Nỗ lực đổi mới thi và tuyển sinh

Các kỳ thi luôn khiến thí sinh căng thẳng. Ảnh: Quang Vinh.

Đổi mới kỳ thi vào lớp 10

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đã bắt đầu triển khai ở cấp THCS với các khối lớp 6, 7, 8. Khối 9 năm nay ở các địa phương trong cả nước hầu hết vẫn thi và xét tuyển vào lớp 10 theo cách truyền thống những năm trước địa phương đã thực hiện. Đề thi cũng giữ ổn định như các năm trước để thí sinh không bị sốc do học theo chương trình hiện hành.

Đơn cử như Hà Nội, địa phương có số lượng thí sinh dự tuyển kỳ thi vào lớp 10 THPT nhiều nhất cả nước năm nay vẫn giữ ổn định về phương thức thi tuyển với 3 môn thi chắc chắn sẽ có là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Môn thi thứ 4 có hay không, nếu có là môn nào vẫn chưa được công bố.

Năm học 2023-2024, nhiều địa phương quyết định chỉ thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh trong kỳ thi ển sinh vào lớp 10 THPT công lập như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Phú Thọ…

Theo đại diện các địa phương, Chương trình GDPT 2018 bậc THPT đang dần chuyển hướng sang định hướng nghề nghiệp nên việc thi môn thứ 4 không còn cần thiết. Do đó, việc giảm môn thi thứ 4 giúp các em giảm căng thẳng, áp lực thi cử mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo cho bậc THPT.

Sở GDĐT Hà Nội cho biết đang chuẩn bị phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT HCM thông tin năm nay thí sinh vẫn thi 3 môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Điểm mới là đề thi sẽ thay đổi tiệm cận cách ra đề theo định hướng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cụ thể là tiếp tục thực hiện đổi mới cách ra đề tuyển sinh lớp 10 theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh. Các câu hỏi trong đề thi yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế trong cuộc sống, chứ không chỉ học - ghi nhớ rồi tái hiện kiến thức như trước. Với định hướng đề thi như trên, nếu học sinh học tủ sẽ khó được điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Ông Quốc cho biết thêm việc đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh lớp 10 đã được TPHCM thực hiện nhiều năm nay, sở cũng đã có hướng dẫn cụ thể, từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy đến việc ra đề kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ... Nếu các trường THCS thực hiện đúng như chỉ đạo về chuyên môn của sở thì chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch quá nhiều giữa điểm kiểm tra học kỳ và điểm thi tuyển sinh lớp 10.

Từ bài học kinh nghiệm của TPHCM, các địa phương để chuẩn bị cho việc đổi mới kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2025-2026, ngay từ bây giờ cần có sự thay đổi trong cách dạy và học của thầy và trò từ việc coi học trò là trung tâm, dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh thay vì nhồi nhét kiến thức…

Thí sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Giảm áp lực với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Sau một thời gian lấy ý kiến rộng rãi về các phương án của kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, những ngày cuối tháng 11 năm 2023, Bộ GDĐT đã công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Về môn thi, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GDĐT.

Phương thức xét công nhận tốt nghiệp sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Nội dung thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018.

Hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

GS Huỳnh Văn Chương lý giải, việc thay đổi học sinh thi 4 môn trong đó 2 bắt buộc 2 tự chọn có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Mặc dù quá trình đánh giá năng lực của mỗi học sinh đã được thực hiện xuyên suốt trong quá trình dạy và học song thông qua việc chọn môn thi giúp đánh giá sâu hơn năng lực học tập của các em.

Cụ thể, 2 môn thi bắt buộc có thể gọi là 2 môn học xây dựng con người, xây dựng tư duy. Còn 2 môn tự chọn giúp học sinh định hướng nghề nghiệp và tương lai. Sự thay đổi này thật sự tăng cơ hội hướng nghiệp, giảm áp lực và giảm thời gian, giảm chi phí cho học sinh.

