Ươm những mầm xanh cho tinh thần thi đua ái quốc của Bác Hồ

Cách đây tròn 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.

Dưới ánh sáng tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, trải qua những chặng đường nối tiếp với những tên gọi, nội dung và hình thức khác nhau, phong trào thi đua yêu nước phát triển theo một dòng chảy liên tục, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn bảy thập kỷ qua.

Từ những tấm gương sáng trong nước

Những ngày này, hòa chung với những hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 75 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề đặc biệt mang tên "Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh" như minh chứng sống động cho tinh thần bất diệt ấy của Người.

Anh hùng lao động, NGND Nguyễn Đức Thìn (giữa) cùng vận động viên Nguyễn Thị Oanh trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Ảnh: Thái Sơn)

Đến với trưng bày, dù đã 83 tuổi, Anh hùng lao động, NGND Nguyễn Đức Thìn vẫn mang trên mình chiếc khăn quang đỏ của đội thiếu niên tiền phong năm xưa và trao tặng hiện vật quý gồm máy ảnh và bản thảo sách viết về phong trào thi đua nghìn việc tốt của ông cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Ông Nguyễn Đức Thìn chính là người khởi xướng Phong trào "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ" (gọi tắt là Phong trào "Nghìn việc tốt") vào năm 1963 trên quê hương Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh).

Là “cha đẻ” của một phong trào hưởng ứng lới kêu gọi của Bác, điều ông Thìn luôn cảm thấy tự hào là “Nghìn việc tốt” lập tức trở thành phong trào Thi đua yêu nước của thiếu nhi Việt Nam, được Đảng, Bác Hồ và nhân dân khen ngợi, khuyến khích phát triển.

Ông cho biết, những phong trào thi đua "Nghìn việc tốt" được các bạn trẻ khi ấy hưởng ứng mạnh mẽ là bớt ăn, góp gạo nuôi quân chống giặc Mỹ xâm lược; nuôi gà gửi ra chiến trường; cùng làm vệ sinh sạch làng, tốt ruộng; cùng học giải bài toán trên lưng trâu; xay lúa gạo giúp gia đình có người đi đánh giặc...

Theo ông Thìn, đến thời điểm hiện tại, cho dù phong trào thi đua đã được thể hiện bằng những nội dung và hình thức khác xưa nhưng tinh thần yêu nước thì vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Cũng như vận động viên Nguyễn Thị Oanh - “cô gái vàng" vừa đoạt 4 huy chương vàng điền kinh ở SEA Games 32, đến đã trao tặng Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chính bộ đồ tập thể thao cô dùng để luyện tập tại Campuchia.

Nữ vận động viên này chia sẻ: "Học theo Bác, làm theo Bác không phải làm điều gì quá lớn lao, to tát. Chúng ta hãy làm những việc tốt dù nhỏ nhất, điều đó cũng đã có ý nghĩa, thể hiện tinh thần yêu nước.

Tôi mong muốn những nỗ lực, cố gắng của bản thân cũng sẽ truyền cảm hứng, động lực cho các bạn trẻ không ngừng hăng say lao động, học tâp và rèn luyện để trở thành những người có ích".

Tại trưng bày “Thi đua ái quốc - ươm những mầm xanh”, bên cạnh những bức ảnh về phong trào thi đua ái quốc, công chúng rất ấn tượng trước gian trưng bày của Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những sản phẩm tái chế mang thông điệp về bảo vệ môi trường, lối sống xanh của các em được làm từ chai thủy tinh, nhựa,… khiến người xem ngỡ ngàng về những ý tưởng sáng tạo độc đáo của các bạn nhỏ. Điển hình nhất đó là con robot được làm từ trí tuệ nhân tạo AI có tác dụng nhặc rác, hút bụi, hay chiếc máy phát khẩu trang phòng dịch Covid-19 do các em học sinh sáng chế.

Tự hào về phong trào thi đua ái quốc của trường đã có từ truyền thống từ nhiều năm qua, cô Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho hay, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Định, sau này là Hiệu trưởng nhà trường, đã hưởng ứng và vô cùng sáng tạo trong cách làm.

Cô Hà kể: “Đến kỳ nghỉ hè, tháng 5-6, học sinh Trưng Vương đến các xã ngoại thành để gặt lúa giúp dân, ở nhà dân, sang Đông Anh, Hà Tây cũ, Sóc Sơn… Từ đó tới nay, phong trào thi đua ái quốc liên tục được duy trì và sáng tạo thông qua nhiều hình thức như thi đua làm việc tốt, thi đua nghiên cứu khoa học..”.

