhau chào gọi, nhờ đó giá dứa tăng cao.

Tại thị trường bán lẻ, giá dứa trung bình khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg.

Tại “chợ dứa” ở ngã ba Na Mạ - Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương (nơi tập kết của các tiểu thương mua – bán dứa, cũng là nơi nhiều người dân mang dứa ra bán lẻ), những ngày này nhộn nhịp hơn thường lệ. Thị trường bán lẻ dứa năm nay ghi nhận mức giá cao kỷ lục, có thời điểm dứa loại 1 (loại mã đẹp, size trung bình trên 1kg/quả) có giá bán 20.000 đồng/kg, hiện đang duy trì ở mức 15.000 đồng/kg; dứa đạt kích thước trung bình 600 – 800 gram/quả có giá khoảng 10.000 – 12.0000 đồng/kg; dứa bi (khoảng 300 – 500 gram/quả) giá khoảng 8.000 đồng/kg.

Dứa bán cho nhà máy hiện ở mức giá 6.800 – 7.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 8.000 đồng/kg; dứa chợ (dứa bán sỉ đầu tấn cho thương lái tại nương) đã lên tới 9.000 đồng/kg. Nếu so với năm trước, giá dứa tăng trung bình 2 – 3 lần, là mức cao kỷ lục được ghi nhận tại thị trường dứa hơn 10 năm qua.

Sơ chế dứa cho các nhà máy chế biến giúp tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Vào vụ, tại gia đình bà Trần Thị Nhàn (chuyên thu gom, sơ chế dứa cho các nhà máy chế biến) tấp nập nhân công đến gọt dứa thuê. Mỗi ngày, tại cơ sở này có khoảng 40 người đến gọt vỏ, nhặt mắt dứa để đáp ứng đơn hàng cho nhà máy chế biến, đóng hộp. Thế nhưng theo bà Nhàn, năm nay, số nhân công đã giảm đi 1 nửa, bởi dứa ít, giá cao, không mua được nhiều để sơ chế.

Bà Nhàn chia sẻ: Những năm nhiều dứa, mỗi ngày cơ sở xuất xưởng 12 – 13 tấn quả nhưng năm nay, 1 – 2 ngày mới được một chuyến như thế, bởi mấy vụ gần đây giá phân bón tăng cao, trong khi giá bán quả thấp nên người dân bỏ dần.

Phần lớn sản lượng dứa được các doanh nghiệp thu mua để chế biến phục vụ xuất khẩu.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (địa phương có sản lượng dứa cao nhất toàn tỉnh), trên địa bàn huyện hiện có 1.657 ha dứa, khoảng 700 ha đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Từ đầu vụ dứa đến nay, người dân đã thu hoạch được 28.860 tấn quả, giá trị sản lượng hơn 192,3 tỷ đồng. Tình hình tiêu thụ rất thuận lợi với 1/3 sản lượng được Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu (tại xã Lùng Vai) thu mua, sản lượng còn lại được HTX Thịnh Phong và các tiểu thương thu mua xuất bán cho các nhà máy ở Bắc Giang, Ninh Bình, Hưng Yên ... Giá bán trung bình cho các nhà máy từ 6.000 – 6.500 đồng/kg và tại các chợ đầu mối là 7.000 – 8.000 đồng/kg. Vụ thu hoạch dứa thường bắt đầu từ cuối năm trước cho đến đầu tháng 5 năm sau, hiện người dân đã thu hoạch được khoảng 70 – 80% tổng sản lượng dứa năm nay.

Giá bán quả dứa năm nay đạt cao do tình hình xuất khẩu thuận lợi, được giá nên các doanh nghiệp mua dứa nguyên liệu với giá cao. Đến thời điểm này, có thể nói người trồng dứa thắng lợi lớn, giá dứa duy trì ở mức cao từ đầu vụ, người dân đảm bảo có lãi.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương.

Tại Lào Cai, dứa được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Diện tích dứa toàn tỉnh hiện đạt 2.210 ha, dự kiến sản lượng cả năm đạt 40.000 tấn. Dứa được trồng tại Mường Khương, Bảo Thắng, Bát Xát và thành phố Lào Cai, trong đó, Mường Khương là địa phương có diện tích lớn nhất toàn tỉnh.

Những năm qua, việc tiêu thụ dứa gặp nhiều khó khăn nên người dân đang dần mất hy vọng vào cây trồng này. Với sự phục hồi của kinh tế xuất khẩu, tiêu thụ dứa thuận lợi, giá bán cao, người dân thu lợi nhuận lớn đã “tiếp đà” cho một ngành hàng tưởng như đang dần "đuối sức" sau những mùa dứa thất bại. Mùa dứa năm nay, người dân tiếp tục nuôi hy vọng, chờ đợi những mùa trái ngọt trong tương lai.