Tăng cường năng lực nội tại là đòi hỏi tất yếu và rất cần thiết đối với kinh tế Việt Nam

Chiều 3/4 (giờ địa phương), Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do đồng chí ê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã kết thúc thành công tốt đẹp Chương trình Lãnh đạo cao cấp (VELP) 2024 sau 3 ngày từ 1-3/4 làm việc tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu bế mạc Chương trình VELP 2024.

Phát biểu bế mạc Chương trình VELP 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, trên tinh thần trao đổi cởi mở, thẳng thắn, Chương trình VELP lần thứ 9 đã thành công với 10 chuyên đề rất thiết thực và hữu ích đối với các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ đánh giá cao và cảm ơn những nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, hệ thống của các giáo sư Đại học , Đại học Fulbright và chuyên gia của Hoa Kỳ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường năng lực nội tại, sức chống chịu, thích ứng, quản trị rủi ro của nền kinh tế là đòi hỏi tất yếu và rất cần thiết đối với kinh tế Việt Nam trước những diễn biến nhanh, khó lường, phức tạp của tình hình thế giới.

Trên cơ sở các khuyến nghị chính sách của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các thành viên Đoàn công tác tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến phù hợp để tham mưu với Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành vĩ mô, nhất là xây dựng chính sách, chiến lược quốc gia thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, cũng như góp phần thúc đẩy triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đoàn đại biểu Việt Nam cùng các chuyên gia Đại học Harvard Kennedy.

Về nội dung, 10 Phiên chuyên đề của Chương trình VELP 2024 tập trung thảo luận ba chủ đề chính gồm: Triển vọng và những diễn biến đáng chú ý của kinh tế thế giới, kinh tế châu Á, đánh giá các xu thế chuyển đổi lớn và tác động đến kinh tế Việt Nam; Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới nổi; Các giải pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đáng chú ý, Chương trình năm nay dành nhiều thời lượng trao đổi về xu hướng phát triển của các công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và công nghiệp bán dẫn.

Tại các phiên thảo luận, các giáo sư, chuyên gia đánh giá cục diện kinh tế, chính trị toàn cầu đang chuyển biến sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nhiều xu thế mới với quy mô và tốc độ vượt trội đang đặt ra những tác động đa chiều, cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

Ý kiến chung nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2024 với mức dự báo khoảng 6,4% và có thể đạt tới 6,8% nếu tận dụng tốt sự phục hồi của các nền kinh tế lớn, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư và mở rộng tiêu dùng nội địa.

Đoàn đại biểu Việt Nam dự VELP 2024.

Trong dài hạn, các chuyên gia bày tỏ lạc quan đối với tiềm năng phát triển bền vững của Việt Nam nhờ nguồn nhân lực dồi dào, khả năng hấp thụ các công nghệ mới nổi, thúc đẩy nền kinh tế đổi mới sáng tạo và mạng lưới hợp tác kinh tế đa phương với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Các chuyên gia cũng đánh giá cao công tác hoạch định, xây dựng chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, nhưng đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả của khâu tổ chức thực hiện chính sách.

Để kịp thời thích ứng với rủi ro trong thế giới gia tăng bất định và vượt qua các thách thức nội tại để "cất cánh" phát triển, các giáo sư, chuyên gia Đại học Harvard đã đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng, có tính chiến lược và bám sát thực tiễn phát triển của Việt Nam trong hoàn thiện thể chế kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ các ngành mới nổi, công nghệ cao, tăng cường hợp tác công - tư trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ sinh thái ngành AI, phát triển hạ tầng số, bảo đảm an ninh mạng…

Quốc Trần