Quản chặt dòng tiền, ngăn doanh nghiệp chiếm dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, bảo toàn số dư quỹ.

Theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023, Quỹ Bình ổn á xăng dầu được hình thành tại doanh nghiệp và việc cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu được thực hiện bởi Bộ Công Thương.

QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG THEO CƠ CHẾ NHƯ THẾ NÀO?

Theo đó, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý quỹ bình ổn giá, cũng như việc đảm bảo, bảo toàn số dư quỹ bình ổn giá. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại các nghị định nêu trên, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá.

Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, nơi thương nhân kinh doanh xăng dầu mở tài khoản quỹ bình ổn giá, theo dõi việc sử dụng tài khoản quỹ, nhằm kịp thời phát hiện dòng tiền bất thường ra, vào tài khoản quỹ bình ổn giá.

Trên cơ sở báo cáo trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá hàng tháng, báo cáo kiểm toán (độc lập) chuyên đề về quỹ định kỳ 6 tháng của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính thực hiện rà soát, tổng hợp báo cáo và thực hiện báo cáo công khai toàn bộ thông tin về trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính theo đúng quy định. Thông tin này được công bố công khai từng mục hàng quý, năm.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên rà soát, có văn bản nhắc nhở và đôn đốc các đầu mối kinh doanh xăng đầu thực hiện nộp báo cáo và sao kê ngân hàng hàng tháng về tài khoản theo dõi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định.

Trường hợp phát hiện có sự chênh lệch số liệu báo cáo giữa các kỳ hoặc chênh lệch số dư quỹ bình ổn giá do doanh nghiệp báo cáo với sao kê tài khoản ngân hàng thì yêu cầu doanh nghiệp báo cáo làm rõ hoặc xử lý theo quy định.

BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH 21 QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM

Nhằm quản lý chặt chẽ hơn, Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và cơ quan thuế.

Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động triển khai kiểm tra thực tế tình hình trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành 21 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu; thông tin về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đều được chuyển sang Bộ Công thương để xử lý theo đúng thẩm quyền.

Theo quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tái phạm nhiều lần đối với hành vi vi phạm các quy định về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hoặc không thực hiện kết chuyển quỹ bình ổn giá theo quy định tại nghị định này và các văn bản hướng dẫn, sẽ bị xem xét tạm dừng kinh doanh hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cơ sở đề nghị của cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.

Trường hợp thương nhân đầu mối bị phá sản, giải thể, bị thu hồi giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hoặc thương nhân đầu mối chủ động đăng ký không tiếp tục hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thì quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp cũng chấm dứt hoạt động.

Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ động thông tin, phối hợp với Bộ Công an liên quan đến một số sai phạm của thương nhân đầu mối; cũng như đề nghị Bộ Công Thương thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP trong việc bổ sung văn bản chứng minh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về trích lập, chi sử dụng, kết chuyển Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và gửi về Bộ Công Thương, theo đúng thời hạn quy định.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đầu mối trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sai mục đích trong suốt thời gian dài nhưng không bị phát giác. Việc thu hồi tồn dư quỹ từ các doanh nghiệp sai phạm cũng vô cùng gian nan.

Gần đây, Bộ Công Thương có công văn đề nghị Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) nộp gấp số tiền doanh nghiệp nợ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu về ngân sách với số tiền nợ quỹ và lãi phạt chậm nộp khoảng 612 tỷ đồng.

Hải Hà Petro là một trong 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ kết luận đã sử dụng quỹ sai mục đích quỹ, không kết chuyển về tài khoản quỹ và để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền lên gần 8.000 tỷ đồng.

Trâm Anh