Pháp lý và công nghệ 'mở lối' cho P2P Lending

P2P Lending (cho vay ngang hàng) tiến vào thị trường Việt Nam từ giai đoạn 2015 - 2016 và hoạt động cho đến hiện nay. Đây là giải pháp tài chính dựa trên sự chia sẻ về quyền sử dụng vốn, cho phép bên vay và người cho vay kết nối trực tiếp với nhau, không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào khác. Ở thời điểm nở rộ, thị trường có khoảng hơn 100 các công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending đến từ trong và ngoài nước, chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn.

Xuyên suốt quá trình hình thành 8-9 năm nay, P2P Lending vẫn là bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý để đưa dịch vụ công nghệ tài chính này vào khuôn khổ. Hai vấn đề nổi cộm của P2P Lending được các chuyên gia đề cập nhiều nhất đến là pháp lý và công nghệ.

Thiếu khung pháp lý

Vấn đề thiếu khung pháp lý trong hoạt động P2P Lending được nhắc đến nhiều hơn khi xuất hiện nhiều tổ chức núp bóng P2P Lending để hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM, lợi ích của P2P Lending là giúp giảm khoảng cách lãi suất giữa người đi vay và người cho vay. Khoảng cách lãi suất này chính là phần thu lời của ngân hàng khi làm trung gian tài chính giữa người cung cấp vốn và người vay vốn, thường lên đến 4 - 5%. Mô hình P2P Lending sẽ giúp giảm chi phí đi vay, bên cạnh đó tạo ra nhiều lợi ích hơn cho người cung cấp vốn, trong khi chỉ hưởng một phần phí giao dịch rất thấp.

Tuy nhiên, khi biến tướng thành các hình thức vay tiền qua app (ứng dụng điện thoại), lãi suất cho vay không những không giảm, mà còn tăng gấp hàng chục lần, kéo theo những khoản “lãi mẹ đẻ lãi con”. Hoạt động đòi nợ của các công ty núp bóng P2P Lending cũng diễn ra trái pháp luật với các hành vi như bạo lực, đe dọa, quấy rối.

Đối với các công ty P٢P Lending chính thống, việc thiếu khuôn khổ pháp lý đã dẫn tới tình trạng mất thanh khoản ở một số đơn vị khi không có những quy định về tiêu chuẩn thẩm định, quản lý rủi ro cũng như thiếu quy định về việc trả nợ của người đi vay. TS Nguyễn Hữu Huân cho biết, hoạt động bùng nợ các nền tảng, bùng nợ công ty tài chính, ngân hàng đang ngày càng nở rộ khi có những hội nhóm được thành lập trên mạng xã hội, lôi kéo, hướng dẫn người đi vay cách để không phải hoàn lại khoản vay.

Cơ quan quản lý đã cảnh báo và xử lý nhiều trường hợp liên quan đến việc biến tướng từ hoạt động P2P Lending, tuy nhiên để quản lý và giảm thiểu mạnh hơn nữa những trường hợp đáng tiếc xảy ra, việc đặt ra khung pháp lý cho hoạt động P2P Lending được các chuyên gia đánh giá là cần thiết.

Một trong những văn bản pháp luật sẽ cung cấp khung pháp lý cho P2P Lending là Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, nghị định này mới dừng lại ở bước dự thảo, dù đã được thai nghén tới 4 năm với 7 phiên bản dự thảo. Phiên bản mới nhất được công bố vào tháng 3 vừa qua, cụ thể hóa nhiều chính sách khi thực hiện cơ chế thử nghiệm với các giải pháp công nghệ tài chính như P2P Lending.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu hơn nữa rủi ro của P2P Lending, các chuyên gia còn đề xuất sửa đổi, bổ sung vào một số bộ luật để các quy định chặt chẽ hơn. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, P2P Lending là giao dịch cho vay giữa 2 cá nhân, do đó cần phải bổ sung một số điều khoản vào Luật Dân sự liên quan đến vấn đề cho vay cá nhân để bảo vệ được cả bên vay và bên cho vay. “Giữa các cá nhân nếu xảy ra tranh chấp trong giao dịch mua bán thì sẽ dễ giải quyết, nhưng tranh chấp trong giao dịch cho vay thì lại khó giải quyết hơn, chưa kể đến cho vay tín chấp, thế chấp, xử lý tài sản đảm bảo giữa 2 người”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Huân, P2P Lending chứa đựng nhiều rủi ro nên khung pháp lý cho hoạt động công nghệ tài chính này phải thật sự chặt chẽ, thậm chí phải tuân theo các quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng, hoặc bổ sung các quy định về P2P Lending vào bộ luật này. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng phải quản lý và kiểm soát rất chặt chẽ P2P Lending vì bản chất mô hình của hoạt động này giống như một ngân hàng.

