Shopee bị tố độc quyền vận chuyển: Sức mạnh người dùng

Từ ngày 12/5, sàn thương mại điện tử Shoppe đã thay đổi phương thức vận chuyển. Người mua hàng trên Shopee không thể chọn đơn vị vận chuyển mình mong muốn nữa mà Shopee sẽ tự động sắp xếp đơn vị vận chuyển phù hợp với khách hàng.

Cụ thể, sau thay đổi vào tháng 5, người dùng có ba lựa chọn giao hàng là hỏa tốc, nhanh và tiết kiệm. Ứng dụng Shopee sẽ tự chọn đơn vị vận chuyển.

Theo Shopee, danh sách các đơn vị vận chuyển được sắp xếp theo phương thức mới như sau:

Hỏa tốc: NowShip, GrabExpress. Thời gian vận chuyển tính từ thời điểm người bán gửi hàng: 1-2 giờ.

Nhanh: Shopee Express, Viettel Post, Giao hàng Nhanh, Giao hàng Tiết kiệm, J&T Express, Ninja Van, Best Express. Thời gian vận chuyển: 1-4 ngày.

Tiết kiệm: VN Post. Thời gian vận chuyển: 2-6 ngày.

Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết khi mua hoặc bán hàng, chỉ có lựa chọn giao hàng duy nhất là giao hàng nhanh. Hầu hết đơn hàng này đều do đơn vị Shopee Express vận chuyển.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, để kết luận Shopee có độc quyền, thao túng vận chuyển hay không cần phải xem xét rất kỹ, dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, nếu phần nhiều đơn hàng trên sàn thương mại điện tử này được chuyển cho Shopee Express thì mục đích ở đây, theo ông là lợi nhuận. Về nguyên tắc, động thái này có thể giúp Shopee kiếm lời nhiều hơn.

Dịch vụ vận chuyển Shopee Express bị nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ

"Đó là nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường, mà các nhà máy nhiệt điện than là một ví dụ. Ban đầu nhà máy chỉ đơn thuần là sản xuất, phát điện, nhưng giá thành than trong chi phí sản xuất rất cao nên đơn vị điện lực đầu tư khai thác than luôn để bán cho nhà máy điện của họ, kiếm thêm lợi nhuận.

Trong lĩnh vực khác cũng vậy, ban đầu doanh nghiệp chỉ đầu tư một khâu, chẳng hạn là khâu đầu ra, nhưng sau thấy bên bán hàng lãi nhiều quá thì doanh nghiệp mở thêm khâu bán hàng. Hoặc doanh nghiệp thấy bên cung cấp nguyên liệu đầu vào lợi nhuận lớn thì lại đầu tư khâu đầu vào. Đây là vấn đề tự do cạnh tranh trong kinh tế thị trường và nó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Độc quyền cũng chỉ trong một thời điểm nhất định, không thể kéo dài mãi mãi", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.

Đối với Shopee cũng vậy, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng điều căn bản vẫn nằm ở lợi nhuận. Ở thời điểm này, Shopee đang đứng đầu thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam, khách hàng đổ dồn về sàn thương mại điện tử này thì Shopee tranh thủ cơ hội để kiếm thêm trong khâu vận chuyển.

"Thường thì khi doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển thị trường sẽ có nhiều cách thức để lôi kéo khách hàng, chẳng hạn như miễn phí vận chuyển nhiều hoặc phí vận chuyển thấp. Nhưng đến khi lượng khách hàng đủ lớn, doanh nghiệp thấy không cần thiết nữa thì sẽ bỏ khuyến mại, hoặc áp điều kiện khó khăn hơn cho khách hàng như phải tải app nếu muốn hưởng khuyến mại.

Nhưng nếu chất lượng vận chuyển của Shopee đi xuống, ngày càng nhiều khách hàng không hài lòng vì ảnh hưởng đến lợi ích của họ và chuyển sang sàn thương mại điện tử khác, bản thân Shopee thấy mất nhiều khách hàng quá, có thể họ sẽ phải thay đổi chính sách của mình.

Lưu ý rằng, hiện nay khách hàng có nhiều lựa chọn, có nhiều sàn thương mại điện tử chứ không phải mình Shopee và bản thân các đối thủ của Shopee cũng cạnh tranh, lôi kéo khách hàng. Do đó, người dùng vẫn là người quyết định, mà theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, người thắng vẫn là người dùng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Bởi vậy, đối với việc Shopee bị khách hàng tố độc quyền vận chuyển, vị chuyên gia về thương mại cho rằng phải xem xét rất kỹ. Đặc biệt, trong trường hợp có khách hàng muốn kiện Shopee thì các luật sư phải nghiên cữu kỹ, tìm ra được điểm mấu chốt thể hiện sự độc quyền của doanh nghiệp và phải chứng minh được thiệt hại của khách hàng. Trong trường hợp không chứng minh được thì có kiện cũng không giải quyết được vấn đề.

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, luật quốc tế rất chặt chẽ và đã ở trình độ cao, trong khi đó luật lệ Việt Nam từ khi gia nhập WTO đã được bổ sung, hoàn thiện nhiều để phù hợp với luật quốc tế song cũng mới chỉ ở giai đoạn đầu, vẫn còn nhiều kẽ hở để cho các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng kiếm lời trên thị trường Việt Nam.

Cho nên, nếu phát hiện dấu hiệu độc quyền, thao túng thị trường của doanh nghiệp nước ngoài thì phải cử những luật sư giỏi, những thẩm phán có trình độ đi nghiên cứu, đối chiếu luật... Nhưng trước hết Việt Nam phải hoàn chỉnh luật, nâng cao trình độ đội ngũ luật sư, thẩm phán để có thể xử lý được những tình huống phức tạp, còn đưa ra tòa quốc tế cũng không đơn giản và rất tốn kém.

Thành Luân