Thời điểm này, các công tác liên quan đến kỳ thi đã bước vào giai đoạn thứ 2 trong lộ trình. Đó là tập huấn, xây dựng ngân hàng đề thi, đánh giá của kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025. Đối tượng là 63 tỉnh thành và các trường liên quan đến vấn đề thi cử, nhất là các trường Sư phạm.

Bộ cũng đang có lộ trình đưa ra định dạng đề thi - vấn đề được học sinh quan tâm. Với việc huy động đội ngũ tốt nhất làm điều này, Bộ cho biết đã sẵn sàng và đang chuẩn bị kĩ lưỡng để cung cấp định dạng đề thi. Sau đó, tiếp tục hoàn thiện về ngân hàng đề thi từ năm 2025.

Thay đổi thi cử đòi hỏi đổi mới trong dạy và học

Theo PGS Bùi Mạnh Hùng - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống”, vấn đề đặt ra đối với môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đó là khi đề thi chỉ dùng văn bản mới, liệu có xảy ra tình trạng học sinh sẽ lơ là việc học tác phẩm trong sách giáo khoa hay không? Lâu nay, học sinh vẫn có thói quen thi gì học đó nên cần lường trước nguy cơ cũng như có giải pháp phù hợp để không xảy ra tình trạng này.

Giải pháp theo ông Hùng đó là cần tăng cường sử dụng các văn bản đã học trong SGK cho đánh giá thường xuyên, đánh giá giữa học kì. Có thể dùng văn bản trong 2 bộ sách giáo khoa còn lại ngoài bộ sách giáo viên vẫn dạy trên lớp để tận dụng được nguồn văn bản có giá trị.

“Khi giải quyết được nạn “văn mẫu”, thi cử thay đổi, việc đánh giá phải đi vào thực chất, giáo viên, học sinh và cả xã hội cần có sự chuẩn bị về mặt tinh thần. Nếu điểm học bạ của học sinh và kết quả kiểm tra, đánh giá theo chương trình GDPT 2018 thấp hơn so với trước đây, thời kì mà tình trạng làm bài theo văn mẫu trở nên khá phổ biến thì chúng ta nên coi đó là chuyện bình thường, không quy kết là chất lượng giáo dục đi xuống” - ông Hùng bày tỏ.

Đứng trước áp lực của đổi mới thi cử đòi hỏi mỗi giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy, tăng cường ứng dụng kho học liệu số, tự trau dồi kỹ năng, kiến thức chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới mà chương trình GDPT 2018 cũng như các kỳ thi theo định hướng đổi mới đặt ra. Đây là con đường một chiều, giáo viên không thể đi ngược lại với đổi mới và cũng không thể tụt hậu lại phía sau sẽ làm ảnh hưởng tới chính học sinh của mình, tới các đồng nghiệp, nhà trường…

Giáo dục đại học và những kỳ thi riêng

Ở khối giáo dục đại học (ĐH), câu chuyện nóng hổi chính là phương án tuyển sinh của các trường sẽ thay đổi ra sao sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được công bố với nhiều điểm mới?

Hiện một số trường ĐH đã bước đầu công bố phương án tuyển sinh ĐH dự kiến từ năm 2025. Trong đó, với việc hầu hết các trường đều có nhiều hơn một phương án tuyển sinh ĐH dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT nên về cơ bản, thông tin này không gây xáo trộn nhiều đến kế hoạch tuyển sinh.

PGS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân thông tin, dự kiến từ năm 2025, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường. Trường cũng đang đề xuất phương án từ năm 2025 giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng…

ĐH Quốc gia TPHCM cho biết đang dành khoảng 40 - 50% chỉ tiêu mỗi trường thành viên cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Tỷ trọng này tăng dần qua từng năm trong khi sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh có xu hướng giảm.