Ảnh minh họa

Tự động hóa bằng công nghệ

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và quản lý rủi ro cho hoạt động P2P Lending. Bản chất các giao dịch trên mô hình này là cho vay tín chấp giữa các cá nhân qua nền tảng công nghệ tài chính, do đó đòi hỏi hệ thống xác minh danh tính cũng như đánh giá rủi ro người dùng. Việc xác minh danh tính có thể sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt, xác minh tài liệu thông qua hồ sơ mà người dùng cung cấp, hay còn gọi là eKYC (Electronic Know Your Customer), sau đó đối chiếu với các cơ sở dữ liệu có sẵn.

Mô hình đánh giá rủi ro người dùng đòi hỏi các nền tảng P2P Lending phải sử dụng nguồn dữ liệu lớn (Big Data), học máy (Machine Learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá khả năng trả nợ của người vay. Một công cụ hữu hiệu cho việc đánh giá rủi ro người dùng là giải pháp chấm điểm tín dụng – 1 trong 3 giải pháp Fintech dự kiến được đưa vào cơ chế thử nghiệm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, P2P Lending còn phải đảm bảo hệ thống quản trị rủi ro theo dõi được các khoản vay, phát hiện dấu hiệu rủi ro như trả nợ trễ hạn và vi phạm hợp đồng để giảm thiểu những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Theo TS Nguyễn Hữu Huân, những việc xác minh danh tính, đánh giá rủi ro nêu trên phải được thực hiện một cách tự động hóa trên nền tảng công nghệ. “Các khoản vay qua P2P Lending thường có giá trị nhỏ. Nếu phải sắp xếp nhân sự thẩm định tín dụng cho từng khoản vay qua P2P Lending thì mô hình này không còn hợp lý nữa”, TS Nguyễn Hữu Huân cho biết.

Khi giải quyết được các vấn đề về công nghệ nêu trên, hoạt động của P2P Lending sẽ tăng được tính hiệu quả, giảm thời gian xử lý hồ sơ và đưa ra những quyết định chính xác hơn khi sử dụng thuật toán và mô hình để đánh giá. Trải nghiệm người dùng liền mạch và dễ sử dụng là những yếu tố giữ chân người dùng tại các nền tảng Fintech.

Ngoài ra, với việc thu thập dữ liệu người dùng vào các nền tảng công nghệ, P2P Lending còn phải thực hiện các biện pháp bảo mật dữ liệu, sử dụng mã hóa, tường lửa và kiểm tra xâm nhập để bảo vệ người dùng. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, bảo mật là vấn đề quan trọng nhất đối với các công ty Fintech, bao gồm cả P2P Lending, cũng là vấn đề mà Việt Nam hiện rất yếu.

Theo TS Nguyễn Hữu Huân, hoạt động P2P Lending ở Việt Nam hiện vẫn đang trong vùng xám khi chưa giải quyết được những hạn chế và rủi ro về hành lang pháp lý và giải pháp công nghệ. Nếu khắc phục được những hạn chế này, mô hình P2P Lending hoàn toàn có thể phát triển được ở Việt Nam, thậm chí tạo ra những cơn sóng ngắn hạn. Tuy nhiên, sau khi bùng nổ, TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng sẽ có 1 sự sàng lọc thị trường và chỉ một số công ty lớn có thể tồn tại được.

Ngọc Thu