Việt Nam - Đối tác kinh tế quan trọng của Indonesia ở Đông Nam Á

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên gặp Bộ trưởng Thương mại Indonesia kiêm Chủ tịch AEM-55, ông Zulkifli Hasan. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 19/8, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM 55) diễn ra từ ngày 17 đến 22/8 tại thành phố Semarang, Indonesia, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Hassan khẳng định rằng Indonesia luôn nhìn nhận Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế, thương mại quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa hai nước đã phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn còn có một số vấn đề tồn đọng, chưa được giải quyết.

Để quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Bộ trưởng Hassan đề nghị Việt Nam xem xét, sớm nối lại các hoạt động trao đổi đoàn, đặc biệt là các cơ chế hợp tác, diễn đàn thường niên giữa Bộ Thương mại Indonesia và Bộ Công Thương Việt Nam.

Bộ trưởng Hasan nhận định rằng Việt Nam và Indonesia còn có rất nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và công nghiệp ôtô điện.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Bộ trưởng Hasan cho rằng, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm về nuôi trồng, sản xuất, xuất khẩu thủy sản, hoạt động trong lĩnh vực ngư nghiệp và Indonesia mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực sản xuất xe điện, Bộ trưởng Hasan chia sẻ hiện nay có rất nhiều hãng sản xuất ô tô lớn của nước ngoài gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đã và đang đầu tư và sản xuất xe điện tại Indonesia.

Trước thông tin đã có doanh nghiệp Việt Nam mở nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ, với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của mình, Indonesia mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp Indonesia trong thời gian tới để phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại Indonesia.

Về phần mình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí và ghi nhận những đề xuất của Bộ trưởng Hasan để tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và Indonesia; hoan nghênh đề xuất của Bộ trưởng Hasan về việc sớm nối lại các cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin, diễn đàn thường niên giữa hai Bộ, vốn đã bị gián đoạn trong 2 năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cho rằng đây là hoạt động cần thiết để hai bên có thể kịp thời chia sẻ, cập nhật tình hình hợp tác và tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, tồn đọng trong quan hệ hợp tác thương mại song phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng ghi nhận các đề xuất của Bộ trưởng Hasan về việc hợp tác trong lĩnh vực thủy sản và sản xuất xe ôtô điện; khẳng định Việt Nam khẳng định luôn sẵn sàng hợp tác với phía Indonesia để phát triển các lĩnh vực trên, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Hasan trao đổi, vận động và mời các doanh nghiệp thủy sản của Indonesia tham dự các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, diễn đàn doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam để kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhất trí và ghi nhận những đề xuất của Bộ trưởng Hasan để tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, công nghiệp giữa Việt Nam và Indonesia. (Ảnh: Hữu Chiến/TTXVN)

Về hợp tác trong ngành công nghiệp ôtô điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá rằng Indonesia có nguồn tài nguyên nickel rất dồi dào, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm lớn trên thế giới. Dựa vào những tiềm năng và tiềm lực sẵn có của mỗi nước, hai nước có thể cùng nhau hợp tác, phát triển ngành công nghiệp ô tô điện tại khu vực trong thời gian tới.

Để quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Bộ trưởng Hasan và Bộ Thương mại Indonesia tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nhập khẩu ổn định than đá và dầu cọ thô để đảm bảo an ninh năng lượng và sự ổn định cho hoạt động sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Bộ Thương mại Indonesia xem xét ngừng ban hành, áp dụng các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam luôn đối xử công bằng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Indonesia kinh doanh tại Việt Nam. Bộ trưởng Hasan ghi nhận và cho biết phía Indonesia sẽ xem xét những đề xuất trên của phía Việt Nam.

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), ông Arsjad Rasjid.

Mở đầu buổi làm việc, ông Arsjad Rasjid cho biết, trong năm nay, trên cương vị Chủ tịch ABAC, KADIN sẽ giới thiệu 7 chương trình đột phá kế thừa; triển khai 5 vấn đề ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia gồm chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, tự chủ y tế và tạo thuận lợi thương mại nhằm hiện thực hóa chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng” của năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023.

Ông Arsjad Rasjid cho biết, 5 lĩnh vực nói trên đều là những lĩnh vực được Chính phủ Indonesia quan tâm và mong muốn thực hiện trong năm Indonesia là Chủ tịch ASEAN và kêu gọi các nước thành viên ủng hộ các chương trình này.

Trong lĩnh vực Chuyển đổi Số, KADIN đang nỗ lực triển khai các chương trình số hóa tập trung vào công nghệ tài chính và thương mại điện tử như Mã QR ASEAN, Nền tảng cho vay ASEAN P2P... nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy thanh toán trong khu vực, kết nối cộng đồng doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực Phát triển bền vững, KADIN đề xuất thành lập Trung tâm Trung hòa carbon ASEAN (ASEAN Net Zero Hub) và Trung tâm Ưu việt về Carbon (The Carbon Center of Excellence) nhằm xử lý các vấn đề về môi trường và giúp các nước ASEAN đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Trong lĩnh vực Tự chủ y tế, Chủ tịch ABAC 2023 giới thiệu Chiến dịch tiêm chủng “ASEAN One Shot” nhằm tăng cường năng lực sản xuất, khả năng phục hồi và sự sẵn sàng của hệ thống y tế khu vực trước các đại dịch trong tương lai. KADIN cũng mong muốn các nước ASEAN hợp tác với nhau để phát triển nguồn nguyên liệu dược phẩm tại chỗ để sản xuất thuốc và hạn chế nhập khẩu thuốc.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid (bên trái) và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Đào Trang/TTXVN)

Trong lĩnh vực An ninh lương thực, ABAC sẽ chủ trì các chương trình đảm bảo an ninh lương thực và hỗ trợ nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Indonesia cũng đề xuất về khả năng hợp tác với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam về các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.

Trong lĩnh vực Tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, Indonesia sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong ASEAN, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đồng thời tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ tham gia sâu hơn vào các hoạt động kinh doanh, giao thương tại khu vực.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ và đánh giá cao những sáng kiến, lĩnh vực hợp tác đề xuất của KADIN trong năm nay với tư cách là Chủ tịch ABAC; cho rằng, dưới sự dẫn dắt của KADIN, những sáng kiến hợp tác này được triển khai trên thực tế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng, trong những năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan, Bộ ngành Việt Nam, trong đó có Bộ Công Thương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển các lĩnh vực trên; Bộ Công thương luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng nhằm thực hiện giảm thiểu phát thải ròng, hợp tác y tế với các nước...

Bộ Công Thương cũng chú trọng hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Indonesia thực hiện các hoạt động thương mại và đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác, và cần phối hợp chặt chẽ với nhau để duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác để hình thành và cùng nhau phát triển các chuỗi cung ứng mới để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong lĩnh vực công nghiệp, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thủy sản, công nghiệp xe điện, đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp Halal và du lịch...

Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị KADIN cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tiếp cận, thực hiện các hoạt động kinh doanh, giao thương tại thị trường của nhau, tham dự các chương trình xúc tiến thương mại tổ chức tại Indonesia và Việt Nam.

Bộ trưởng cũng đề nghị KADIN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương Việt Nam để có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, thực chất hơn trong thời gian tới./.

Hữu Chiến-Đào Trang (TTXVN/Vietnam+)