Cũng trong xu hướng tự chủ tuyển sinh, nhiều trường ĐH tổ chức các kỳ thi riêng để làm căn cứ tuyển sinh. Thống kê mùa tuyển sinh 2023 có khoảng 11 kỳ thi tuyển sinh riêng xét tuyển ĐH. Con số này dự kiến sẽ còn tăng trong những năm tới khi khối ngành sức khỏe cũng đã bàn luận về việc tổ chức một kỳ thi riêng.

Tuy nhiên, điều này gợi ra lo lắng về việc nở rộ các kỳ thi riêng gây áp lực cho thí sinh, thêm tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc, đặc biệt là sự công bằng giữa các thí sinh có điều kiện tham gia kỳ thi một hoặc nhiều lần với những thí sinh ở xa, không có điều kiện đăng ký dự thi. Bên cạnh đó, với một kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tiêu chuẩn hóa với sự vào cuộc, huy động của đội ngũ giáo viên giỏi khắp cả nước nhưng còn nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng đề thi, câu hỏi đặt ra là nếu các trường tự ra đề, tự chấm liệu có đảm bảo chất lượng, công bằng, đánh giá đúng năng lực thí sinh?

Một xu hướng cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh và cả xã hội đó là những năm gần đây, nhiều trường ĐH ưu tiên xét tuyển đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL… Thậm chí việc xét tuyển học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dần lan sang các trường THCS, THPT khi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10. Ông Đặng Minh Tuấn (Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận, điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong việc giành suất vào ĐH ở những ngôi trường, ngành học “hot” . Những học sinh thực sự có năng lực, có tài năng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhưng không có điều kiện tiếp cận với các cơ sở luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và cũng không đủ tài chính để luyện thi các chứng chỉ này sẽ khó khăn hơn trong việc đạt được mơ ước của mình.

Vì vậy, ông Tuấn đề xuất trong xét tuyển ĐH hay phổ thông chỉ sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ như là một yếu tố để xét tuyển. Việc đưa yếu tố xét tuyển này cũng phải rõ ràng, ví dụ, nếu xét tuyển ở các lĩnh vực thiên về ngôn ngữ, xã hội… thì những bạn có năng lực ngoại ngữ tốt có thể được cộng thêm điểm.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GDĐT):

Học không phải để thi, học để hướng nghiệp vào đời

Thi tốt nghiệp THPT trước hết nhằm đánh giá cả quá trình dạy và học. Như vậy, không nên tập trung vào một kỳ thi cuối cấp mà đánh giá cuối kỳ, định kỳ, thường xuyên rất quan trọng. Các nhà trường cần đánh giá khách quan, tin cậy cả quá trình. Cái này chúng ta phải thay đổi tư duy và quan điểm, không chỉ giáo viên, học sinh mà cả xã hội. Thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới có ba mục tiêu. Thứ nhất, để xét công nhận tốt nghiệp.Thứ hai, để phản ánh quá trình dạy và học. Đây là điều quan trọng phản ánh được chất lượng dạy và học. Thứ 3, là cơ sở dữ liệu tin cậy để xét tuyển ĐH.

Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội):

Chọn hướng đi phù hợp với năng lực

Định hướng đổi mới chương trình nhằm hướng đến sự phát triển toàn diện, chứ không phải mới bắt đầu cấp học đã nghĩ đến chuyện thi như thế nào. Đối với học sinh lớp 9, khi tốt nghiệp THCS, vai trò kết thúc cấp học thì việc đánh giá không phải dựa vào thi cử, mà là quá trình học tập. Nhưng nếu mục đích là để lên lớp 10, vai trò sẽ khác. Đó là buộc phải vượt qua một kỳ thi. Tư duy đó tạo ra áp lực cho thầy cô ngay từ lớp học đầu cấp là đào tạo học sinh như những vận động viên chuyên nghiệp sẵn sàng cho cuộc đấu trí trong tương lai. Đâu đó còn có tư duy học gì thi nấy. Nếu tập trung vào đánh giá năng lực học sinh, sau khi kết thúc một cấp học, sẽ căn cứ vào năng lực đó để chọn ra hướng đi phù hợp. Điều đó mới là quan trọng.

Hàn Minh