Hiện nay, Trường THCS Trưng Vương luôn là ngôi trường tiên phong trong giáo dục STEM của TP. Hà Nội trong trong những năm qua.

Nhà trường đã thành lập CLB lập trình ROBOTICS với phòng LAB STEM hiện đại, thu hút và khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, sáng tạo ở học sinh trong việc vận dụng kiến thức liên môn (Tin học, Toán học, Vật lý) vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Cô Nguyễn Thu Hà, Hiệu trường Trường THCS Trưng Vương tại trưng bày. (Ảnh: Thái Sơn)

Học sinh của trường đã tham gia Giải vô địch VEX IQ ROBOTICS toàn quốc 2023, tranh tài cùng 169 đội đến từ 33 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Team AANO của Trường THCS Trưng Vương đã xuất sắc là 1 trong 2 đội THCS duy nhất của Việt Nam giành giải thưởng ở hạng mục Research cuộc thi vô địch thế giới VEX IQ tổ chức tại Dallas, Texas (Mỹ).

Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương chia sẻ: “Tôi cho rằng, yêu nước không phải chỉ là làm việc gì đó lớn lao, vĩ đại. Những việc đơn giản như cần cù, chăm chỉ, phát huy sáng kiến trong lao động sản xuất, trong dạy và học, cùng nhau đoàn kết, từ đó xây dựng tập thể vững mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc cũng đã thể hiện tinh thần yêu nước”.

đến những hành động thiết thực ở nước ngoài

Không chỉ trong nước, những người Việt ở nước ngoài cũng luôn ý thức được tinh thần từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác.

Cũng như các tổ chức hội đoàn của cộng đồng người Việt hay cộng đồng du học sinh Việt Nam ở nhiều nước, Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore và Australia luôn hướng về quê hương, quan tâm đến việc tạo dựng môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức trẻ - nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảng của sự phát triển của đất nước.

Anh Huỳnh Tấn Đạt - Chủ tịch Hội Sinh viên tại Việt Nam tại Australia cho biết: “Chúng tôi ý thức đây cũng là sứ mệnh và trọng trách đối với Tổ quốc. Vì vậy, Hội sẽ mở rộng các hoạt động kết nối tới những tổ chức chuyên môn như Hệ sinh thái Khởi nghiệp Việt-Australia (SVF-AU) nhằm tìm kiếm, hỗ trợ những startup trẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển”.

Cộng đồng du học sinh tại Singapore luôn có những hoạt động thiết thực hướng về đất nước. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, chị Nguyễn Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore, cũng cho rằng: “Là những người trẻ xa quê hương, chúng tôi luôn giữ tinh thần học hỏi và cầu thị để cố gắng tiếp thu những kiến thức, kinh nghiệm hữu ích nhất để áp dụng vào công việc và học tập.

Đa phần học sinh, sinh viên Việt Nam ở đây vẫn rất mong muốn có cơ hội được về Việt Nam làm việc và đóng góp khả năng của mình. Bằng cách đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm, chúng tôi góp phần phát triển nguồn lực trí thức trẻ là người Việt, không chỉ ở Singapore mà còn ở Việt Nam và cả những nước khác”.

Mới thành lập hơn một năm, những người lính mũ nồi xanh Việt Nam trong Tổ công tác Abyei - Phái bộ UNISFA đã thể hiện vai trò tích cực của mình tại địa bàn mới, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mắt người dân địa phương, lãnh đạo Phái bộ và bạn bè, đồng nghiệp quốc tế.

Lính mũ nồi xanh Việt Nam trong Tổ công tác Abyei - Phái bộ UNISFA luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mắt người dân địa phương. (Ảnh: NVCC)

Hình ảnh những người lính mũ nồi xanh Việt Nam miệt mài dạy học tại Trường cấp 3 Abyei, hướng dẫn người dân trồng rau xanh, tặng quà các em học sinh và người dân nghèo tại khu vực Abyei đã thực sự làm lan tỏa giá trị con người Việt Nam năng động, thân thiện, nhân văn, yêu chuộng hòa bình đến với bạn bè quốc tế.

Họ cũng như những bông hoa tô thắm cho phong trào thi đua yêu nước và tỏa sáng phẩm chất cao quý "Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ hội nhập quốc tế.

Hà Anh