Thị xã Sa Pa: Quan tâm quản lý hoạt động bán trú trong trường học

9 giờ sáng mỗi ngày, khi thực phẩm được vận chuyển đến khu vực bếp ăn nhà trường, Tổ Giám sát gồm đại diện Ban Giám hiệu, Công đoàn, giáo viên, nhân viên cấp dưỡng, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào (thị xã Sa Pa) đã có mặt để kiểm tra nhãn mác, đồng thời cân, đếm từng loại và đối chiếu với thực đơn hằng ngày. Đây là một trong những hoạt động của trường nhằm đảm bảo chế độ, chính sách cho học sinh bán trú.

Ngoài việc thành lập tổ giám sát, Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào còn thực hiện niêm yết khẩu phần ăn tại bảng công khai bán trú, bếp ăn để nhân viên cấp dưỡng, người dân và chính quyền địa phương có thể theo dõi hằng ngày. Ngoài ra, nhà trường lắp camera tại bếp nấu, khu chế biến để giám sát quy trình nấu ăn (an toàn thực phẩm, định mức ăn cho học sinh); xây dựng thực đơn 3 món đối với bữa trưa và bữa tối; thực hiện đầy đủ việc kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn…

Nhà trường đã thành lập ban quản lý bán trú, phân công giáo viên phụ trách phòng bán trú, quản lý học sinh sau giờ học. Trường cũng chú trọng giáo dục học sinh về các nhóm kỹ năng sống và thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, sức khỏe cho học sinh. Ngoài giờ học chính khóa trên lớp, vào mỗi buổi tối, các thầy cô giáo thay phiên hướng dẫn học sinh bán trú ôn lại bài và chuẩn bị bài mới. Giáo viên cũng thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, nắm tâm tư, nguyện vọng của học sinh để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, giúp các em yên tâm học tập.

Thầy giáo Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hầu Thào cho biết: Năm học 2023 - 2024, trường có 288 học sinh bán trú thuộc diện được hỗ trợ. Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa, nhà trường đã tiếp thu, nghiên cứu và triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên để thống nhất phương pháp thực hiện. Trong các buổi họp phụ huynh, nhà trường triển khai các nội dung liên quan đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh tại trường, đồng thời hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh sử dụng kinh phí được hỗ trợ để mua đồ dùng học tập, đảm bảo học sinh có đủ sách, vở, bút… theo nhu cầu của từng khối lớp.

Không chỉ cấp tiểu học, THCS, ngành giáo dục - đào tạo thị xã Sa Pa còn tăng cường quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm và chất lượng bữa ăn ngay từ cấp mầm non. Theo cô giáo Vũ Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào, việc tổ chức các bữa ăn, bếp ăn của trẻ được Ban Kiểm tra nội bộ nhà trường thực hiện trong từng năm học. Bữa ăn của trẻ luôn đảm bảo 1 bữa chính và 1 bữa phụ. Hằng ngày, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được nhà trường kiểm soát chặt chẽ, thực đơn món ăn được lên lịch theo tuần và chú trọng kiểm tra thực phẩm theo 3 bước (gồm kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế, chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu). Nhà trường cũng thực hiện nghiêm việc quyết toán chính sách hỗ trợ học sinh. Việc công khai tài chính, công khai bữa ăn hằng ngày của trẻ được tiến hành thường xuyên và ở nơi phụ huynh dễ theo dõi và kiểm tra.

Cô giáo Vũ Thị Thu Hương cho biết: Chúng tôi luôn đảm bảo chất lượng bữa ăn, định lượng dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi mầm non. Nhà trường chỉ ký kết hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm uy tín, có nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Quá trình chế biến, nhà trường yêu cầu nhân viên dinh dưỡng thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh, từ dụng cụ chế biến đến sơ chế, nấu ăn, chia thức ăn cho trẻ...

Đánh giá về kết quả thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh bán trú trên địa bàn thị xã, ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh bán trú luôn được ngành giáo dục thị xã Sa Pa thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định.

Với những kết quả đạt được, chất lượng giáo dục tại các trường được nâng lên, tạo được lòng tin đối với người dân trong việc gửi con em đến trường học tập.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa